Báo Công An Đà Nẵng

Tiếng hát ve sầu

Thứ bảy, 14/12/2013 10:16

(Cadn.com.vn) - Ve sầu quán tọa lạc tại thôn Xuyên Tây 3, TT Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) thoạt trông từ ngoài là một tiệm thiết kế đồ họa, in ấn, làm thiệp cưới... rất bình thường. Song khi gặp chủ nhân quán Ve sầu Nguyễn Thế Quy, ít nhất ta sẽ nhận về mình một thông điệp đáng để quý trọng.

Chào đời (1988), Nguyễn Thế Quy đã mang trong mình di chứng chất độc da cam từ bố, một cựu lính tình nguyện ở Campuchia. Chết lặng hơn 30 phút rồi mới thở, Quy đến với thế giới này sao mà khó khăn đến vậy, thân hình quặt quẹo, tay chân cong vòng, miệng chỉ thốt lên những tiếng ú ớ. Rồi bố mẹ ly hôn, Quy chỉ được sưởi ấm bằng tình thương của hai người cô.

Lớn lên, ai cũng có những khát khao và hoài bão, nhưng với Quy ngay cái quyền tối thiểu đến trường cũng khó nhọc, em phải lần mò đến Trường Tiểu học Trần Phú nghe trộm thầy cô giảng bài. Chỉ học qua khung cửa, nhưng Quy biết đọc rồi biết viết và còn biết... làm thơ!

Nguyễn Thế Quy miệt mài bên bàn phím.

Ham học là vậy nhưng không cầm nổi cây viết bằng tay, em phải kẹp bút chì vào chân, rồi oằn người trên từng con chữ. Không thể đếm hết những lần bút gãy, ngón chân tứa máu. Không thể kể xiết những gian nan trên hành trình bán nhang mưu sinh…Và, cũng chính những tháng ngày gian nan ấy, Quy nung nấu quyết tâm tìm kiếm cho mình một cái nghề.

 "Chị viết bài đừng khen em gì cả, em nghĩ ai cũng có một số phận cuộc đời riêng cho mình, ai cũng phải cố gắng để được tồn tại", Quy dặn người viết ngay từ lúc nhận lời trò chuyện. Trong câu chuyện về đời mình, em kể nhiều về cô giáo Phạm Ngọc Thúy (Trường THCS Chu Văn An, Nam Phước) luôn động viên, khuyến khích mình; em kể về duyên may được một nhà hảo tâm người Hà Nội gửi cho một chiếc máy vi tính; kể về cuộc tao ngộ giữa em và thầy Phước Tuấn, Giám đốc Công ty tin học ngoại ngữ Mỹ Á ở Hội An, người đã nhận em vào học nghề miễn phí…  Tình thương yêu, chia sẻ ấy đã được em đáp lại bằng sự nỗ lực không mệt mỏi. Chỉ sau một thời gian ngắn, Quy đã thành thạo vi tính và còn tự dựng được CD, thiết kế đồ họa. Đó thật sự là một phép mầu, không chỉ là một điều kiện tiên quyết cho nghề nghiệp sau này, mà rộng hơn, là phương tiện giúp em giao lưu với mọi người, với thế giới, là con mắt, đôi tay chân, là tiếng nói… của em. Thông qua bàn phím vi tính, Quy đã đến gần hơn với ước mơ của mình.

Lý giải về cái tên Ve sầu quán, Quy cười: "Em chưa từng nghĩ mình bất hạnh mà chỉ muốn như con ve sầu hát hết mình cho cuộc đời, em không nói được rành rọt nhưng em có thể hát bằng thơ".  Phải là một trái tim dũng cảm, biết bao dung và một tâm hồn nhân ái mới có thể viết nên những vần thơ trong trẻo như thế này, với người mẹ rời xa em biền biệt: Mẹ về giữa giấc mơ khuya/ Ôm tôi và bón từng thìa cơm ngon/Bàn tay nắng cháy héo hon/ Ôm tôi thật chặt thấy còn xa xôi…

Ve sầu quán là tâm huyết, là giấc mơ, là hiện thực của Quy. Quán chỉ vừa đi vào hoạt động mới đây. "Quán còn ít khách bởi họ chưa tin tưởng em. Hôm đó có vị khách đến quán và kêu í ới "chủ quán đâu rồi mà quán vắng tanh thế này này, chủ quán đâu?".  Một người đi đường nhìn vào và cười "ông chủ nằm đó kìa". Vị khách nhìn em bảo cái thằng khùng khùng đi bán nhang dạo ni mà làm gì?. Nhưng sau khi ngồi xem em làm việc thì vị khách buột miệng "giỏi thế, cái thằng thiệt tội nghiệp", Quy hồn nhiên kể.

Gặp và chứng kiến, mà người viết vẫn cứ ngỡ hình ảnh, cuộc đời, khát vọng của "chàng trai ve sầu" là cổ tích. Không thể không tự ngẫm và tự hỏi rằng, giữa mình với em, ai yêu cuộc đời này hơn ai, ai sống ý nghĩa hơn ai… "Em chỉ mong được mọi người nhìn nhận và tin tưởng để Ve sầu quán nhận được sự ủng hộ nhiều hơn", Quy nói, nghĩa của câu nhẹ như không mà sao thanh âm lại gập ghềnh, khúc khuỷu đến vậy?

Hà Dung