Tiếng Nga trong tôi!
(Cadn.com.vn) - 1. Năm lớp 6, tôi được xếp vào học lớp 6C, một trong ba lớp tiếng Nga của khối lớp 6 thời bấy giờ. Ba lại thích tôi học lớp tiếng Anh. Thế nên khi đi làm về, nghe tôi thông báo điều này, ông giãy nảy: “Để ba qua nhà cô hiệu trưởng xin chuyển con sang học lớp tiếng Anh, hỉ?”. Nhà tôi là hàng xóm với nhà cô hiệu trưởng, nếu ba tôi sang xin, chắc sẽ được. Thời bao cấp việc học hành không căng thẳng, không có hiện tượng “chạy trường”, “chạy lớp” như bây giờ. Ba mẹ cũng ít tham góp, can thiệp quá sâu vào việc học hành của con. Thế nên việc ba tôi gợi ý “xin chuyển sang học lớp tiếng Anh” khiến tôi không ưng lắm. Tôi nào biết ngoại ngữ nào quan trọng trong tương lai, chỉ cần lớp học đó có những người bạn mà mình thích là đủ rồi. Nghĩ thế, nên tôi đã nói với ba rằng, con thích học tiếng Nga dù... không chưa biết một chữ nào...
Mùa thu ở nước Nga. |
2. Hồi đó sách giáo khoa rất thiếu nên HS mỗi tổ trong lớp tự phân chia sách để giữ và dùng chung. Riêng sách tiếng Nga thì hầu như ai cũng được phát đủ. Khác với sách giáo khoa các môn học khác, sách tiếng Nga được in trên giấy trắng tinh, láng bóng, lại được in màu, trình bày rất đẹp và sang trọng. Chỉ nhìn sách thôi là... mê tơi rồi. Tiết học tiếng Nga đầu tiên thật thú vị. Sẽ có người cho tôi xạo, nhưng thật lòng, đến giờ tôi vẫn rất ấn tượng về bài học “vỡ lòng” của môn học này. Ấn tượng đầu tiên của tôi là về cô giáo. Cô đã vào tuổi trung niên, gương mặt hồn hậu, dáng người to đậm, nổi bật trên khuôn mặt là đôi mắt sâu, to tròn như mắt bồ câu, lúm đồng tiền rất sâu khi cười.
Sau khi làm quen các chữ cái, cách phiên âm tiếng Nga, cô dạy chúng tôi bài học về cách giới thiệu tên người, đồ vật, sự vật, hiện vật: “Ét-tờ Vô-và”, “Ét-tờ Ma-sa”, “Ét-tờ Vô-va ì Ma- sa”: nghĩa là: đây là bạn Vô-Va, đây là bạn Ma- Sa, ghép lại: đây là bạn Vô-Va và Ma- sa); Ét- tờ- đôm (đây là ngôi nhà: chỉ hiện vật)... Chữ viết cô rất đẹp, nét chữ tròn bụng, cao, rất chân phương. Cô có lối truyền thụ kiến thức lôi cuốn, dễ hiểu, tính cách lại vui nhộn. Thế rồi, chẳng biết từ lúc nào, tiếng Nga trở thành một trong 3 môn học được tôi yêu thích nhất, sau Văn và Sử.
3. Khi chúng tôi vào học cấp ba một năm thì xảy ra sự kiện Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết sụp đổ. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất lớn tâm tư, tình cảm của hầu hết thế hệ thầy cô, học trò dạy và học tiếng Nga ngày ấy. Tôi cũng vậy, học sa sút môn học này thấy rõ. Tuy nhiên, trong tâm khảm, tôi vẫn yêu mến ngôn ngữ này. Thế nên, bước chân vào giảng đường Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là ĐH Khoa học và nhân văn), khi khoa thông báo sinh viên năm đầu đăng ký học ngoại ngữ, tôi đã viết nguyện vọng học Tiếng Nga. Vài ngày sau, khoa thông báo, do có quá ít sinh viên đăng ký học tiếng Nga nên trường không thể mở lớp. Vì vậy, tôi phải chuyển sang học tiếng Anh.
Hơn 1 năm chật vật vì không quen cách đọc, cách phát âm cùng ngữ pháp của tiếng Anh, tôi lại nhớ đến những năm tháng học tiếng Nga da diết. Điểm số môn tiếng Anh của tôi không bao giờ vượt qua điểm 5, dù đã được cô giáo chiếu cố. Ngày đó, ngoại ngữ là môn học được xếp học chung với nhiều lớp thuộc các chuyên ngành khác nên tôi càng xấu hổ hơn khi thường xuyên bị cô “chiếu tướng” gọi lên đọc hội thoại. Giữa trăm ánh mắt nhìn về phía mình, tôi như ngọng cứng lưỡi đến nỗi không thể nào cất tiếng đọc to. Chưa bao giờ tôi bị ám ảnh đến tự ti khi bước vào giảng đường chung để học tiếng Anh. 3 tháng sau, cô giáo ra đề kiểm tra 1 tiết (dạng đề mở): Em hãy viết bức thư gửi cho người thân với độ dài từ 100 đến 500 từ bằng tiếng Anh kể về cuộc sống hiện tại của em.
