Báo Công An Đà Nẵng

Tiếp sức học sinh vùng cao đến trường

Thứ ba, 28/03/2017 07:00

(Cadn.com.vn) - Chất lượng giáo dục còn thấp, cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, công tác chăm sóc học sinh chồng chất khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra... là thực trạng ở các trường học khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa kéo dài trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách Nhà nước, của chính quyền địa phương và “tự lực cánh sinh” của các trường học, con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có thêm niềm tin tiếp bước đến trường.

Nỗ lực chăm lo học sinh

Đến với các huyện miền núi, biên giới tỉnh Quảng Nam, chúng tôi ít còn bắt gặp hình ảnh hằng ngày các em học sinh phải trèo đèo, lội suối, lăn lộn trên con đường hiểm trở đến trường. Những người giáo viên nơi đây cũng không còn cảnh đến từng nhà học sinh vận động các em ra lớp vào mỗi dịp nghỉ hè, hay sau kỳ nghỉ Tết. Đó là kết quả từ việc nhân rộng thành lập mô hình trường bán trú tại các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam cũng như ở những địa phương vùng sâu, vùng xa khác trong cả nước. Chủ trương đúng đắn này đã khắc phục được những khó khăn trong việc đi lại, ăn ở, học tập của học sinh, để nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện, xóa bỏ khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng đồng bằng, thành thị với vùng miền núi.

Tuy nhiên, vấn đề trăn trở nhất của các trường học bán trú trên địa bàn miền núi là công tác đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm hằng ngày cho bữa ăn học sinh, cán bộ, giáo viên. Do điều kiện cách trở, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão nên nguồn lương thực, thực phẩm đều có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo cán bộ quản lý các trường học, hiện nay, do hệ thống cơ sở vật chất thiếu, tạm bợ nên công tác dự trữ nguồn lương thực còn nhiều hạn chế. Nguồn thực phẩm cung cấp hằng ngày lại bị động, phụ thuộc vào những người buôn chuyến. Chính vì vậy, công tác tổ chức bán trú cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho học sinh nội trú, bán trú, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện miền núi, biên giới đều có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm. Theo đó, các trường đều tổ chức sản xuất, chăn nuôi để tạo nguồn thực phẩm dự phòng những lúc nguồn thực phẩm từ dưới xuôi không lên được.

Thầy Trương Ơn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học Ga Ry (xã biên giới Da Ry, H. Tây Giang, Quảng Nam), cho biết: Là trường học đóng trên địa bàn biên giới Việt – Lào, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, trường gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Vào những thời điểm đó, công tác tổ chức bán trú, duy trì nguồn thực phẩm cho từng bữa ăn của học trò và đội ngũ cán bộ, giáo viên hết sức khó khăn. Có những thời điểm mưa lũ kéo dài, nguồn lương thực, thực phẩm phải nhờ Đồn biên phòng Ga Ry trợ giúp. Rút kinh nghiệm từ những khó khăn đó, trong thời gian qua, trường đã tìm mọi cách để tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi nhằm tạo dựng nguồn thực phẩm tại chỗ. Cho nên, tình trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm được giải quyết một phần. Những ngày mưa kéo dài nhưng bữa ăn các em học sinh ở đây vẫn đầy đủ cơm canh, cá, thịt.

Những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho học sinh bán trú miền núi được nhà trường chăm lo hết sức chu đáo.

Cùng chung sức

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT H. Tây Giang, ngay đầu năm học, theo sự chỉ đạo cấp trên, các trường trực thuộc đã tăng gia sản xuất trồng rau kết hợp chăn nuôi heo, gà, vịt để cải thiện bữa ăn cho các em. Tiêu biểu như Trường PTDT nội trú huyện, Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bá Ngọc, Lý Tự Trọng. Đây là việc làm thường xuyên nhằm đề phòng khi có mưa bão tắc đường thì vẫn đảm bảo được nguồn thực phẩm tại chỗ, không để học sinh thiếu ăn, thiếu mặc.  Ngoài việc được nhận sự trợ cấp, hỗ trợ nguồn lương thực từ chính sách Nhà nước, của chính quyền địa phương và sự tự lực tăng gia sản xuất, các trường học còn nhận được sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng xã hội. Thầy Trương Ơn chia sẻ: Trong kho dự trữ của trường lúc nào cũng đầy đủ mỳ tôm, cá khô, tép khô và còn hơn một tấn gạo. Số lương thực, thực phẩm này đủ cho 89 học sinh bán trú và 27 giáo viên, công nhân viên ăn trong một vài tháng. Ngoài ra, trong vườn luôn trồng đủ các loại rau xanh, lợn cũng duy trì 3-4 con, còn gà vịt cũng trên dưới 20 con.

Theo thầy Nguyễn Viết Trường – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã biên giới A Xan, H. Tây Giang), những suất quà hỗ trợ là thùng mỳ tôm, dầu ăn, cá khô, gạo, muối đến áo ấm, quần áo đồng phục, thể dục cho học sinh bán trú, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của các tổ chức xã hội có ý nghĩa hết sức thiết thực. Chính điều đó không chỉ giúp học sinh nhà trường ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn vươn lên học tập, mà còn tạo niềm tin, động lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục bám trường, bám lớp dạy học.  Ông Nguyễn Hồng Tĩnh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang cho biết, hiện nay toàn huyện có 2.097 học sinh ở 6 trường tiểu học, 5 trường THCS và 1 trường THPT thuộc vùng khó khăn được nhận hỗ trợ gạo của Chính phủ và UBND tỉnh. Hiện phòng GD-ĐT huyện vừa nhận được hơn 93 tấn gạo từ Cục Dự trữ gạo quốc gia cộng thêm 32 tấn dự trữ trước đó, cơ bản đảm bảo lương thực cho học sinh.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết thêm, hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo công tác dạy học thì việc chăm sóc, đảm bảo việc ăn, ở cho học sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, hằng năm, ngoài việc nhận sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Tây Giang cũng trích một phần ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho các trường. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, các tổ chức xã hội để kịp thời hỗ trợ trường khó khăn, nhằm đảm bảo công tác tổ chức bán trú, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh.

Khải Minh