Báo Công An Đà Nẵng

Tìm ánh sáng từ trong bóng tối

Thứ năm, 04/11/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Từ câu chuyện của một Hà Chương-chàng trai khiếm thị trở thành nhạc sĩ kiêm ca sĩ, đến chuyện những người mù làm tăm tre, đan lát, làm chổi..., bạn tôi mách: “Hãy thử một lần đến cơ sở massage của người khiếm thị đi, sẽ có nhiều thú vị lắm, biết đâu cậu lại viết được cả thiên phóng sự về họ đấy!”. Tôi thú nhận đã viết rất nhiều bài báo về nghề nghiệp của người khiếm thị nhưng viết về nghề massage thì chưa. Một chút tò mò, một hôm thấy người mỏi mệt vì thời tiết thay đổi, tôi nảy sinh ý định đến một cơ sở massage của người khiếm thị...

Người khiếm thị tìm lại tình yêu cuộc sống từ những việc có ích (ảnh: minh họa). 

Ngọc và Thêm là 2 cô gái đầu tiên tôi gặp ở điểm massage người khiếm thị ở Đà Nẵng. Có lẽ, cả hai không hề hay biết sự gặp gỡ tình cờ ấy đã tạo cho tôi cảm hứng để viết bài này. Dẫu chưa được đồng ý nhưng tôi tin, hai cô sẽ không trách giận gì  tôi... Thêm có nước da trắng hồng như trứng gà bóc, vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc dài, quê Cam Lộ (Quảng Trị).

Ngọc thì xinh xắn với làn da rám nắng khỏe mạnh, quê ở vùng cao Tuyên Hóa (Quảng Bình). Biết tôi tỏ vẻ ngại ngùng, rụt rè,  Thêm nhỏ nhẹ đùa vui: “Chị mới đi lần đầu phải không? Nhiều người mà như chị chắc bọn em thất nghiệp quá! Phòng đâu có ai, ngoài em, chị và chị Ngọc. Mà em và Ngọc thì đâu có... nhìn thấy chi...”.

Nghe vậy tôi cũng hơi yên tâm và làm theo lời chỉ dẫn của hai cô gái. Thêm đấm bóp, massage cho tôi, động tác thành thạo, điệu nghệ và... chính xác như người sáng mắt! Tôi cảm thấy thật dễ chịu, đỡ hẳn cơn mỏi mệt. Ngọc ngồi ở giường bên cạnh hỏi chuyện làm quen. Qua chuyện trò, tôi thật sự xúc động về trường hợp dẫn đến bị mù lòa của hai cô gái trẻ. Khi mới hơn 15 tuổi, sáng hôm đó Thêm thấy người hâm hấp sốt, mệt mỏi nên không đi chợ giúp mẹ. Trưa hôm đó, thấy con gái không ăn cơm, mẹ Thêm nấu cháo và mua thuốc cảm sốt về cho con. Đến tối thì Thêm mê man, khi tỉnh dậy, cô biết mình đã được gia đình đưa vào bệnh viện. Thêm cố mở mắt ra nhưng không thấy gì cả. Tưởng trời tối cô bảo chị gái bật đèn lên. Nghe em gái nói vậy, người chị hốt hoảng đi gọi bác sĩ...

Qua thăm khám, chẩn đoán, các bác sĩ cho biết Thêm đã mất khả năng nhìn thấy ánh sáng. Cô và gia đình choáng váng, không thể tin được đó là sự thật. Sau đó gia đình vay mượn tiền đưa cô ra Hà Nội chữa trị nhưng không có hy vọng. Thấy cha nấn ná ở Hà Nội để tìm thầy giỏi chữa bệnh cho mình, Thêm thương thắt ruột nhưng dứt khoát đòi về, bởi cô biết, số tiền dành dụm và vay mượn để lo cho cô chữa bệnh đã hết. Hơn nữa, các bác sỹ co biết đôi mắt cô không thể chữa được ngoại trừ phải phẫu thuật, mà xác xuất thành công rất ít... Thêm tâm sự: “Em không nhìn thấy nhưng cảm nhận được nỗi đau của ba mẹ khi biết đôi mắt em vĩnh viễn mù lòa. Ban đầu còn khóc trước mặt mọi người, nhưng về sau em chỉ dám khóc thầm vào đêm khuya khi cả nhà đã ngủ vì không muốn ba mẹ phải đau khổ thêm...”. Nhiều lần cô đã tìm đến cái chết, nhưng tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ và gia đình đã kéo Thêm trở lại với cuộc sống. Không như Thêm, sau trận sốt là bị mù hẳn, Ngọc bị mù từ từ. Cô chỉ nhớ rằng, thị giác của mình ngày một yếu đi rồi bắt đầu mờ dần, mờ dần  đến khi chỉ còn nhìn thấy những vệt mờ ảo, lúc đó cô đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của người con gái...

Được sự động viên của gia đình, người thân, sự giúp đỡ của hội người mù địa phương, cả hai cô gái này đã vượt lên những mặc cảm, tự ti ban đầu về khuyết tật của mình. Họ tham gia vào lớp học chữ nổi, rồi đi học nghề massage. Trước khi vào Đà Nẵng lập nghiệp, Ngọc từng làm tại Huế thông qua Hội người mù ở đây. Cô khoe: “Em mới vô đây nên chưa thuộc địa bàn, chứ ở Huế đường mô em cũng biết đó nghe”. Hỏi vì sao không tiếp tục ở Huế, Ngọc cười rất tươi: “Em muốn đi đây, đi đó cho biết chị à”. Giọng nói của em rổn rảng, thật lạc quan, yêu đời. Từ trong bóng tối, họ đã tìm thấy nguồn sáng của tình người, của công việc lao động mà họ đang làm để tự mình vươn lên trong cuộc sống.

P.Thủy