“Tiếp sức” cho Iraq
(Cadn.com.vn) - Lực lượng chính phủ Iraq như được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được máy bay chiến đấu Sukhoi đầu tiên từ Nga.
Trước sức tấn công như vũ bão của Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS), chính quyền Baghdad ngày 29-6 tuyên bố tin vui: nhận được lô hàng máy bay chiến đấu Sukhoi đầu tiên từ Nga.
Đây là số máy bay tấn công mặt đất Su-25. Những chiếc máy bay quý như vàng này đến với Baghdad trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Nuri al-Maliki đang dồn dập tấn công chống lại ISIS - những kẻ đang manh nha xé quốc gia Vùng Vịnh này thành từng mảnh vụn.
Chiến đấu cơ Sukhoi SU-25 của Nga có mặt tại căn cứ quân sự Al-Muthanna của Iraq đêm 28-6. Ảnh: Reuters |
NGA “GỬI” SU-25, IRAN ĐỀ NGHỊ GIÚP ĐỠ
Dự kiến, số máy bay Su-25 này sẽ sớm được đưa vào sử dụng, tăng cường sức mạnh không lực cho Iraq nhằm chiến đấu chống trả cuộc tấn công quy mô lớn của phiến quân do ISIS lãnh đạo, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người (theo ước tính của LHQ) và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.
Tuy nhiên, theo Reuters, khó khăn hiện nay là không rõ ai “đủ tài và sức” để lái số máy bay mới nhập này. Bởi vì trên thực tế, lực lượng không quân của cố Tổng thống Saddam Hussein có loại Su-25, nhưng ngay cả nếu những phi công của lực lượng này được tín nhiệm và tình nguyện giúp đỡ, họ chưa chắc có thể tiếp tục điều khiển loại máy bay mới nhập của Nga sau hơn 10 năm không tác nghiệp.
Liệu họ có nhờ đến Iran? Hiện chưa rõ ý định của Baghdad song Tehran luôn tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ. Chuẩn tướng Massoud Jazayeri, Phó Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran khẳng định sẵn sàng giúp Iraq thông qua các biện pháp như được triển khai chống phe nổi dậy ở Syria. Tướng Jazayeri nhấn mạnh, phản ứng của Tehran đối với các nhóm chiến binh sẽ “khó lường và đáng sợ”, song không cho biết chi tiết về sự trợ giúp mà Iran có thể dành cho Baghdad.
THẤT VỌNG VÌ SỰ CHẬM TRỄ CỦA MỸ
Trong khi Washington gửi cố vấn quân sự giúp đỡ Iraq, những máy bay không người lái có vũ trang vẫn đang bay tuần tra khắp bầu trời Baghdad, các quan chức Iraq bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ đã không giải quyết nhanh thỏa thuận hàng tỷ USD giao dịch mua máy bay trực thăng Apache và chiến đấu cơ F-16.
Nhà Trắng vẫn đang thúc đẩy hòa giải chính trị, song đã ngừng thúc giục ông Maliki ra đi. Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn còn đó những nghi ngờ về năng lực của Thủ tướng Iraq khi cho rằng, ông lãng phí cơ hội để tái thiết đất nước kể từ khi quân đội Mỹ rút đi vào cuối năm 2011. Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow sẽ không còn thụ động để một số nhóm có thể thành công trong nỗ lực truyền bá chủ nghĩa khủng bố. “Tình hình ở Iraq là rất nguy hiểm. Các cơ sở của nhà nước Iraq đang bị đe dọa”, ông Ryabkov nói song không nói rõ những bước đi tiếp theo của Điện Kremlin.
Các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh về giải pháp chính trị giữa người Shiite, Sunni và người Kurd ở Iraq. Thủ tướng Maliki, người công khai tập trung vào giải pháp quân sự, thừa nhận, các biện pháp chính trị cũng cần thiết. Nhưng các chính trị gia lại cảnh báo, việc thành lập nội các mới có thể mất một tháng hoặc lâu hơn. Mặc dù kêu gọi đoàn kết, lãnh đạo người Kurd ở Iraq Massud Barzani tuyên bố, Baghdad không còn có thể phản đối người Kurd tự trị ở Kirkuk cũng như các khu vực khác, những nơi mà lực lượng chính phủ đã bỏ rơi khi phe nổi dậy tiến đến.
Lực lượng Iraq trong những ngày qua chịu áp lực phải mở chiến dịch chiếm lại thành phố dầu mỏ Tikrit - vốn là nguồn hái ra tiền của Baghdad nhưng đã rơi vào tay các chiến binh từ hôm 11-6. Hàng ngàn binh sĩ, được hỗ trợ bởi xe tăng và đơn vị xử lý bom, tham gia vào cuộc chiến giành lại thành phố này. Phe chính phủ cũng mở các cuộc không kích và hỏa lực để phản công dưới sự phối hợp với các cố vấn Mỹ trong “những mục tiêu quan trọng”.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cảnh báo về những hậu quả nhân đạo ở Iraq khi ước tính có đến 10.000 người phải chạy trốn khỏi một thị trấn phía bắc và 1,2 triệu phải di dời tại Iraq trong 6 tháng qua. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo, hàng chục ngàn người Iraq hiện không thể tiếp cận nguồn viện trợ. Họ đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo.
Khả Anh