Báo Công An Đà Nẵng

Tiếng kẻng bình yên

Thứ hai, 08/04/2019 06:00

Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" không xa lạ với nhiều địa phương, song ở tỉnh Nghệ An, cách vận dụng sáng tạo tiếng kẻng trong phòng chống tội phạm và gắn kết sức mạnh cộng đồng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) thực sự tạo nên những nét riêng …

Chiếc kẻng được bố trí tại sân bóng chuyền xóm Phong Hòa, xã Hưng Hóa. 

Tiếng kẻng xóm

3 năm nay, mô hình "Tiếng kẻng an ninh" trở nên quen thuộc đối với người dân xóm Phong Hảo nói riêng, người dân xã Hưng Hòa, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) nói chung. Đã trở thành thường lệ, đúng  22 giờ hàng ngày, tiếng kẻng ở nhà văn hóa xóm Phong Hảo lại vang lên. Nghe tiếng kẻng, người dân trên địa bàn xóm không ai bảo ai, tự giác kiểm tra xung quanh nhà, cửa ngõ một lần nữa trước khi đi ngủ.

Ông Trần Văn Hường- xóm trưởng xóm Phong Hảo  cho biết: Xóm Phong Hảo có trên 300 hộ với 1.000 nhân khẩu được tổ chức thành 10 tổ tự quản về ANTT. Trước đây, tình hình ANTT  trên địa bàn xóm vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề như trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn tranh chấp… Trước tình hình đó, được sự vận động của xóm trưởng, người dân Phong Hảo đã xây dựng mô hình "Tiếng kẻng an ninh"  gắn  phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Bằng nguồn kinh phí của người dân tự nguyện đóng góp, 3 chiếc kẻng được đặt tại khu vực trung tâm, nhà văn hóa và sân bóng chuyền. "Tiếng kẻng an ninh" hoạt động theo từng hiệu lệnh với những mục đích khác nhau: nhắc nhở tinh thần cảnh giác đối với người dân; hiệu lệnh để các thành viên đi tuần tra ban đêm đảm bảo ANTT thôn, xóm; báo động khi phát hiện những kẻ gây rối, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Khi nghe tiếng kẻng này, các tổ tự quản và người dân sẽ phải nhanh chóng lập chốt chặn tại các ngả đường để vây bắt kẻ gian sau đó báo cáo Công an cấp trên, đồng thời bảo vệ tính mạng cho người bị bắt giữ, không vì quá bức xúc mà có hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người phạm tội.

Từ khi có mô hình "Tiếng kẻng an ninh", ANTT trên địa bàn xóm ngày càng ổn định, người dân có ý thức, nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tài sản của mình.

Một trong nhiều chiếc kẻng được bố trí khắp các thôn ở xã Tân Phú.

Tiếng kẻng xã

Với xã Tân Phú (H. Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), người dân đã quen với tiếng kẻng gần 5 năm qua. Xã Tân Phú giáp ranh đan xen với 6 xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Tân Xuân, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân và xã Nghĩa Đức (H. Nghĩa Đàn), lại tập trung nhiều công ty, cơ quan Nhà nước, cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, internet, bi-a và các chợ chiều… nên tiềm ẩn sự phức tạp về tình hình ANTT. Từ thực tế đó, năm 2013, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Phú đã giao cho Ban CAX triển khai xây dựng mô hình "Tiếng kẻng bình yên" trên 12/12 xóm kết hợp với lực lượng Công an viên tuần tra đêm, lồng ghép với chương trình "Ánh điện thắp sáng" với 600 bóng điện được lắp đặt khắp các trục đường chính, ngã ba, ngã tư với tổng kinh phí gần 90 triệu đồng.

Mô hình này hoạt động mang tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải theo quy ước, hương ước của thôn xóm. Hàng ngày, 22 giờ vào mùa đông và 22 giờ 30 vào mùa hè, tiếng kẻng trên tất cả các xóm lại vang lên, báo hiệu giờ giới nghiêm, người dân ai về nhà nấy kiểm tra khóa cửa cổng đề phòng trộm cắp, còn các cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động phát sinh tiếng ồn để tránh gây mất trật tự ở khu dân cư; đồng thời, lực lượng Công an viên, thành viên tổ tự quản về ANTT ở các xóm tổ chức tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Từ đó, chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện đối tượng lạ mặt, có dấu hiệu khả nghi vào địa bàn xã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng tuần tra sẽ thông báo cho người canh kẻng đánh kẻng báo động, huy động người dân cùng tham gia vây bắt tội phạm. Qua đó, xây dựng mạng lưới an ninh sâu rộng, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở, không để nảy sinh phức tạp.

Theo Phó trưởng CAX Tân Phú Trần Quốc Thịnh, qua gần 5 năm mô hình "Tiếng kẻng bình yên" đi vào hoạt động, tinh thần cảnh giác của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được nâng lên rõ rệt, người dân phấn khởi yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Các vụ việc như tranh chấp đất đai, con cái, cha mẹ bất hòa xảy ra ở các xóm đều được hòa giải thấu tình đạt lý, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Cũng nhờ có "Tiếng kẻng bình yên" mà thời gian qua, quần chúng nhân dân đã phát hiện và cung cấp cho Ban CAX hàng trăm nguồn tin có giá trị, góp phần bắt giữ, xử lý hàng chục đối tượng phạm pháp, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản trong khu dân cư.

 Với những kết quả trên, năm 2015, Ban CAX Tân Phú được Chủ tịch UBND H. Tân Kỳ tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; năm 2016, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; tập thể nhân dân và cán bộ xã Tân Phú được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào TDBVANTQ.

CANA