Tiếng loa phòng chống tội phạm
(Cadn.com.vn) - Để chủ động trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CAX Bình Đào, H. Thăng Bình (Quảng Nam) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng nhiều mô hình "tự phòng, tự quản" trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Một trong những mô hình mang lại kết quả và được đánh giá cao về tính hiệu quả đó là "Tiếng loa an ninh".
Hằng đêm, vào khoảng 22 giờ, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ sau một ngày làm việc vất vả cũng là lúc tiếng loa của Đài truyền thanh xã Bình Đào vang lên. Cứ thế, gần 2 năm nay, tiếng loa đều đặn, đều đặn mỗi ngày theo dòng thời gian. Với người dân xã Bình Đào, tiếng loa như vừa lạ, vừa quen; vừa như thông tin, hiệu lệnh báo hết giờ để nhân dân tự giác ngừng các các hoạt động vui chơi giải trí; các quán xá, dịch vụ bi-a, karaoke, internet... đóng cửa; đám cưới, đám tang ngừng tiếng loa đài, kèn trống và các thanh niên cũng biết được giờ giấc đã khuya để về nhà, không tụ tập chơi bời hàng quán. Tiếng loa còn là lời nhắc bảo vệ cơ quan, trường học; nhắc nhở mỗi gia đình đề cao cảnh giác, tự quản lý mọi thành viên trong gia đình đã về chưa và kiểm tra lại tài sản, khóa cổng, cửa trước khi đi ngủ để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tiếng loa an ninh của xã Bình Đào. |
Khi được hỏi vì sao có mô hình này, Trưởng CAX Bình Đào Trần Thế Vinh cho biết: "Những năm trước đây, tình hình ANTT trên địa bàn xã diễn biến phức tạp, nhất là nạn trộm cắp về đêm, trong khi đó ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong công tác đảm bảo ANTT của người dân chưa cao, đâu đó vẫn còn tình trạng "đèn nhà ai nấy rạng". Từ thực trạng trên, đầu năm 2014, CAX đã tham mưu UBND xã xây dựng mô hình "Tiếng loa an ninh" để thông tin đến nhân dân trên địa bàn xã những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và địa phương về đảm bảo ANTT; các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, mặt khác, nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác, tránh tạo cơ hội cho kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, "tiếng loa" còn kêu gọi người dân cùng phối hợp truy bắt kẻ gian hoặc tham gia xử lý thiên tai, hỏa hoạn, tìm kiếm cứu nạn".
Mô hình đi vào hoạt động đã nhận được sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ của cán bộ truyền thanh xã và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của toàn thể nhân dân. UBND xã cũng quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí tu sửa, nâng cấp mạng lưới truyền thanh, thay mới đường dây, trang bị các loa phát thanh có chất lượng cao, nhờ vậy tiếng loa phát ra rất rõ ràng và đi đến tận "đầu làng, cuối xóm". Để "tiếng loa" hoạt động có hiệu quả, sau chương trình phát thanh, lực lượng Công an, Dân quân cơ động của xã kết hợp với đội dân phòng triển khai đi tuần tra trong làng, ngoài đồng, nắm bắt tình hình ANTT và nhắc nhở các điểm vui chơi giải trí, các hộ gia đình, công dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. "Gần 2 năm qua, chưa đêm nào tiếng loa ngừng phát, mặc dù kinh phí hỗ trợ còn quá ít so với công sức, thời gian bỏ ra để thực hiện chương trình "Tiếng loa an ninh", nhưng tôi vẫn thấy vui vì đã đóng góp một phần công sức của mình cho nhiệm vụ bảo vệ ANTQ, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân và cho chính gia đình tôi", anh Lâm Ngọc Chiến, cán bộ truyền thanh xã chia sẻ. Ông Phan Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội cho biết thêm: "Điểm đặc biệt của mô hình "Tiếng loa an ninh" ở Bình Đào là cán bộ truyền thanh xã đã tự nghiên cứu, phát kiến ra "bộ tự động" tiếp nhận thông tin từ ĐTDĐ của Trưởng CAX và truyền tải, phát ra hệ thống loa truyền thanh của xã. Nhờ vậy, bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu, những thông tin về tội phạm hoặc về thiên tai, hỏa hoạn đều được Trưởng CAX kịp thời chuyển đến để người dân biết, cùng tham gia".
Mô hình "Tiếng loa an ninh" đã góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã ngày càng phát triển, ý thức "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ" của người dân được nâng lên. Ông Trần Hữu Dũng, thôn Trà Đóa 2 nói: "Có hôm tôi đi làm về vì quá mệt mỏi, nên cơm nước xong là lên giường ngủ, quên khóa cổng, đóng cửa, khi nghe tiếng loa mới giật mình chạy ra kiểm tra, nhờ vậy mà không xảy ra mất mát gì" . Còn ông Nguyễn Hữu Tuân, thôn Phước Long chia sẻ: "Tiếng loa cũng đánh động, xua đuổi những kẻ gian từ nơi khác lai vãng đến địa bàn. Nhờ vậy, từ khi có tiếng loa an ninh đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn ổn định, nạn trộm cắp vặt gần như được khống chế".
"Qua theo dõi, thời gian qua mô hình "Tiếng loa an ninh" của xã Bình Đào đã mang lại hiệu quả cao trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã; mô hình không chỉ mang lại sự bình yên cho thôn xóm mà trên hết đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm. Thời gian đến, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu Giám đốc Công an tỉnh nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn tỉnh", Đại tá Lê Hoài Nam, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ CA tỉnh khẳng định.
Anh Khoa