Tiếng mõ bình yên
Tháng 8-2017, khi được chọn điểm để kỷ niệm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ), xã Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; trong đó có phần hội thi "Tiếng mõ an ninh" phát hiện, vây bắt tội phạm. Đây là một mô hình tự quản đã góp phần khơi dậy trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trong các tầng lớp nhân dân và được Hội Nông dân TP Đà Nẵng chọn diễn tập để các đại biểu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm giai đoạn 2002 - 2012...
Hội thi mô hình "Tiếng mõ an ninh" phát hiện vây bắt tội phạm ở xã Hòa Phong. |
Được biết, năm 2002, xã Hòa Phong xây dựng phong trào tiếng mõ an ninh để toàn dân tham gia công tác bảo vệ ANTT, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Chính quyền địa phương lên kế hoạch, quy định những vụ việc cụ thể được đánh và không được đánh mõ; trường hợp người dân xô xát thì đánh mõ như thế nào, gặp tai nạn giao thông, cháy nhà, điện giật thì đánh ra sao. Ban đầu, khi được chọn làm điểm, người dân thôn Cẩm Toại Đông kịp thời phát hiện 5 vụ trộm cắp, vây bắt 9 đối tượng và hàng chục vụ vi phạm pháp luật khác. Thấy mô hình nhanh chóng phát huy hiệu quả, xã nhân rộng cho 14 thôn còn lại và chỉ trong một thời gian ngắn, 100% hộ dân đã hưởng ứng nhiệt tình, nhà nào cũng tự làm cho mình một chiếc mõ bằng ống tre khô. Tiếng mõ an ninh đã góp phần làm cho số vụ vi phạm về ANTT tại cơ sở giảm rõ rệt, thôn xóm bình yên, người dân yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt, những vùng có dân cư thưa thớt như Khương Mỹ, An Tân, Bồ Bản… tiếng mõ đã làm "chùn chân" không ít đối tượng chuyên đánh bả chó, trộm cắp gia cầm, gây rối.
Qua thời gian, tiếng mõ tre ở xã Hòa Phong đã trở thành công cụ an ninh, người bạn thân thiết đối với các hộ dân. Bởi, mỗi khi tiếng mõ vang lên là tinh thần đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng trong các khu dân cư lại trỗi dậy. Điển hình, năm 2012, các khu dân cư thôn Cẩm Toại Trung rộ lên tiếng mõ liên hồi, mới đầu vài người gõ, sau đó cả khu đều vang tiếng mõ. Chưa đầy 5 phút, người dân trong thôn đã có mặt chốt chặn các ngả đường để vây bắt tội phạm. Sau 30 phút rà soát dưới các cánh đồng sũng nước, lực lượng phòng chống trộm đêm CAX và người dân đã bắt giữ đối tượng Huỳnh Ngọc Lắm (trú H. Đại Lộc, Quảng Nam) đang bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản của người đi đường... "Muốn giải quyết nhanh các vụ việc như thế, chủ yếu phải dựa vào dân, lấy sức mạnh người dân để khống chế tội phạm thì mới có hiệu quả. Từ đó, công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ, đấu tranh phòng chống tội phạm đã thành trách nhiệm chung của toàn thể cán bộ và nhân dân địa phương" - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân xác nhận.
Tiếng mõ an ninh không chỉ góp phần giúp lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện và truy bắt tội phạm, mà còn uy hiếp tinh thần, răn đe đối tượng phạm tội; huy động được những thành phần tích cực nhất và động viên, thu hút các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia vào công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở. Nhiều thôn khi triển khai, phát động mô hình này đã đạt được kết quả tốt như Cẩm Toại Đông, Cẩm Toại Trung, Cẩm Toại Tây, Bồ Bản 1, Dương Lâm 2… Và, sau khi xã Hòa Phước (H. Hòa Vang) xây dựng hiệu quả mô hình "Tiếng mõ an ninh" ở 2 thôn Tân Hạnh, Trà Kiểm giáp ranh với xã Điện Hòa (TX Điện Bàn, Quảng Nam), thời gian đến, mô hình này sẽ tiếp tục lan tỏa để mỗi miền quê ở vùng ven này luôn được bình yên.
VY HẬU