Tiếp tay “vàng tặc” (2)
* Kỳ cuối: Xã nói không, huyện nói có
(Cadn.com.vn) - "Khi anh em đi kiểm tra khai thác vàng trái phép về, họ báo cáo lại rằng chỗ này có "chủ trương" nên được phép khai thác, mình dẹp thì đụng chạm đến vị này vị kia nên thôi lờ đi; còn chỗ kia không có "chủ trương", nghĩa là người dân tự phát lên làm nên bị dẹp ngay để có "thành tích". (TRÍCH LỜI MỘT CÁN BỘ HUYỆN)
Rời khu vực trên, chúng tôi tiếp tục hành trình "truy tìm vàng tặc" dọc con sông Cái. Cách đó không xa, 4 chiếc xe múc, hàng chục máy nổ các loại cùng các thiết bị phục vụ cho việc làm vàng trái phép được để sát bên đường, ngay cạnh Trường Mẫu giáo xã Cà Dy. Đi tiếp một đoạn, cũng nằm sát bên đường mòn Hồ Chí Minh hướng về phía H. Phước Sơn, cảnh đào bới tan hoang cả đoạn sông thuộc thôn Ngói (xã Cà Dy) tạo nên những ụ đất cao như núi. Cũng giống như ở thôn Pà Lanh, khi chúng tôi đến đây, máy móc, thiết bị đã được di dời đi nơi khác. Tuy nhiên tại hiện trường vẫn còn một lán trại có 3 thanh niên đang ở để giữ bãi. Thấy chúng tôi tác nghiệp, những ánh mắt soi mói, hằn học nhìn chúng tôi đầy vẻ hăm dọa.
Những ruộng lúa ngày nào giờ trở thành bình địa không thể khôi phục được. |
Bên dưới các miệng hố mới đào, 4 phụ nữ người địa phương bất chấp cái nắng như đổ lửa vẫn đào mót trong những ụ đất để đãi lấy quặng bán. Chị Plong Lợi (trú thôn Ngói) cho biết: "Xe múc làm xong rồi đến máy hút. Họ làm cả ngày cả đêm. Gần đường thế này nhưng không thấy ai nói chi. Lúc đó chúng tôi vào xin mót nhưng họ không cho. Giờ họ đi rồi chúng tôi mới được vào mót lại. Mỗi ngày làm chỉ được 20-30 nghìn đồng thôi. Mót không có vàng nhiều nhưng bữa nay hết mùa nương rẫy rồi, ở nhà không biết làm chi".
Theo quan sát của chúng tôi, "vàng tặc" ở hai điểm này rất tinh ranh vì họ đào liên hồ chứa bên trong bờ để có nước phun lên máng mà không cho nước chảy ra dòng sông. Chính vì thế bên dưới lòng sông dòng nước vẫn trong xanh. Tuy nhiên, việc đào bới những hố sâu, rộng hàng chục mét mà không hoàn thổ nơi đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, khiến dòng chảy bị thay đổi. Những hố sâu là nguy cơ hiểm họa khi những trẻ em không may sảy chân xuống đây.
Trước sự việc trên, chúng tôi tìm đến UBND xã Cà Dy để nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương này. Tuy nhiên khi chúng tôi đến, Chủ tịch UBND xã đã đi họp trên huyện, còn ông Hôih Ưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho rằng sự việc khai thác vàng trái phép tại địa phương là có nhưng đó thuộc sự quản lý của Chủ tịch xã, mình không có thẩm quyền để trả lời. "Tôi có nghe nói ở khu vực thôn Pà Lanh có một số đơn vị vô thỏa thuận với người dân rồi mua đất làm vàng. Nghe đâu đã có gần 90 hộ bán đất cho họ. Đây là khu vực trồng lúa nước của người dân. Nhiều lần tôi thấy xã có cử lực lượng xuống nhưng rồi về lại, còn việc họ làm thì vẫn thấy làm. Giờ thì nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của các hộ dân khác rất lớn", tuy không trả lời vô trọng tâm những câu hỏi của chúng tôi vì không đủ thẩm quyền, nhưng ông Ưu vẫn thổ lộ một số thông tin về hoạt động của "vàng tặc" tại địa phương.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Bh'nướch Phước, Chủ tịch UBND xã Cà Dy lại quanh co phủ nhận việc UBND xã hợp đồng với các đơn vị để khai thác vàng trái phép tại địa phương. Và không có chuyện lấy nguồn kinh phí từ "vàng tặc" để làm ngân sách cho xã. Khi chúng tôi hỏi vì sao với cương vị Chủ tịch UBND xã, ông lại để cho gần 100 hộ dân tự ý đem bán ruộng đất của mình cho các đối tượng khai thác vàng trái phép thì ông Phước không trả lời được. Những câu hỏi khác chúng tôi nêu ra vị Chủ tịch này vẫn không trả lời và cho rằng mình đi họp hành miết, việc đó cấp thôn nắm chứ mình không rõ. Sau đó ông Phước tắt máy.
Người dân địa phương đến mót lại vàng từ những hố sâu. |
Tuy nhiên, trao đổi với P.V, ông Chờ Rum Nhiên, Bí thư H. Nam Giang thẳng thắn: "Thực tế xã Cà Dy có hợp đồng với các đơn vị đến khai thác vàng tại địa phương. Mỗi tháng các đơn vị trên chỉ đóng góp cho ngân sách xã vài triệu đồng thôi, ít lắm. Mấy ông xã làm vậy mang tiếng… Trước tình trạng đó huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng xuống đẩy đuổi rồi".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những đơn vị trên khi đến làm vàng tại đây đều có hợp đồng với xã. Do vậy khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, các chủ bãi này đã đưa ra những bản hợp đồng có chữ ký của xã. Và như vậy họ ngang nhiên hoạt động vì đã có "chủ trương", bất chấp hành vi đó là trái luật… Nói về "chủ trương", một cán bộ huyện ở đây tâm sự: "Khi anh em đi kiểm tra khai thác vàng trái phép về, họ báo cáo lại rằng chỗ này có "chủ trương" nên được phép khai thác, mình dẹp thì đụng chạm đến vị này vị kia nên thôi lờ đi; còn chỗ kia không có "chủ trương", nghĩa là người dân tự phát lên làm nên bị dẹp ngay để có "thành tích".
Như vậy qua những gì đang diễn ra tại xã Cà Dy nói riêng và một số xã khác của H. Nam Giang nói chung thì tình trạng "vàng tặc vẫn diễn biến phức tạp". Vấn nạn trên nguyên nhân xuất phát từ chính các ngành chức năng chưa có sự quyết liệt vào cuộc. Và ở một số địa phương, cán bộ còn "bật đèn xanh" cho các đối tượng khai thác vàng trái phép hoạt động để thu ngân sách... Chính điều này đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Để ngăn chặn triệt để vấn nạn trên, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc điều tra, làm rõ, kiên quyết xử lý những cán bộ lợi dụng chức quyền tiếp tay, bảo kê cho việc khai thác vàng trái phép đang diễn ra công khai tại đây.
Trần Tân