Báo Công An Đà Nẵng

Tiếp cận "mềm" chống khủng bố

Thứ ba, 16/09/2014 12:31

(Cadn.com.vn) - Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) cấm người Hồi giáo tham gia vào các hoạt động của IS. Tại Malaysia, Thủ tướng Najib Razak cũng vừa ban hành tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ lên án hành động của IS, vốn trái với đức tin, văn hóa và con người Hồi giáo. Đây đều là những bước tiến tích cực, nhưng không đầy đủ, không thể ngăn chặn lây lan ý thức hệ của IS.

Nhờ hỗ trợ của truyền thông

Pháp khai mạc hội nghị quốc tế về vấn đề IS

Ngày 15-9 tại thủ đô Paris, Pháp khai mạc hội nghị quốc tế với sự tham gia của khoảng 30 quốc gia để bàn về cách thức điều phối chiến lược đối phó với IS.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi đưa ra hành động đối phó toàn cầu đối với IS, đồng thời cho rằng, nhóm này gây ra mối đe dọa an ninh đối với toàn thế giới. Cùng với việc  triển khai các chuyến bay do thám hỗ trợ chiến dịch của Mỹ ở Iraq, Tổng thống Hollande cho biết: "không có thời gian để thất bại" trong việc thúc đẩy thế giới chống lại những kẻ cực đoan IS.

Sau khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi gửi thông điệp đến người Hồi giáo trên toàn thế giới, khuyến khích gia nhập thánh chiến tại Syria và Iraq, nhiều đoạn băng tuyển dụng mới nổi lên từ những kẻ khủng bố ở Đông Nam Á.

Hồi tháng 7, hình ảnh một giáo sĩ Hồi giáo gây mối hiềm thù, Abu Bakar Bashir trong nhà tù an ninh cao ở Nusakambangan, Trung Java, với một lá cờ IS làm nền lưu hành rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội ở Indonesia. Bashir hướng dẫn mọi người theo y để hỗ trợ cho "các anh em đồng nghiệp" của IS.

Một lãnh đạo thánh chiến nổi bật bị bỏ tù khác, Aman Abdurrahman, dịch và phân phối các ấn phẩm của IS qua Internet. Một số tay súng IS tại Indonesia cũng sử dụng mạng xã hội như Facebook để tuyển dụng. Số lượng những thanh niên trẻ tuổi gia nhập IS ngày càng đông. 

Trong khi đó, các nhà chức trách Malaysia nói rằng, IS đang thu hút số lượng người Malaysia từ nhiều nguồn gốc, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là facebook, và cũng huy động tài chính thông qua các kênh tương tự. Vào đầu tháng 8, các bức ảnh cho thấy, một chiến binh thánh chiến Malaysia 52 tuổi, đã thiệt mạng. Tên này chết trong khi chiến đấu cùng với một số phần tử thánh chiến khác tại thị trấn Arzeh. Bức ảnh được hàng ngàn người sử dụng trực tuyến yêu thích và ca ngợi.

Cảnh sát chống khủng bố Densus 88 bắt 4 người Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi có liên quan đến IS hôm 14-9.  Ảnh: AFP

Tiếp cận "mềm"

Để đối phó với vụ đánh bom Bali năm 2002, vụ đánh bom kép của Marriott và Ritz-Carlton năm 2009, và các cuộc tấn công khác trên đất Indonesia, Jakarta điều chỉnh chiến lược chống khủng bố.

Hiện nay, các hoạt động chống khủng bố vẫn nằm dưới sự giám sát của cảnh sát, đặc biệt là đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ Densus 88, lực lượng bắt hàng trăm nghi phạm khủng bố và tịch thu vũ khí của chúng trên quần đảo Indonesia. Nước này nhấn mạnh cách tiếp cận khó khăn trong việc chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.

Mặc dù quân đội có những thành công nhất định, hai xu hướng đáng chú ý xuất hiện trong các cuộc tấn công khủng bố gần đây. Đầu tiên là tỷ lệ ngày càng tăng các cuộc tấn công nhắm vào cảnh sát. Thứ hai là sự xuất hiện của liên minh giữa các chiến binh thánh chiến và các nhóm tôn giáo.

Tại Malaysia, trong bối cảnh 4 nhóm chiến binh mới - BKAW, BAJ, Dimzia và ADI - đang nỗ lực tạo ra "siêu" Caliphate tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore, chính quyền tăng cường chống khủng bố và bắt giữ một số cá nhân. BKAW tuyển dụng thông qua facebook và tổ chức biểu tình. Một trong những thành viên của nhóm là Ahmad Tarmimi Maliki, công nhân nhà máy 26 tuổi - người Malaysia đầu tiên có liên kết với một tay đánh bom tự sát của IS, giết 25 binh sĩ trong cuộc tấn công tại Iraq vào ngày 26-5.

Chính phủ Indonesia và Malaysia đạt được một số thành công trong việc phá vỡ các âm mưu khủng bố. Tuy nhiên, Internet cung cấp phương tiện hoàn hảo cho những kẻ khủng bố tuyển dụng, thúc đẩy ý thức hệ, và thu hút tài trợ.

Chính phủ Indonesia và Malaysia cần phải có các chiến lược chống cực đoan tập trung vào cách tiếp cận mềm, bao gồm sự tham gia thông qua các diễn đàn giáo dục văn hóa và tôn giáo, với mục đích làm nổi bật những thực tế của cuộc sống trước sự tàn bạo của IS.

An Bình
(Theo Diplomat)