Tiết lộ gây sốc về vụ máy bay MH370 mất tích bí ẩn
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott vừa có tiết lộ gây sốc rằng, nguyên nhân khiến chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia (MAS) bị mất tích cách đây 6 năm có thể là do phi công điều khiển đã "thực hiện hành vi tự sát giết người hàng loạt".
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. |
Phi công “tự sát giết người hàng loạt”?
Tiết lộ của ông Abbott được đưa ra trong phần đầu của bộ phim tài liệu gồm 2 tập được trình chiếu tại Australia trong tuần này với tiêu đề "MH370: Câu chuyện chưa được kể" trên kênh Sky News Australia. Ông Abbott, người giữ chức Thủ tướng Australia vào thời điểm MH370 bị mất tích, cho biết đây là thông tin đầu tiên mà các lãnh đạo "cấp cao nhất" của Malaysia khi đó đã chuyển tải đến ông ngay sau vụ việc xảy ra.
Cụ thể, ngay trong tuần đầu tiên sau vụ việc, các lãnh đạo cao cấp nhất của Malaysia khi đó đã nói với ông Tony rằng, chính phủ Malaysia xem đây là một âm mưu tự sát của viên phi công người Malaysia nhằm giết hại nhiều người. "Từ các cấp cao nhất của chính phủ Malaysia, ngay từ rất sớm họ đã nghĩ đây là vụ giết người tự sát do phi công thực hiện", cựu Thủ tướng Australia tiết lộ. Ông Abbott từ chối chia sẻ cụ thể thông tin nhận được từ phía Malaysia là gì và ai là người gửi thông báo. Cựu Thủ tướng Australia chỉ nhấn mạnh: “Tôi sẽ không nói thẳng việc ai đã nói gì và nói với ai, nhưng để tôi nhắc lại, tôi muốn nói rõ hoàn toàn rằng, ở cấp cao nhất, họ gần như chắc chắn rằng đây là vụ giết người tự tử được thực hiện bởi viên phi công. Một vụ giết người tự sát tập thể”.
“Không che đậy”
Các nhà phê bình đã tuyên bố chính phủ Malaysia, sở hữu Malaysia Airlines, đã cố gắng che đậy giả thuyết giết người tự sát để giữ thể diện. Nhưng ông Abbott nói rằng ông không có lý do gì để nghi ngờ có bất cứ sự che đậy nào trong vụ MH370 mất tích. "Tôi đã đọc tất cả những cáo buộc rằng, người Malaysia không muốn theo đuổi giả thiết giết người tự sát vì họ xấu hổ nếu một trong những phi công của họ làm điều này. Tôi không có lý do gì để đồng ý với cáo buộc đó", cựu Thủ tướng Australia nói.
Ông Abbott cho rằng, nếu ngay từ đầu theo đuổi giả thiết giết người tự sát thì phạm vi tìm kiếm MH370 mở rộng hơn. Ông kêu gọi nối lại hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bởi hai cuộc điều tra nguyên nhân tai nạn trước đây thất bại là do đi theo giả định phi công vô tội. Hãy giả định đó là vụ giết người tự sát, và nếu có bất kỳ phần nào của đại dương chưa được tìm kiếm, hãy tìm kiếm nó”, ông Abbott nói.
Trước diễn biến mới này, ngày 19-2, ông Lim Kit Siang - lãnh đạo đảng Hành động Dân chủ (DAP, đảng hợp thành Liên minh Hy vọng cầm quyền tại Malaysia) đã lên tiếng yêu cầu lãnh đạo "cấp cao nhất" của chính phủ tiền nhiệm đưa ra phản ứng. Chính phủ Malaysia vào thời điểm MH370 bị mất tích do Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) của cựu Thủ tướng Najib Razak lãnh đạo. Cho rằng tiết lộ của cựu Thủ tướng Tony đã gây sốc cho cả Malaysia lẫn Australia, hai quốc gia có nhiều công dân trên chiếc máy bay xấu số nói trên, ông Lim cũng kêu gọi thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra vụ việc.
Vẫn là một bí ẩn
Chuyến bay MH 370 của Malaysia Airlines chở 239 người, trong đó có 6 người Australia, đã biến khỏi màn hình radar gần 40 phút sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh vào ngày 8-3-2014. Cơ trưởng chuyến bay định mệnh này là phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, quê gốc Penang, Malaysia. Ông là một trong những viên phi công cao cấp nhất đã làm việc cho Malaysia Airlines từ năm 1981. "Chúc ngủ ngon. Malaysia ba-bảy-không-ba”, là những từ cuối cùng viên phi công này nói với kiểm soát không lưu trước khi máy bay biến mất lúc 1 giờ 21. Dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc máy bay sau đó đã lệch hướng, tạo ra một loạt các vòng quay đột xuất trên eo biển Malacca và sau đó hướng ra phía Nam Ấn Độ Dương.
Hai cuộc điều tra chính thức do Australia và Malaysia dẫn đầu đã không thể phát hiện ra những gì đã xảy ra đối với chiếc Boeing 777. Báo cáo của chính phủ Malaysia cho biết không có bằng chứng nào về việc viên phi công Zararie đã cướp máy bay của chính mình. Nhưng ông Abbott nói, phía Malaysia chưa từng đưa ra giả thuyết nào khác, chẳng hạn như một vụ hỏa hoạn thảm khốc hoặc vụ khủng bố, để lý giải cách máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Một số mảnh vỡ của máy bay được phát hiện vào cuối năm 2016 và tháng 8-2017 dọc bờ biển Madagascar. Tuy nhiên, xác máy bay và các hộp đen đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Năm 2017, cuộc điều tra độc lập quốc tế kết luận việc xác định nguyên nhân máy bay rơi là bất khả thi khi không có hộp đen.
Đã có nhiều giả thuyết đặt ra để lý giải cho vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370. Tháng 3-2018, ông Mahathir Mohamad, thời điểm này đang tranh cử trở lại ghế thủ tướng Malaysia, nghi ngờ chiếc Boeing 777 bị chiếm quyền kiểm soát từ xa nhằm ngăn chặn một âm mưu cướp máy bay. "Năm 2006 từng có thông tin Boeing được cấp phép tiến hành chiếm quyền kiểm soát máy bay bị cướp khi đang trên không. Tôi tự hỏi có phải điều này đã xảy ra", ông Mahathir chia sẻ. "Thật kỳ lạ khi máy bay không để lại dấu vết nào. Con người có năng lực làm điều này. Công nghệ đó có tồn tại. Chúng ta biết giờ đây có những người rất giỏi trong điều khiển máy bay không cần phi công. Ngay cả máy bay chiến đấu cũng không cần phi công. Một số công nghệ được đăng lên báo nhưng nhiều công nghệ quân sự quan trọng không được công bố", ông bày tỏ nghi ngờ.
Từng có những điều tra về lý lịch của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah nhưng cơ quan chức năng cũng không phát hiện điều gì đáng ngờ. Gia đình một số nạn nhân còn cho rằng máy bay không rơi xuống biển mà được điều khiển đến hạ cánh tại một nơi khác rồi bị che giấu thông tin.
AN BÌNH