Tìm cách tăng “sức đề kháng” cho ngành Du lịch
(Cadn.com.vn) - Đón hơn 3,1 triệu lượt khách, mang về 7.784 tỷ đồng đã làm cho ngành Du lịch TP Đà Nẵng cán đích kỷ lục trong năm 2013. Với đà đó, thành phố được xem là thủ phủ của miền Trung phấn đấu đón 3,6 triệu lượt khách trong năm 2014 và thu về khoảng 8.820 tỷ đồng. Vậy nhưng xem ra, đây là một thách thức thực sự khi mà trong thời gian gần đây, khách quốc tế đã có sự giảm sút nghiêm trọng.
Đặc biệt là khách đến từ Trung Quốc đã giảm khoảng 85-90% do những tác động của tình hình căng thẳng từ biển Đông và các vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra tại một số địa phương trong cả nước. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch đã ngồi lại để tìm phương án tăng sức đề kháng, phát triển bền vững cho ngành Du lịch trong thời gian đến.
Ảnh hưởng lớn từ nguồn khách Trung Quốc
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2014, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt hơn 1,3 triệu lượt (tăng 15,6% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế là 107.287 lượt (tăng 19,6%). Tổng doanh thu du lịch đạt 3.484 tỷ đồng (tăng 23,9%). Về hoạt động lữ hành, đáng quan tâm nhất chính là sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng thông qua đường hàng không.
Trong 5 tháng đầu năm, có 19 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 5 đường bay thường kỳ và 14 đường bay thuê chuyến với tổng lượng khách đạt 111.905 lượt (khách Trung Quốc đạt 49.290 lượt, giảm 6,28%). Nhưng đến cuối tháng 5, chỉ còn 6 đường bay trực tiếp, còn 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đã tạm ngừng hoạt động.
Do tác động của tình hình căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiếp đó là một số vụ việc phức tạp xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương, kể từ giữa tháng 5-2014 đến nay, khách Trung Quốc – đứng đầu trong 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng - đã giảm tới 90%.
Kéo theo đó, các thị trường khách du lịch khác như Singapore, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản cũng có sự sụt giảm đáng kể xuất phát từ tâm lý lo ngại về tình hình ANTT. Theo đại diện các cơ sở lưu trú, từ cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc cũng như thông tin phiến diện của một số phương tiện truyền thông quốc tế, tại 20 khách sạn 3-5 sao có tỷ lệ khách nói tiếng Hoa chiếm từ 20-90% chỉ còn khoảng 10% khách đến lưu trú do các đường bay quốc tế trực tiếp từ Trung Quốc bị hủy.
Ngoài nguyên nhân được xem là lớn nhất nói trên, theo ông Trần Chí Cường – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, ngành du lịch hiện tại vẫn còn gặp phải một số khó khăn khác.
Đó là nguồn nhân lực vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch đường sông đơn điệu, khủng hoảng thừa khách sạn quy mô nhỏ, tái diễn tình trạng chèo kéo, bu bám khách... đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Khách du lịch tham gia màn đồng diễn Flashmob Bikini trong dịp khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2014. Ảnh: CÔNG KHANH |
Phải tiếp cận các thị trường tiềm năng
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch chiếm khoảng 13% doanh số bán lẻ của Đà Nẵng, nhưng trong trong thời gian qua đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thời sự. Lượng khách quốc tế, mà đặc biệt là khách Trung Quốc giảm nghiêm trọng trong thời gian qua thể hiện rất rõ ở công suất buồng phòng thấp, hủy tour, ngưng hoạt động đường bay.
“Hiện tại, nhiều khách sạn mới xây chỉ có công suất 2-3 phòng/đêm, các chuyến bay từ Trung Quốc chỉ còn lại Quảng Châu và Macau. Sự giảm sút khách này do ngành Du lịch lệ thuộc nhiều và thị trường khách Trung Quốc. Mà trong du lịch, lệ thuộc vào một thị trường thì tính rủi ro sẽ rất cao”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, để tăng sức đề kháng cho ngành Du lịch thì nhất thiết phải coi trọng thị trường nội địa, tiếp đó là cần có những ưu đãi thông thoáng cho du khách đồng thời phải có những động thái kịp thời trấn an tâm lý của họ trước những luồng thông tin bất lợi.
Trong khi đó, ông Matthias Wieshann – Tổng giám đốc Khách sạn Furama cho rằng, với thực tế bây giờ, một chiếc điện thoại cũng có thể quảng bá du lịch hiệu quả. Điều Đà Nẵng cần làm là khai thác hiệu quả thị trường nội địa, đặc biệt là phía Nam, tiếp đó là tiếp cận và có chính sách thu hút các thị trường quốc tế tiềm năng như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.
“Các hãng hàng không nên giảm thuế để thu hút lượng khách Châu Á. Song song với đó là phải có sự liên kết mạnh mẽ giữa các hãng lữ hành, khách sạn tại địa phương cũng như liên kết giữa các địa phương trong vùng để khai thác hết thế mạnh”, ông Matthias Wieshann nói.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để thực sự phát triển bền vững, việc khai phá thị trường du lịch nội địa, đặc biệt là khu vực phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn phải được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian đến.
Với thị trường nước ngoài, du lịch thành phố vẫn coi trọng nguồn khách đến từ Trung Quốc và khách sử dụng tiếng Hoa như Singapore, Đài Loan. Nhưng cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến, kết nối các thị trường tiềm năng lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định, trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hoạt động cũng như có nhiều ưu đãi, quan tâm đến du khách khi đến Đà Nẵng.
Tiếp đó, ngành du lịch sẽ tăng cường quảng bá sâu rộng sự an toàn, hấp dẫn, thân thiện như nó vốn có chứ không hề có nguy cơ bất ổn về ANTT do ảnh hưởng tình hình biển Đông như một số luồng thông tin nước ngoài đã đề cập.
Đông A