Thấy tôi ngồi cắn bút, cô bạn học cùng khóa bảo nhỏ: “Mi viết thư bằng tiếng Việt đi, tau dịch sang tiếng Anh cho rồi chép lại mà nộp cho cô”. Không lẽ để giấy trắng, nên tôi đành làm theo nó. Tuy nhiên, trước khi đem bài lên nộp, tôi lại áy náy nên quyết định ghi thật phía dưới bài: “Nội dung bằng tiếng Việt là của em; dịch ra tiếng Anh là nhờ bạn”. Chính sự trung thực buồn cười ấy đã khiến cô có cái nhìn khác về tôi. Cô đã hỏi chồng cô- thầy dạy lớp tôi môn Hán Nôm là tôi học môn này thế nào? Khi nghe thầy cho biết, tôi học khá tốt môn học này, cô ngạc nhiên nói với thầy: “Con bé đó lạ hè! Cùng là ngoại ngữ, nhưng sao học ngôn ngữ “cổ” lại được, ngôn ngữ “kim” lại... tệ đến thế! Được cái trung thực. Anh lên khoa nói với nó, khối đứa trong lớp học chung tiếng Anh vẫn nhờ bạn làm bài giúp chứ không riêng gì nó đâu. Vì vậy, đừng quá tự ti, áy náy về việc làm của mình”. Bài kiểm tra ấy, tôi được cô cho điểm 6, bạn tôi được điểm 8. Khi gọi tôi lên văn phòng khoa để động viên, thầy dạy Hán Nôm đã kể cho tôi nghe về cuộc trò chuyện giữa cô với thầy, rồi hiền từ bảo tôi (đại ý rằng): “Vì tính trung thực của em mà cô thương đó. Cô nói, vào các tối trong tuần, nếu em muốn học tiến bộ môn tiếng Anh thì cứ đến trung tâm dạy tiếng Anh nơi cô đang dạy để học thêm. Cô sẽ dạy mà không lấy tiền!”.
Tôi xúc động lắm! Nhưng đi học được vài tháng thì nghĩ vì cảm thấy xấu hổ trước sự ưu tiên được miễn học phí của mình... Biết không thể đánh tan trong tôi sự tự ti khi tiếp xúc với tiếng Anh, cô chỉ nhắn gửi một điều: “Học ngoại ngữ không được xấu hổ, ngại nói, ngại phát âm. Phải mạnh dạn, tự tin thì mới học tốt ngoại ngữ”...Tôi biết điều đó, nhưng không thể vượt qua “chướng ngại vật” rất bảo thủ của mình, đó là: lỡ yêu môn tiếng Nga mất rồi! Tuy nhiên, tôi không nói ra điều đó vì sợ cô buồn.
4. Năm thứ ba đại học, có một cô bé năm một xin vào ở chung giường với tôi do ký túc xá hết chỗ. Cô bé đó thi Anh Văn nhưng không đủ điểm nên được xếp qua học song ngữ: Nga- Anh. Vào học được 2 tháng, vì không quen tiếng Nga, đặc biệt ngữ pháp rất khó, cô bé nản chí quyết định bỏ học về quê, mặc cho tôi và các chị khác trong phòng năn nỉ, phân tích thế nào cũng không được. Trước khi về, cô bé nhờ tôi làm đơn gửi lên văn phòng khoa giúp. Tuy nhiên, tôi đã không làm theo yêu cầu đó mà viết đơn xin phép nghỉ học một tuần cho cô bé vì lý do sức khỏe.
Bởi bằng linh cảm, tôi tin cô bé sẽ quay lại giảng đường. Đúng như tôi dự đoán, ngay trong hôm tôi nhận được thư cô bé từ Quảng Bình gửi vào tâm sự mình ân hận thế nào khi rời bỏ giảng đường về quê; rằng bị ba mẹ giận..., cũng là lúc em quay lại giảng đường... Kể từ đó, em chăm chú học song ngữ, ra trường trở thành một chuyên viên giỏi làm cho các dự án nước ngoài. Mỗi lần có dịp gặp lại nhau, em lại nhắc kỷ niệm học tiếng Nga ngày nào của mình với giọng kể rất biết ơn!
5. Những ngày này, khi nước Nga kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít, không hiểu sao những mẩu chuyện ấy lại chợt ùa về. Đã hơn 20 năm không... “sờ” đến tiếng Nga; ngữ pháp và từ vựng đã quên tuột, nhưng tôi vẫn không sao quên được bài học “vỡ lòng” khi tiếp cận với môn học này. Từ các thầy cô giáo dạy tiếng Nga có tâm hồn hồn hậu ấy, tự lúc nào, văn học Nga, tính cách và con người Nga đã đi vào tâm hồn tôi tự nhiên như dòng chảy của “Sông Đông êm đềm” vậy!
Tùy bút: Khánh Yên