Tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhằm góp phần trợ lực cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khắc phục khó khăn này, trong những năm qua, ngành Công Thương TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực trong việc tạo điều kiện, cũng như hỗ trợ DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh (SXKD) và tìm đầu ra cho các sản phẩm, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp giúp DN tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển một cách bền vững, góp phần giải quyết việc làm và đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của TP.
Sản xuất tấm lợp tổng hợp PVC-ASA tại Cty Phát Tiến Hưng - một doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình khuyến công của ngành Công Thương TP. |
Có được nguồn hỗ trợ 500 triệu đồng của Chương trình khuyến công năm 2019, Cty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang) đã đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ với tổng chi phí đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng để sản xuất tấm lợp tổng hợp PVC-ASA với nhiều ưu điểm vượt trội như: nhẹ, độ cứng cao, chống nước, chống mòn do ô-xy hóa, chịu nhiệt tốt, chống ẩm, cách điện, giá cả hợp lý... Với những tiện ích nổi trội, đến nay sản phẩm mới tấm lợp PVC-ASA của Cty Phát Tiến Hưng đã được thị trường chấp nhận và cạnh tranh được với những sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Ông Đặng Nam Hưng - Giám đốc Cty Phát Tiến Hưng, cho biết: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương đã tạo điều kiện cho DN hoạt động, là cơ sở để DN mạnh dạn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. “Những hỗ trợ thiết thực của Chương trình khuyến công do ngành Công Thương TP triển khai là động lực để DN nói chung, đơn vị chúng tôi nói riêng vươn lên, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân”, ông Đặng Nam Hưng chia sẻ thêm.
Trên đây là trường hợp điển hình trong hàng trăm DN được ngành Công Thương TP hỗ trợ thiết thực trong những năm qua để có thêm động lực, điều kiện đầu tư mở rộng và phát triển SXKD, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết: Đến nay, ngành Công Thương TP đã triển khai hỗ trợ 43 DN đầu tư, ứng dụng đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến thủy sản, sản xuất ống nhựa PVC, sản xuất đồ gỗ, sản xuất thiết bị ngành cơ khí... với tổng kinh phí hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, thu hút hơn 11 tỷ đồng vốn của các DN tham gia; hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật trong các lĩnh vực mây tre đan, sản xuất kính cường lực, tủ bảng điện, sản xuất tấm lợp tổng hợp PVC-ASA... với tổng mức kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, thu hút hơn 31 tỷ đồng vốn của các DN tham gia đầu tư; triển khai 6 đề án hỗ trợ tư vấn với mức kinh phí gần 1 tỷ đồng, thu hút gần 600 triệu đồng vốn đầu tư từ các DN tham gia, với các nội dung về tư vấn trong lĩnh vực marketing và đánh giá sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp cho gần 20 DN, góp phần giúp DN cải tiến hiệu quả, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong quá trình sản xuất... Sở Công Thương TP cũng đã dành kinh phí gần 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 70 lượt DN tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài TP để giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 14 DN với tổng kinh phí hỗ trợ gần 500 triệu đồng, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu của các DN.
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại TP Đà Nẵng (Sở Công Thương TP), chia sẻ thêm: Mặc dù các DN có quy mô sản xuất còn nhỏ nhưng đã nỗ lực mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới cho sản xuất. Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại TP luôn đồng hành cùng DN trên hành trình xây dựng và phát triển. “Có những DN chúng tôi đã đồng hành, đi cùng 10 năm nay từ quy mô một hộ kinh doanh, một DN nhỏ, đến nay đã trở thành một thương hiệu có tiếng vang. Ví dụ như: Cơ sở bánh tráng Đại Cường, đơn vị này đã xuất khẩu được sản phẩm sang nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Thái Lan, v.v...”, ông Lê Thanh Hạ thông tin thêm. Đánh giá về sự hỗ trợ của ngành Công Thương TP cho DN, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch Thường trực UBND H.Hòa Vang, nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Sở Công Thương TP đã có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho DN, nhất là ở địa bàn nông thôn. Dù số vốn hỗ trợ chưa phải thực sự lớn nhưng với đặc thù, điều kiện của các DN trên địa bàn H.Hòa Vang thì tác động của sự hỗ trợ này là rất lớn, rất có ý nghĩa và quý báu. Theo ông Đặng Phú Hành, các DN trên địa bàn H.Hòa Vang tranh thủ cơ hội, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương TP cho DN để từ đó chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng tiếp nhận nhằm phục vụ phát triển SXKD.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết: Nhằm tiếp tục hỗ trợ DN trên địa bàn TP, đặc biệt là khôi phục và phát triển SXKD sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong thời gian đến, ngành Công Thương TP sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng, như xây dựng Chương trình khuyến công địa phương trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025; thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển; tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại TP với các cấp chính quyền địa phương và DN để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa DN với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để trao đổi kinh nghiệm phát triển, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
PHẠM HOÀNG