Tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân
(Cadn.com.vn) - Sau hơn một tháng làm việc, chiều 27-11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc.
Thông qua 16 luật
Kỳ họp thứ 10 đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc lớn trên tất cả các mặt công tác: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 luật, một số nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2015 tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết, đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới.
“Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Quốc hội trân trọng ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Kỳ họp. |
Công dân có quyền tiếp cận những thông tin pháp luật không cấm
Trước đó, vào buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật tiếp cận thông tin, một trong những dự án Luật cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà nước ta là thành viên.
* Ngày 27-11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016; dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Với tỷ lệ 92,91% đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn với tỷ lệ 90,89% đại biểu tán thành. |
Nhiều đại biểu cho rằng, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, cũng giống như quy định quyền tự do kinh doanh thì công dân có quyền tiếp cận những thông tin mà pháp luật không cấm, không hạn chế. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần đây, quyền tiếp cận thông tin được hiểu theo 3 góc độ với những ý nghĩa là quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ và thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân của mọi người đối với xã hội và đối với Nhà nước. Đồng thời, quyền tiếp cận thông tin để góp phần thực hành dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền hay còn gọi là quyền tham gia xây dựng nhà nước; quyền tiếp cận thông tin để tham gia phát triển kinh tế - xã hội và được xem như một phần quyền được phát triển.
Với cách tiếp cận trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ngoài việc công dân là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thì cần bổ sung thêm đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt bổ sung nhóm đối tượng chủ thể là các tổ chức doanh nghiệp bởi đây là nhóm có nhu cầu tiếp cận thông tin công từ phía cơ quan Nhà nước để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là những vấn đề mà luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ tạo nên những khoảng trống trong trách nhiệm chia sẻ thông tin. Đại biểu đề nghị cần quy định tương ứng với các chủ thể về mức độ tiếp cận thông tin theo từng dạng đối tượng. Đại biểu cũng thống nhất quan điểm với ban soạn thảo là không điều chỉnh việc tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực cụ thể mà pháp luật chuyên ngành quy định như thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.
Thu Thủy – TTXVN