Tiếng hát những đêm không ngủ
(Cadn.com.vn) - “Cuối năm 1969, đầu những năm 1970, tôi bị cuốn hút vào phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam. Đó là những ngày tôi sống hết mình và say sưa nhất. Tôi sáng tác trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan hy vọng...”,- cảm hứng nghệ thuật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào thời điểm cả một thế hệ thanh niên Việt Nam hát vang những giai điệu tràn ngập khát vọng quê hương hòa bình, đất nước thống nhất chính là tinh thần chung của dòng nhạc đấu tranh Hát cho đồng bào tôi nghe. Và, cái thời rạo rực xuống đường để bày tỏ ý chí đấu tranh mạnh mẽ ấy của những người Việt Nam trẻ tuổi đã làm nên bản giao hưởng hào hùng, tha thiết có sức vang vọng trong tâm hồn, đời sống và lịch sử của dân tộc cho đến ngày nay...
Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của sinh viên Huế. Ảnh: T.L |
Trong ký ức của những người cùng thời Hát cho đồng bào tôi nghe vẫn luôn sống động không khí hùng tráng của những đêm thơ, nhạc ở Đại học Sư phạm Huế, đêm hội thảo của sinh viên Sài Gòn với âm hưởng vang xa của những ca từ Hát cho dân tôi nghe được nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết vào cuối năm 1967.
Trường Đại học Khoa học Huế là nơi tái hiện ca khúc này vào tháng 11-1968, và với sự ủng hộ của học sinh, sinh viên miền Nam cùng nhiều đồng bào yêu nước sống dưới ách Mỹ-ngụy, phong trào Hát cho dân tôi nghe đã thực sự bắt đầu. “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên. hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang. Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang”,...
Từ đó, mục đích đấu tranh của một thế hệ thanh niên, mục đích hành động của một phong trào văn nghệ sinh viên đã được hát vang trong những đêm xuống đường kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm. Đó là khoảng thời gian ngời sáng lương tri của những con người trẻ của nước Việt với hùng tâm tráng chí luôn ấp ủ hình ảnh quê hương thái hòa: “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ. Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào. Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh. Giành lại thành phố đó cho Việt Nam nâng cao hòa bình...”.
Chính trong cuộc đấu tranh của những đêm không ngủ đó, lòng tự hào về dân tộc đã thắp lửa cho trái tim, thắp lửa cho tiếng hát của thế hệ sinh viên đã chọn khuynh hướng văn hóa-nghệ thuật tích cực đầy tính cách mạng làm vũ khí thách thức và đánh đuổi kẻ thù. Bất chấp hơi cay, lưỡi lê, vòi rồng, lựu đạn, bắt bớ của Mỹ-ngụy trong những cuộc đàn áp, lòng tự hào ấy thúc giục họ nắm tay nhau hòa chung giọng cất cao niềm tin: “Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương còn thơm. Hát vang danh Lam Sơn người cũng như mây lên non. Hát cho trăm năm sau sử vàng cũng biết môi thơm...”.
Trong những năm từ năm1970-1972, Hát cho đồng bào tôi nghe trở thành một cao trào mà mốc son là đêm Văn nghệ vì hòa bình được tổ chức tại Trường Đại học Nông-lâm-súc Sài Gòn. Khẳng định tính chiến đấu của phong trào là những tiếng hát yêu nước tiếp nối nhau vang lên ở giảng đường Đại học Khoa học Huế, hội quán Thanh niên ở Phan Thiết, chùa Linh Sơn ở Đà Lạt với hàng ngàn sinh viên hát những bản hợp xướng mang màu sắc dân tộc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, những bài hát Nối vòng tay lớn, Ngày mai bình yên, Cánh đồng hòa bình, Ta thấy gì đêm nay, Đồng dao hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Hát cho dân tôi nghe, Hát trong tù cùng hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng, nhạc cảnh Đốt sáng đêm tìm lấy hòa bình của nhạc sĩ Tôn Thất Lập; Người mẹ Bàn cờ, Một sớm mai nào, Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn...
Khí thế và tác động của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe được một nhà báo Pháp phản ánh với sự khâm phục sâu sắc: “Vừa mới viết ra, vừa mới hát lên, nó đã được truyền từ miệng người này đến miệng người khác. Phong trào nảy nở giữa gọng kìm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết... Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của lối sống Mỹ đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ họ được biết gương mặt hòa bình”.
Trở thành khúc hát của tuổi trẻ, với âm hưởng hào hùng và lãng mạn, bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đồng hành với lớp lớp học sinh, sinh viên miền Nam những năm 70 đang cháy bỏng ước mơ về ngày đất nước liền một dải thanh bình: “Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm. Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền. Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm. Cùng muôn trái tim đắp xây hòa bình”. Rất nhanh, những điều tự nguyện ấy vượt bờ cõi Việt Nam, lôi cuốn nhiều thanh niên tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thúc đẩy sinh viên Mỹ xuống đường đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam tạo ra làn sóng phản chiến rộng khắp.
Với âm điệu tươi sáng, giàu chất thơ và nét nhạc phóng khoáng chuyển tải sự lạc quan về tương lai của đất nước và dân tộc, những bài hát của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe phản ánh rõ nét khí thế đấu tranh của quần chúng ở các đô thị tạm chiếm. Đặc trưng nghệ thuật này đã nâng tiếng gọi thanh niên của những bài ca tranh đấu ấy thành tiếng kèn xung trận, thành những bản hành khúc của tuổi trẻ Việt Nam trong những đêm không ngủ...
Nguyễn Bội Nhiên