“Tiếp sức” giới trẻ tiếp cận văn hóa đọc
Công nghệ số ngày càng phát triển mạnh khiến giới trẻ có nhiều kênh thông tin để giải trí. Để giúp cho văn hóa đọc của thanh thiếu niên được cải thiện thì việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho bạn đọc là điều cần thiết. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã và đang thu hút bạn đọc trẻ nhờ sự đầu tư này.
Không gian thư viện yên tĩnh là lựa chọn yêu thích của giới trẻ. |
Đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu bạn đọc
Không chỉ là nơi yên tĩnh để đọc sách, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng những năm gần đây thu hút lượng độc giả đến rất đông nhờ được cải tiến, nâng cấp cũng như bổ sung liên tục trên 5.600 bản sách mỗi năm phục vụ bạn đọc. Song song đó, các hệ thống phòng đọc, phòng mượn sách, phòng dành cho người khiếm thị, phòng thiếu nhi được đầu tư, trang bị hiện đại, thoáng mát. Đặc biệt với không gian S.hub được trang bị đầy đủ với hơn 30 máy tính bảng, máy tính bàn phục vụ nhu cầu cho bạn đọc tìm kiếm tư liệu được liên kết trong hệ thống thư viện điện tử, đã thực sự thu hút được giới trẻ. Có mặt tại phòng S.hub, Nguyễn Thanh Ngọc, sinh viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhận xét: “Ngoài không gian mát mẻ, thiết bị hiện đại thì Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng có nguồn tư liệu dồi dào phục vụ cho việc học của em. Bên cạnh đó có rất nhiều đầu sách hay, bổ ích mà những nhà sách không có giúp em tìm được nhiều kiến thức mới lạ”.
Bên cạnh việc nâng cấp thư viện thành phố, thì việc lan tỏa phong trào văn hóa đọc đến các địa phương với nhiều sân chơi bổ ích cũng được đánh giá cao. Mới đây nhất, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đã phối hợp với UBND Q. Hải Châu tổ chức tuần lễ khuyến đọc “Sách và cộng đồng” tại Lễ hội đình làng Hải Châu, thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn quận tham gia. Đây không chỉ là dịp để các học sinh có cơ hội tìm hiểu về lễ hội truyền thống mà còn góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, khuyến khích phát triển văn hóa đọc ở giới trẻ.
Theo ông Phạm Hồng Thái- Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, ngoài các hoạt động được triển khai thường niên, Thư viện còn mở rộng nhiều hình thức phục vụ bạn đọc. Đặc biệt việc triển khai xe thư viện lưu động đa phương tiện đến các trường học ở xa thành phố đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc ra cộng đồng. Bên cạnh đó việc triển khai, hoàn thiện Đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020” đã giúp 100% thư viện quận huyện được nối mạng internet và từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của thư viện, dần dịch chuyển từ loại hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số.
“Trong năm qua, thư viện thành phố phục vụ trên 790.000 lượt bạn đọc, trung bình mỗi người dân Đà Nẵng đọc 0,76 bản sách/năm, kể cả bản điện tử và tài liệu số; 45% dân số toàn thành phố sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Hệ thống thư viện thành phố đã phát huy vai trò cung cấp thông tin, tri thức và góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của nhân dân thành phố trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ.
Nguồn tư liệu dồi dào phục vụ kiến thức cho những bạn trẻ thích học hỏi, khám phá. |
Thư viện trường học được cải tiến
Những năm qua, văn hóa đọc trong nhà trường có chuyển biến rõ rệt, các hoạt động phong trào nâng cao chất lượng văn hóa đọc ngày càng nhiều, cơ sở vật chất thư viện ngày càng hoàn thiện. Với mong muốn tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, nhiều trường tiểu học tại Đà Nẵng đã đổi mới hoạt động thư viện, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài hệ thống thư viện được đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào xây dựng các tủ sách mở tại các trường học, các trung tâm ngoại ngữ, tin học…
Qua theo dõi, quan sát thực tế, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương- Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhiều thư viện trường học hiện nay đã được “thay áo mới” thu hút học sinh. “Hệ thống thư viện trường học đều được nâng cấp từ cơ sở vật chất đến cập nhật nhiều đầu sách hay, bổ ích phục vụ học sinh. Tận dụng giờ giải lao, nhiều em học sinh dần có ý thức, chủ động đến thư viện mượn sách, tìm sách về nhà đọc. Các thầy cô tại thư viện cũng đã hướng dẫn, giới thiệu các loại sách bổ ích cho học sinh để các em dần hình thành thói quen đọc sách”, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương đánh giá.
Cũng theo thầy Vương, để có thể tạo thói quen đọc sách hiệu quả cho trẻ em, thì việc quan trọng là sự đầu tư thời gian của bố mẹ cùng các con. Ở lứa tuổi tiểu học, cần để các con có thời gian vui chơi và bố mẹ đồng hành cùng con trong việc rèn luyện thói quen đọc sách thì mới đạt kết quả. “Hạn chế cho con sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử và hướng cho con trẻ tìm tòi đến với thế giới sách. Bên cạnh công tác giáo dục, vận động tuyên truyền học sinh đọc sách, chúng tôi mong muốn quý phụ huynh hãy đồng hành với con, cùng con xem, cùng đọc và cùng học với con em tại nhà”, thầy Vương tâm sự.
Diệu Huyền