Báo Công An Đà Nẵng

Tiếng kẻng học bài vùng biên

Thứ sáu, 11/03/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Đến vùng biên giới Việt – Lào sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi không khí dạy - học ở các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) H. Tây Giang (Quảng Nam), với những tiết học hết sức sôi động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là mô hình tiếng kẻng học bài được ngành GD-ĐT địa phương duy trì thực hiện trong những năm qua.

Xóa bỏ rào cản ngôn ngữ

Gần 20 năm trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý, phụ trách chuyên môn bậc tiểu học các trường trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang, thầy Trương Ơn- Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Ga Ry (xã biên giới Ga Ry, H. Tây Giang) nhìn nhận một thực tế khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục hiện nay ở các trường học trên địa bàn miền núi là do đối tượng học sinh DTTS có vốn ngôn ngữ tiếng Việt quá hạn chế. Học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức các môn học, cũng như tham gia các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1 mới chỉ được trang bị một số ít vốn từ tiếng mẹ đẻ thông dụng để giao tiếp, vốn từ tiếng Việt rất nghèo. Vốn từ tiếng phổ thông còn hạn chế tạo rào cản về ngôn ngữ nên việc tiếp thu kiến thức bằng tiếng Việt đối với các em học sinh rất khó khăn.

Làm thế nào để nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh đồng bào DTTS, nhất là đối tượng học sinh đầu cấp là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Chính vì vậy, mô hình tiếng kẻng học bài được ngành GD-ĐT H. Tây Giang phát động trong thời gian qua được Trường PTDTBT tiểu học Ga Ry duy trì triển khai một cách liên tục, mang lại hiệu quả tích cực. Bởi nói như Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang Nguyễn Anh Tuấn, đó là giải pháp hiệu quả tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học của trường học miền núi – vùng đồng bào DTTS, nơi điều kiện KT-XH địa phương còn nhiều khó khăn chưa thể đầu tư một cách đúng mức cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Mô hình tiếng kẻng học bài dần dần tạo ý thức tự học cho học sinh đồng bào DTTS.

Giúp các em tự học 

Cũng xuất phát từ thực tế chung của các trường học địa bàn vùng biên giới, với 100% học sinh là con em đồng bào DTTS, nên năng lực ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh là một trong những rào cản đối với hoạt động dạy và học, thầy Phạm Công Đức- Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Ch’ơm (xã biên giới Ch’ơm, H. Tây Giang) cho hay: Năm học này nhà trường có 14 lớp học bậc tiểu học với 172 học sinh; 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh. 100% học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Trong đó, ngoài học sinh của xã Ch’ơm còn có hơn 80 học sinh THCS là con em xã Ga Ry đến học vì tại xã Ga Ry không có trường cấp II.

Theo thầy Đức, để công tác nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt và chất lượng giáo dục cho học sinh, hằng năm, việc xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh đều được tập thể hội đồng sư phạm nhà trường góp ý, xây dựng để có một kế hoạch hoàn chỉnh, thống nhất. Từ đó, công tác triển khai được quán triệt đến từng giáo viên và trong suốt quá trình thực hiện đều có sự giám sát, theo dõi của Ban giám hiệu nhà trường, hội đồng sư phạm và phòng GD-ĐT huyện. “Hằng năm, công tác tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh đầu cấp được thực hiện ngay từ đầu tháng 7. Và ngay từ đầu năm học, thực hiện sự chỉ đạo của phòng GD-ĐT, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp mang tính chuyên môn giúp học sinh học tốt môn tiếng Việt. Song song với việc dạy học sinh trên lớp, giáo viên nhà trường còn tham gia dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém trái buổi và vào buổi tối tại nhà thôn, hướng dẫn học sinh học bài vào buổi tối theo mô hình tiếng kẻng học bài”, thầy Đức cho biết thêm.

Thầy Trương Ơn chia sẻ: Chúng tôi xác định mô hình tiếng kẻng học tập là một trong những giải pháp được thực hiện xuyên suốt năm học nhằm tăng cường thời lượng dạy học môn Tiếng Việt, ý thức tự học cho học sinh. Chính vì vậy, ngoài việc linh hoạt việc thực hiện tăng thời lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau, như: tăng số lượng tiết dạy học trong buổi học ít tiết, buổi học trong tuần, điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt..., vào các buổi tối trong tuần, tại điểm trường chính và các điểm trường thôn, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đều cùng ngồi vào bàn học tập theo mô hình tiếng kẻng học bài. Đến nay, đa phần các em đều có ý thức tự giác học tập, nhất là các em được tổ chức ăn ở bán trú tại trường.

Thầy Đức phấn khởi nói: Mô hình tiếng kẻng học bài được Trường PTDTBT TH&THCS xã Ch’ơm duy trì triển khai liên tục trong những năm học qua. Tuy nhiên, có những thời điểm được giáo viên, học sinh thực hiện sôi nổi, và cũng có thời điểm không khí chùng xuống. Nhưng nhìn chung, mô hình tiếng kẻng học bài đã hình thành nề nếp, ý thức học tập cho con em nơi vùng biên xa xôi này; góp phần cổ vũ, nâng cao tinh thần thi đua dạy học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục miền núi – vùng đồng bào DTTS.

Khải Minh