Tiếng vọng tháng 6-1914
(Cadn.com.vn) - Tháng 6 đánh dấu 100 năm Thái tử Áo Franz Ferdinand bị ám sát, sự kiện gây ra phản ứng dây chuyền mà các cường quốc Châu Âu quan trọng, trong đó có Đức, Nga và Anh, tham gia vào Thế chiến I ngay sau đó.
100 năm sau, thế giới vẫn còn nhiều tiếng vang của những năm đầu thế kỷ XX với sự thay đổi lớn trong sức mạnh toàn cầu. Trong khi Đức, Nga và Mỹ là các quốc gia quan trọng trong năm 1914, sức mạnh ngày nay chuyển dịch từ Bắc sang Nam, với sự trỗi dậy của các nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Và cũng giống như 100 năm trước đây, những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng khi Bắc Kinh đang thách thức các yếu tố quan trọng của trật tự quốc tế do Washington dẫn đầu.
Trung Quốc trỗi dậy
Ngoài những quan ngại chủ yếu hiện nay như khủng hoảng Ukraine, xung đột Syria, và sự gia tăng hoạt động của nhóm Hồi giáo cực đoan ISIS ở Iraq, Châu Á có lẽ là nơi căng thẳng và bất an nhất, và có khả năng xảy ra cuộc chiến quyền lực lớn.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc không những khiến khu vực lo ngại mà còn khiến cả thế giới bất an. Và những nguy hiểm của sự tính toán sai lầm đang ngày một tăng lên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu năm so sánh tình hình địa chính trị ở Châu Á hiện nay với Châu Âu ngay trước Thế chiến I.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino gần đây cũng so sánh hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh với chủ nghĩa bành trướng của Phát xít Đức trong thế kỷ XX. Châu Á cũng có khả năng bùng phát cuộc xung đột quyền lực lớn, do sự leo thang căng thẳng giữa liên minh Nhật-Mỹ, hai đồng minh có một hiệp ước an ninh, với Trung Quốc.
Những thập kỷ tàn lụi
Sự khác biệt quan trọng so với năm 1914 là hiện nay hầu như không có khả năng xảy ra cuộc chiến tranh quyền lực trong tương lai gần.
Thế chiến I được nhà ngoại giao Mỹ George Kennan, người sau này trở thành kiến trúc sư cho “chiến lược ngăn chặn” Chiến tranh lạnh của Mỹ, mô tả như “thảm họa lớn nhất hành tinh” của thế kỷ XX.
Bên cạnh việc gây ra cái chết của hàng triệu người trong giai đoạn 1914-1918, Thế chiến I còn gây ra sự tàn lụi của thế giới trong nhiều thập kỷ sau đó. Đó là tiền đề cho sự trỗi dậy của Đức Quốc xã và là những hạt giống của Thế chiến II.
Một sự khác biệt lớn giữa hiện nay và năm 1914 là sự hiện diện của vũ khí hạt nhân, vốn được coi như nhân tố kìm hãm cuộc xung đột quyền lực lớn trong Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý ở đây là, cả Trung Quốc và Nga, cũng như các cường quốc khác, chẳng hạn như Mỹ và Pháp, đều có kho vũ khí hạt nhân.
Một sự thay đổi cơ bản đó là, không giống như năm 1914, hiện giờ có vô số các tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ, có khả năng ngăn chặn việc xảy ra chiến tranh. Dù các cơ quan này không hoàn hảo, và cần cải cách, họ vẫn đủ sức mạnh đảm bảo an ninh quốc tế, đặc biệt là với HĐBA LHQ.
Hơn nữa, sự cân bằng tương đối giữa hai cường quốc hàng đầu hiện nay khác so với năm 1914. Khoảng cách giữa Mỹ-Trung lớn hơn nhiều so với giữa Anh - Đức cách đây 100 năm.
Lính Pháp trong Thế chiến I. Ảnh: CNN |
Thế kỷ của Mỹ
Thật vậy, có lẽ là hậu quả lớn nhất của Thế chiến I là buổi bình minh của những gì được gọi là “thế kỷ của Mỹ”, trong đó Mỹ nổi lên như là cường quốc mạnh nhất thế giới.
Washington có thể sẽ bị Trung Quốc vượt mặt về kinh tế khi Bắc Kinh được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay, dựa trên dữ liệu về sức mua. Tuy nhiên, Mỹ vẫn dẫn trước đáng kể so với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, bao gồm cả sức mạnh quân sự, và có khả năng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong nhiều năm nữa.
Thật vậy, không giống như Anh trong thế kỷ XX, có những dấu hiệu cho thấy sức mạnh của Mỹ sẽ vẫn kiên cường trong nhiều thập kỷ tới, một phần bởi “cuộc cách mạng năng lượng” trong đó Washington gây ảnh hưởng sâu rộng về địa chính trị do khả năng tự cung cấp năng lượng của mình. Nhìn tổng thể, một cuộc chiến tranh lớn là không thể loại trừ, song “không khả thi” như 100 năm trước, một phần do khả năng phục hồi của sức mạnh Mỹ.
An Bình (Theo CNN)