Tiếng trống chiến tranh
(Cadn.com.vn) - Theo giới phân tích quân sự, tại thời điểm này, Mỹ gần như không còn lựa chọn nào khác là tấn công quân sự nhằm vào Syria.
AFP ngày 28-8 cho biết, các lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh đang ráo riết hoàn tất mọi kế hoạch chuẩn bị tấn công Syria, hành động gây hấn cao nhất của các cường quốc phương Tây trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm rưỡi qua tại quốc gia Trung Đông này.
Cũng theo nguồn tin, Mỹ có thể mở các cuộc không kích nhằm vào quốc gia Trung Đông này vào hôm nay (29-8) sau khi xác định việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học (VKHH). Trong ngày 28-8 (giờ Mỹ, 29-8 giờ Việt Nam) Anh sẽ đệ trình một nghị quyết dự thảo lên HĐBA LHQ, “lên án chính quyền của Tổng thống Assad tấn công bằng VKHH” và cho phép triển khai “các biện pháp nhằm bảo vệ dân thường Syria”.
Tàu chiến USS Harry S. Truman của Mỹ sẵn sàng tại Địa Trung Hải, gần Syria. Ảnh: Reuters |
Hôm nay, Mỹ có thể đánh Syria
Hành động can thiệp quân sự có thể do Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo. Ông cũng chính là người đầu tiên tuyên bố, cuộc tấn công VKHH hôm 21-8 là do chính quyền Tổng thống Assad gây ra. “Không còn nghi ngờ ai là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công ghê tởm này, đó là chính phủ Syria. “Tổng thống và tôi tin rằng, những người sử dụng VKHH cần phải chịu trách nhiệm”, ông Biden nói hôm 28-8.
Hiện, chi phí cho cuộc tấn công Syria cũng bắt đầu được tính toán trong khi chứng khoán toàn cầu tụt dốc và giá dầu thế giới đạt mức cao nhất. Nhiều nguồn tin cho rằng, Washington có thể tấn công Syria sớm nhất là vào hôm nay (29-8) bằng tên lửa hành trình từ các tàu chiến nằm vùng ở Địa Trung Hải, gần Syria. NBC News cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vạch ra kế hoạch tấn công 3 ngày. Các mục tiêu tấn công sẽ bao gồm boongke chỉ huy và kiểm soát, sân bay cũng như các đơn vị pháo binh. Sau đó, các bên sẽ họp đánh giá kết quả và có thể mở thêm các cuộc tấn công kế tiếp.
Tuy nhiên, Washington khẳng định mục tiêu tấn công không phải là thay đổi chế độ mà chỉ để trừng phạt chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad vì sử dụng VKHH nhằm vào dân thường. Khẳng định này rõ ràng nhằm bác bỏ những cáo buộc của tờ People Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) số ra ngày 28-8 rằng, Nhà Trắng và các đồng minh đang tìm cách lợi dụng vấn đề VKHH nhằm tìm cách thay đổi chế độ ở Syria một cách bất hợp pháp (như Iraq) và thổi bùng một cuộc xung đột vốn đã rất tồi tệ và khốc liệt tại quốc gia Trung Đông này.
Syria - Nạn nhân hay “kẻ tội đồ”
Chính quyền Obama cần phải thận trọng nếu muốn can thiệp quân sự ở Syria. Bởi lẽ, nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công quân sự mà không được HĐBA LHQ phê chuẩn, đây sẽ là “hành động chiến tranh” bất hợp pháp chống lại một nhà nước có chủ quyền. (Tiền lệ Kosovo không thể lại dùng để tạo ra hành động bất hợp pháp khác).
VKHH trong những ngày qua nổi lên là tâm điểm để người ta thúc đẩy ông chủ Nhà Trắng can thiệp quân sự vì sự vi phạm “giới hạn đỏ” đối với Syria mà chính ông đã đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chưa hề có bằng chứng được công bố để hỗ trợ các cáo buộc rằng, lực lượng Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 21-8. Hiện tại, phái đoàn thanh tra LHQ về VKHH vẫn đang làm nhiệm vụ ở Syria và chưa có kết luận chính thức nào. Tất cả chỉ mới là ý chủ quan của Mỹ và các đồng minh chứ không phải của các bên khách quan khác như Trung Quốc, Nga hay LHQ.
Ngược lại, Nga trước đó đưa ra bằng chứng để HĐBA LHQ thấy rõ ràng, phe nổi dậy đã sử dụng khí sarin chống lại dân thường (lặp lại kết luận của Carla del Ponte, công tố viên quốc tế trước đây và hiện tại là ủy viên LHQ về Syria). Và các quan chức Nga cho rằng, trong vụ tấn công hôm 21-8, khí hóa học xuất phát từ một tên lửa tự chế được bắn đi từ một vị trí được biết đến là nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari ngày 28-8 cũng cáo buộc phe nổi dậy sử dụng VKHH để lôi kéo các cường quốc nước ngoài can thiệp quân sự. Nói về vấn đề này, nhật báo chính thức của Vatican chỉ trích các cường quốc thế giới vì hấp tấp chuẩn bị tấn công Syria bất chấp việc LHQ đang tiến hành cuộc điều tra. Tờ báo nhấn mạnh: “Nhiều kịch sĩ quốc tế dường như không còn coi cuộc điều tra là nhân tố mang tính quyết định”.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, Syria cần một giải pháp ngoại giao. Vì thế, Mỹ cần cân nhắc kỹ càng trước khi tấn công Syria bởi hậu quả chắc chắn sẽ nhấn chìm cả Trung Đông vào biển lửa. “Thắng lợi” trong vài ngày như Nhà Trắng đặt ra là hoàn toàn không khả thi vì chính quyền Damacus có đủ các hệ thống phòng không để đối phó với những cuộc tấn công như vậy. Đó là chưa kể đến khả năng như Ngoại trưởng Syria Muallem khẳng định, “Nga và Iran sẽ không bỏ rơi chúng tôi”.
Khả Anh