Báo Công An Đà Nẵng

Tiếp tay “vàng tặc”

Thứ năm, 04/09/2014 08:15

* Kỳ 1:   Gần trăm hộ dân bán đất cho “vàng tặc”

(Cadn.com.vn) - Người dân vô tư bán đất trồng lúa, hoa màu cho các đơn vị khai thác vàng trái phép, còn UBND xã thì “bật đèn xanh” để các đơn vị này khai thác nhằm “lấy nguồn kinh phí cho xã”. Hệ quả là những cánh đồng tươi tốt trở thành những hố sâu hun hút, những đoạn sông bị cày xới nham nhở... Thực tế trên đang diễn ra tại xã Cà Dy (H. Nam Giang, Quảng Nam).

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên, công khai dọc con sông Cái chảy qua địa bàn xã Cà Dy. Để ghi nhận những thực trạng trên, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập thực tế tại đây. song, với đội ngũ “cú vọ” được bố trí dày đặc khắp huyện, chẳng mấy chốc giới làm vàng trái phép ở đây nhanh chóng biết sự hiện diện của những “vị khách không mời” như chúng tôi. Ngay sáng hôm sau (28-8), từng đàn xe múc cùng máy móc, lều trại... được di dời ra khỏi hiện trường điểm khai thác vàng trái phép quy mô lớn tại thôn Pà Lanh (xã Cà Dy). Khi chúng tôi đến, con đường vào hiện trường bị các đoàn xe bánh xích cày xới đầy bùn đất, lầy lội.

Dấu vết đoàn xe mới vừa di chuyển ra khỏi bãi trong sáng ngày 28-8,
phía sau là lán trại chỉ còn trơ khung.

Vào đến bãi vàng, một cảnh tượng tan hoang khủng khiếp đập vào mắt, đó là những cánh đồng ruộng, hoa màu đã biến thành bình địa bởi những hố sâu hun hút to như miệng núi lửa. Đi nhiều nơi, gặp nhiều chỗ khai thác vàng trái phép nhưng chưa khi nào chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như trên. “Sáng nay tôi thấy xe rút hết khỏi bãi nên vào xem mảnh đất của tôi thế nào. Vào đến mới thấy họ đào khoét sạt lở lấn sâu hơn vào đất của tôi hàng chục mét. Trước đó tôi đã yêu cầu chủ bãi tên Năm bồi thường vì múc đất làm vàng ảnh hưởng đến đất của tôi, lúc này ông Năm nói từ từ rồi bồi thường cho. Nhưng nay ổng rút đi rồi biết đâu mà đòi được nữa”, bà Trần Thị Nở (thôn Pà Lanh) bức xúc phản ánh tại hiện trường.

Theo bà Nở, trước đây khu vực này người dân trồng lúa, tuy nhiên việc khai thác vàng trái phép dưới sông Cái làm dòng chảy bị ảnh hưởng nên nước không đưa lên đây được. Để cải tạo lại diện tích lúa nước cho người dân, huyện đã có đề án xây dựng hồ chứa nước. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, một số người từ nơi khác đến liên hệ với người dân có đất mua lại để làm vàng. Người này thấy nhiều người bán nên cũng bắt chước bán theo. Mỗi hộ dân bán được ít nhất cũng trên 10 triệu đồng, còn người nhiều thì bán được 40-50 triệu đồng... Và khu vực này đã có gần 90 hộ dân bán đất cho các chủ bãi để khai thác vàng trái phép. Theo bà Nở, việc này xã đều biết, vì thỉnh thoảng vẫn có đoàn xuống kiểm tra. Tuy nhiên việc đâu vào lại đó, “vàng tặc” vẫn tiếp tục cày nát đoạn sông này.

“Họ làm xong lấy vàng rồi bỏ đi. Không ai nói đến chuyện hoàn thổ. Việc tạo nên những hố, vực sâu như vậy mùa mưa đến sạt lở sẽ lấn sâu thêm vô diện tích đất của gia đình tôi và các hộ khác. Cứ thế này chẳng mấy chốc khu vực này sẽ hết đất sản xuất. Mà tôi nghe nói họ chỉ di dời đi một thời gian thôi, vì một số hộ dân gần đây cũng đã bán đất ruộng cho vàng tặc rồi. Nên sớm muộn gì các chủ bãi này cũng quay lại khai thác. Lúc đó còn tan hoang hơn, đồng ruộng sẽ không còn”- bà Nở lo lắng.



Bà Trần Thị Nở cho biết “vàng tặc” đào bới đã gây sạt lở và xâm lấn
vào diện tích đất của gia đình.

Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, cả khu vực này rộng gần 10ha bị “vàng tặc” cày xới nham nhở. Có hàng chục hố sâu trên chục mét, rộng hàng trăm mét kéo dài dọc con sông Cái từ thôn Pà Lanh đến giáp TT Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ngoài phía bờ sông, những ụ, hố cũng bị đào bới lên đầy sỏi đá. Để tạo nên “công trình” như trên, người dân cho biết hàng chục xe múc cùng các loại máy nổ, máy hút công suất lớn... đã thay phiên nhau ngày đêm cày xới, băm nát cánh đồng triền sông trù phú này.

Tại hiện trường, phía dưới những miệng hố khổng lồ này, một nhóm phu vàng người địa phương đang cặm cụi “mót xái” tìm kiếm vận may.  Cạnh đó, một lán trại kiên cố được dựng lên để làm nơi ăn ở cho hàng chục người đã bị dỡ bạt mang đi, chỉ còn lại khung gỗ trơ trọi. Chiếc trang thờ đặt phía trước trại vẫn còn nghi ngút khói. Con đường phía trước cũng bị các loại xe cơ giới, bánh xích cày xới, quần đảo để chở đồ đạc, máy móc rút đi... Đặc biệt, điểm làm vàng trái phép này chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 200 mét. Thế nhưng nó vẫn mặc nhiên hoạt động cả năm nay.

Nam Giang là huyện miền núi cao, do vậy diện tích đất để trồng lúa nước và hoa màu rất khan hiếm. Nhiều nơi, để có được mảnh đất bằng phẳng, người dân và chính quyền phải đổ biết bao công sức, tiền của để khai hoang, tạo nên đồng ruộng. Thế nhưng vì quyền lợi nhất thời của người dân và sự buông lỏng, lơ là, vụ lợi của chính quyền sở tại đã khiến hàng chục héc-ta đất màu mỡ nơi đây bị tàn phá nghiêm trọng. Những cánh đồng giờ trở thành những hố sâu, vực thẳm không thể phục hồi sản xuất được.

Trần Tân
(còn nữa)