Báo Công An Đà Nẵng

Tiếp tục bắt giam 2 đối tượng cho vay lãi nặng liên quan vụ án Đào Thị Như Lệ

Thứ tư, 07/07/2021 11:01

Ngày 6-7, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thu Hà (50 tuổi, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Lê Trọng Phương (33 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để điều tra về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Sau khi khám xét nhà của Phương và Hà, Cơ quan CSĐT đã thu giữ một số tài liệu liên quan việc cho vay. 

Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đọc lệnh bắt Lê Trọng Phương.

Những ngày cuối tháng 8-2020, người dân quan tâm đến thị trường bất động sản thành phố Đà Nẵng bất ngờ khi hay tin bà Đào Thị Như Lệ - một đại gia có tiếng bị Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án chiếm đoạt các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà.

Nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tính chất hết sức phức tạp, liên quan nhiều đối tượng, nhiều hành vi phạm tội khác nhau, trong đó bao gồm cả các đối tượng chuyên cho vay lãi nặng. Hành vi này đang được dư luận xã hội quan tâm nên Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã báo cáo và được Giám đốc CATP Đà Nẵng đồng ý chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế xác lập chuyên án truy xét bí số SV20 để điều tra mở rộng, làm rõ vụ án.

Quá trình điều tra xác định, bà Đào Thị Như Lệ từng là một đại gia bất động sản, sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn và hàng chục lô đất vàng tại quận Sơn Trà, Hải Châu với tổng giá trị tài sản ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2019, thị trường bất động sản đóng băng, không thể giao dịch khiến Lệ không có dòng tiền để kinh doanh. Trong thế khó khăn về tài chính, Lệ đã tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng để vay tiền nhằm trả lãi ngân hàng cho các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng đã đến hạn. Biết Lệ có nhiều đất đai, nhà hàng, khách sạn nên các đối tượng đã không ngần ngại xuống tiền, mỗi lần cho vay từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng, lãi suất dao động từ 0,2% đến 0,8%/ngày. Cá biệt có những khoản vay có lãi suất lên đến 1%/ngày, nếu không trả đúng hẹn thì lãi được cộng vào tiền gốc rồi tiếp tục tính lãi. Cứ như vậy trong thời gian ngắn, Lệ đã gánh món nợ hàng ngàn tỷ đồng của hàng chục chủ nợ. Khi đã hết khả năng xoay xở, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như đe dọa, chửi bới, thậm chí đánh đập để ép Lệ trả nợ, bán tài sản hoặc viết giấy vay tiền. Dưới áp lực của các chủ nợ, Lệ đã móc nối với Dương Thị Ngọc Anh - cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà tuồn các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đang trong diện chuyển đổi để đưa cho các chủ nợ nhằm giãn nợ hoặc sử dụng để lừa đảo các nạn nhân khác.

Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đọc lệnh bắt Trần Thu Hà.

Kết thúc điều tra giai đoạn 1, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Đào Thị Như Lệ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; khởi tố Dương Thị Ngọc Anh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phạm Thanh – một đối tượng có tiếng tăm trong giới kinh doanh tại Đà Nẵng cũng bị khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” (xuất phát từ việc Thanh cho Lệ vay nặng lãi, sau đó dùng vũ lực ép Lệ viết giấy nhận nợ với số tiền hơn 50 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bước đầu khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thu Hà (1971, trú 53 Phan Văn Đáng, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) và Lê Trọng Phương (1988, trú 34 Phạm Tuấn Tài, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Trong đó Hà là đối tượng có “số má” trong giới cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố. Quá trình điều tra xác định, Trần Thu Hà đã thỏa thuận cho Lệ vay gần 10 tỷ với lãi suất 1%/ngày, thu lời bất chính hơn 1,2 tỷ đồng, Lê Trọng Phương cho Lệ vay 2 tỷ với lãi suất 0,3%/ngày, thu lời bất chính gần 1 tỷ đồng.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng, từ trước đến nay, nhiều ổ nhóm cho vay lãi nặng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do các đối tượng hình sự cầm đầu đa số hướng đến con nợ là những người có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn. Vụ án trên đây là một trong số ít trường hợp nạn nhân của tội phạm này là các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nhân thiếu vốn trong làm ăn, kinh doanh. Việc quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức đấu tranh chuyên án SV20 nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng vừa thể hiện tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm đến cùng của CATP Đà Nẵng, vừa góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn thành phố.

Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng cho vay khác.

NGỌC QUỐC