Tiết kiệm điện ở nơi thờ cúng: Cách làm độc đáo từ thị xã An Nhơn
(Cadn.com.vn) - Huyện An Nhơn - tỉnh Bình Định được nâng cấp lên Thị xã từ tháng 11/ 2011, gồm 5 phường và 10 xã với dân số hơn 300.000 người. Có thể nói thị xã An Nhơn là một trong những địa phương đang khởi sắc về KT-XH của tỉnh Bình Định.
Sản lượng điện thương phẩm toàn thị xã trong năm 2013 đã lên đến gần 130 triệu kWh, chiếm 10% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh Bình Định. Tiêu thụ điện lớn, nhưng An Nhơn cũng tiết kiệm điện nhiều nhờ có những biện pháp vận động hay và có cách làm độc đáo. Một trong những lĩnh vực tiết kiệm mà An Nhơn đang áp dụng nhân lên thành phong trào là "Tiết kiệm điện ở nơi thờ cúng".
Từ lời quở trách của khách hàng
Phan Văn Trung là tổ trưởng Tổ thu ngân 2, được phân công thu tiền điện trên địa bàn 2 phường Bình Định và Đập Đá - Trong lần đi thu tiền điện ở khu vực chợ Đập Đá, một khách hàng sử dụng điện kinh doanh buôn bán hỏi anh: "Nhà điện có cách nào để tiết giảm điện hằng tháng không?". Vốn là khách hàng thân quen, anh bước vào nhà quan sát bên trong, rồi tâm sự chân thành: "Gia đình mình dùng điện thắp sáng và trang trí đến 4 bàn thờ sáng rực rỡ thế này, tiền điện tăng là phải! Nếu ban ngày gia đình mình tắt bớt số bóng điện ấy đi thì lượng điện giảm đáng kể đấy bác ạ".
Chủ nhà liền bảo: "Ông đúng là không biết gì tới lĩnh vực tâm linh cả! Xin lỗi, gia đình tôi thà nhịn đói chứ không để bàn thờ lạnh tanh được. Làm ăn kinh doanh mà trang Thần Tài không sáng đèn 24/24 giờ là "bể" như chơi. Thôi, chào cái kiểu tiết kiệm điện nhà đèn của ông!".
Điều này day dứt Phan Văn Trung mấy đêm không ngủ được. Anh suy nghĩ: Vậy thì cách nào làm cho đèn vẫn sáng trên trang Thần Tài, trên bàn thờ 24/24 giờ mà không tốn điện nhiều? Đó là bài toán mà thu ngân viên Phan Văn Trung quyết tìm ra lời giải".
Quyết tâm tìm ra đáp số
Lục lọi trong các giáo trình điện từ thời học nghiệp vụ, tìm tòi các thiết bị, bóng đèn ở các cửa hàng điện tử, Phan Văn Trung phát hiện ra rằng: Chỉ có bóng đèn Led mới giải quyết được việc thay thế các bóng đèn sợi đốt loại nhỏ trên các bàn thờ. Vấn đề là làm sao giữ được như kích cỡ của bóng đèn sợi đốt để tạo màu sắc và độ mỹ quan, rực rỡ nhiều màu như của các loại bóng đèn quả ớt. Thử đi thử lại không thấy lóe lên đáp số. Nhiều lúc nản lắm, nhưng nhớ lại lời quở trách của khách hàng, như chạm vào lòng tự ái Phan Văn Trung lại gượng dậy, tiếp tục lao vào cuộc.
Anh liên hệ, hỏi han nhiều người, trao đổi với đồng nghiệp và cán bộ kỹ thuật của Điện lực về vấn đề này: "Làm sao thay cái ruột bóng đèn trái ớt bằng bóng đèn Led"?. "Chuyện nhỏ", một người bạn ở doanh nghiệp sản xuất bóng đèn quả ớt viết thư cho anh. Theo đó, vỏ bóng đèn sợi đốt quả ớt bằng thủy tinh sẽ được sản xuất bằng nhựa dẻo màu đỏ hoặc nhiều màu khác, có thể vặn ra một nửa từ giữa thân vỏ không cần ở trạng thái chân không, có thể đưa bóng đèn Led cắm thẳng vào mạch điện, phần đuôi đèn vẫn giữ nguyên. Đóng nắp lại, nó là 1 bóng quả ớt, không ai biết cái ruột đã thay bằng 3 bóng Led, công suất bóng đèn đã giảm từ 10W xuống còn 1W mà vẫn sáng nguyên.
Đón nhận thông tin này, Phan Văn Trung rất mừng. Anh đã lập tức đặt gia công lô hàng đầu tiên: Hàng trăm "Bóng đèn quả ớt không ruột, anh về gia công cắm mỗi ruột 3 bóng Led ". Đầu tiên, anh đem nó thay toàn bộ bóng đèn trên các bàn thờ nhà mình. Rực rỡ, trang nghiêm, mỹ quan và đạt được yêu cầu tiết kiệm điện. Sau đó thay các bóng đèn sợi đốt trang trí trong quán cà-phê sân vườn nhà. Nhiều bạn bè, hàng xóm chung quanh đến tò mò hỏi thăm anh đều nhiệt tình phổ biến.
