Báo Công An Đà Nẵng

Tiếng nói của Ma Lấk

Thứ tư, 05/02/2020 21:01

Buôn Chơ (xã Krông Pa. H. Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có 140 hộ dân, với trên 730 khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê Đê. Trước đây, cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, các hủ tục lạc hậu ăn sâu trong tiềm thức... Là người được giáo dục, rèn luyện trong môi trường lực lượng vũ trang nên Ma Lấk hiểu được nguyên nhân chính là do nghèo đói. Vì thế, ông tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, không gây mất an ninh trật tự (ANTT), chí thú làm ăn.

Ma Lấk (ngoài cùng bên trái) với các cán bộ CAH Sơn Hòa đến thăm hỏi người dân trong buôn Chơ.  

Vận động bà con bỏ hủ tục lạc hậu

Là người gắn bó với mảnh đất này nên Ma Lấk rất am hiểu phong tục tập quán của buôn làng. Trước đây, mỗi khi trong nhà có người bệnh, bà con đều cho rằng bị trúng "ma lai, thuốc độc" và "con ma" trong bụng quấy phá. Do đó họ thường lén lút mời thầy cúng đến nhà để xua đuổi "ma lai". Có trường hợp hai người mâu thuẫn nhau, khi một trong hai người bị bệnh, họ thường nghi kỵ người kia đã bắn "con ma lai" vào người họ. Từ đó dẫn đến hiềm khích, mâu thuẫn giữa hai gia đình, dòng họ, gây mất ANTT buôn làng.

Điển hình như trường hợp Nay Y Rớt và Ma Kéo ở buôn Chơ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Nay Y Rớt dọa sẽ bắn vào "con ma lai" trong người Ma Kéo cho đến chết. Lo sợ, Ma Kéo đã rước thầy cúng Oi Sơn dùng ống hút để hút "con ma lai" ra. Sau khi nắm được tình hình, Ma Lấk và Đại úy Lê Văn Dỏn, cán bộ CAH Sơn Hòa cùng một số cán bộ, đoàn thể trong buôn vận động gia đình, đưa Ma Kéo đến trạm xá xã khám chữa bệnh. Đồng thời đưa thầy cúng Oi Sơn ra kiểm điểm trước dân. Trước đông đảo bà con buôn làng, thầy cúng Oi Sơn thừa nhận hành vi lừa bịp của mình để lấy tiền.

Khi nhận ra chân tướng của Oi Sơn, cộng với sự vận động của Ma Lấk, mỗi khi có bệnh bà con buôn làng đều đến trạm xá xã khám và điều trị. Với sự tham gia tích cực của Ma Lấk và các cấp chính quyền, hủ tục "ma lai, thuốc độc" ở buôn Chơ hiện nay đã được xóa bỏ.

Không ngại hiểm nguy

Hơn 20 năm là Trưởng CAX ở địa bàn miền núi, Ma Lấk trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ việc về ANTT. Nhiều lần, ông phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh của người chiến sĩ từng được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, Ma Lấk đều bình tĩnh vượt qua, bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con buôn làng.

Một trong những vụ án mà ông không bao giờ quên, đó là vào năm 1996, một đối tượng đang có lệnh truy nã từ tỉnh Cao Bằng vào xã Krông Pa lẩn trốn và chuyên dùng súng ngắn khống chế người đi làm rẫy để cướp tài sản, gây hoang mang trong bà con buôn làng. Sau khi nắm rõ tình hình, Ma Lấk lên kế hoạch vây bắt đối tượng. Buổi sáng hôm ấy, trong vai là người đi lấy tổ ong, Ma Lấk cùng các Phó trưởng CAX Lê Văn Diễu, cán bộ CAH Ksor Loan, xã đội trưởng Ma Nưng vượt hơn 10 cây số đường rừng đến thác Chi Vê, nơi đối tượng đang lẩn trốn. Sau khi bàn bạc với tổ công tác, Ma Lấk cùng đồng đội bí mật tiếp cận chòi canh rẫy, ông tiên phong leo lên sàn nhà, phát hiện khẩu súng của đối tượng đang giấu trong chiếc áo, Ma Lấk nhanh chóng lấy súng và khống chế thành công đối tượng, dẫn giải về trụ sở CAX.

Bà con ở buôn Khăm, xã Krông Pa cũng không thể nào quên hình ảnh Ma Lấk khôn khéo, khống chế đối tượng Ma Yên ở buôn Khăm uống rượu say, cầm dao gây mất ANTT. Sau đó, Ma Lấk cùng các đoàn thể cảm hóa, giáo dục, khuyên nhủ Ma Yên từ bỏ thói hư tật xấu, chăm lo làm ăn.

Cuối năm 2010, Ma Lấk không còn làm Trưởng CAX và đến năm 2018, ông không còn làm Bí thư chi bộ buôn Chơ, nhưng ông vẫn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của buôn làng. Tiếng nói của ông vẫn được người dân nghe và làm theo.

P.Y