Sức lan tỏa từ mô hình tiết kiệm điện ở nơi thờ cúng
Sau khi báo cáo kết quả việc làm của mình cho lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp trong Điện lực, người ủng hộ đầu tiên là anh Trần Nghiêm Bằng - Nguyên Giám đốc Điện lực An Nhơn - anh Bằng đã đề nghị Phan Văn Trung thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt trên các bàn thờ nhà mình bằng bóng đèn Led. Ngoài các loại đèn quả ớt đủ màu, các bàn thờ nhà anh Trần Nghiêm Bằng còn nhấp nháy với các loại đèn "led automatic", tỏa hào quang trên bàn thờ Phật, bóng đèn bạch lạp màu lửa trên bàn thờ ông bà và đặc biệt, trang Thần Tài rực rỡ với các loại đèn Led mới đủ màu.
Khách hàng đầu tiên là gia đình bác Đinh Thị Hậu ở Chợ Đập Đá - nơi Phan Văn Trung bị lời quở trách ngày nào. "Cháu đã tìm ra loại bóng đèn tiết kiệm điện này, hôm nay xin gắn thay các loại bóng đèn sợi đốt mà gia đình mình đang trang trí trên các ban thờ và trang Thần Tài, Bác cứ dùng thử, tháng sau cháu đến thu tiền điện, xin nhận xét của bác".
Tiếng lành đồn xa, với hàng trăm ngàn hộ khách hàng dùng điện trên địa bàn, nhà nào cũng có nhiều bàn thờ. Đối với các gia đình kinh doanh, sản xuất, mua bán thì trang thờ Thần Tài, Ông Táo luôn dùng điện 24/24 giờ. Phan Văn Trung chỉ cần trình bày ngắn gọn sản phẩm mới với 2 ưu thế là: thẩm mỹ cao và tiết kiệm điện là khách hàng đồng ý thay ngay. Anh bắt đầu có thu nhập chính đáng thêm từ công sức của mình với mỗi bóng đèn Led quả ớt chỉ có 5.000 đồng.
Không chỉ ở các khu vực dân cư mà là các đền, chùa lớn, nhỏ tại địa phương cũng đồng ý thay các loại bóng đèn này. Theo số liệu của UBMTTQ thị xã An Nhơn, có đến 77 cơ sở tôn giáo lớn nhỏ, trong đó có 59 chùa, 18 nhà thờ, thánh thất... dùng điện ánh sáng cho nơi thờ cúng. Phan Văn Trung đã đến tìm gặp và giúp các sư, thầy trong chùa ủng hộ "Led hóa" trong trang trí và chiếu sáng nơi tôn nghiêm. Nhiều chùa chiền, nhà thờ, thánh thất được tôn lên với hàng ngàn bóng đèn Led tiết kiệm điện.
Phan Văn Trung trở lại thăm gia đình bác Đinh Thị Hậu khi đến kỳ thu tiền điện tháng sau. Chỉ tay lên các bàn thờ, Bác Hậu niềm nở khen: "Đẹp, an toàn và không hao điện trông thấy. Thằng trai lớn nhà tôi nó cũng tính ra rồi. Cứ mỗi bóng đèn Led quả ớt của chú giảm đi (10-1)W thì trung bình 10 bóng trái ớt trên các bàn thờ nhà tôi tiết kiệm được: Trong 1 tháng là: (9Wx24 giờx30 ngày)x10 bóng=64kWh điện. Giá điện bình quân hiện nay đối với các hộ kinh doanh như nhà tôi vào khoảng 1.500đồng/kWh. Tính ra mình tiết kiệm được hơn 90.000 đồng mỗi tháng, đối với gia đình tôi là ý nghĩa lắm. Nhưng nếu toàn thị xã An Nhơn, nhà nào cũng thực hiện phong trào "tiết kiệm ánh sáng ở nơi thờ cúng" như vậy thì lượng điện tiết kiệm được của thị xã An Nhơn đóng góp cho cả tỉnh đâu phải nhỏ". Thực vậy, theo số liệu thống kê được của Điện lực An Nhơn, lượng điện năng tiết kiệm được trên địa bàn năm 2013 đã lên đến 59.759 kWh. Năm 2014, Điện lực An Nhơn nhận chỉ tiêu vận động thực hiện tiết kiệm điện lên 65.000kWh.
Phan Văn Trung thật sự xúc động khi được nghe chính khách hàng của mình nói lên điều đó. Như một nguồn động viên lớn lao, hiện nay anh Phan Văn Trung và đồng nghiệp CBCNV của Điện lực An Nhơn tiếp tục triển khai chương trình tiết kiệm điện mạnh mẽ trên địa bàn. Anh tin rằng công việc của anh nhất định sẽ đạt hiệu quả cao, bởi chính ông Thần Tài, Ông Táo trong từng gia đình cũng tham gia tiết kiệm điện.
Văn Thuấn