Báo Công An Đà Nẵng

Tìm con chữ tuổi "xế chiều"

Thứ hai, 10/12/2018 14:32

Xã miền núi Phú Sơn là một trong những địa bàn có nhiều người mù chữ nhất TX Hương Thủy (TT-Huế). Từ thực tế nhiều người lớn tuổi ở Phú Sơn khao khát có lớp học xóa mù, UBND TX Hương Thủy đã mở 2 lớp phổ cập ở thôn 3 và thôn 4, bắt đầu từ 19 giờ và 6 buổi/1 tuần.

Cô Mến đang hướng dẫn học trò tập đọc.

Hôm chúng tôi đến lớp xóa mù chữ ở thôn 4, cô giáo Nguyễn Thị Mến vẫn đang say sưa giảng bài. Bên dưới lớp học là các học viên, dao động từ 55- 80 tuổi. Hằng ngày, sau giờ dạy học tại thành phố Huế (cô Mến hiện là giáo viên cấp 3 của Trường THPT Cao Thắng- P.V), cô Mến đã băng rừng, vượt đồi hàng chục cây số đến với lớp học xóa mù này. "Mỗi lần đến với lớp học đặc biệt này, tôi nhớ lại hình bóng mẹ mình trước đây cũng từng đi học lớp xóa mù nên rất đồng cảm với những "học trò" bằng tuổi mẹ, tuổi bà của mình. Trong lớp học có rất nhiều người nhưng mỗi người lại có một trình độ khác nhau nên cùng lúc mình phải soạn nhiều giáo án để mỗi học viên có thể tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất"- cô Mến chia sẻ.

Cô Mến kể, lớp học xóa mù thường dao động khoảng 30 học viên. Mỗi học viên có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có hôm, nhiều người đi bóc vỏ tràm thuê trong rừng chưa kịp trở về nên chuyện đến lớp muộn xảy ra như cơm bữa. Vậy là, cô vẫn kiên nhẫn chờ đợi từ giờ này qua giờ khác. Bà Nguyễn Thị Dẽo, 57 tuổi, ở thôn 4, tâm sự: "Cô Mến dạy rất dễ hiểu, nhiều hôm cô dạy quên cả giờ và khi cả lớp ra về thì ngoài trời tối mịt. Nhờ có cô Mến mà tui đã biết ký vào sổ nhận trợ cấp hộ nghèo. Mỗi khi học viên đau ốm, cô đến nhà thăm hỏi khiến mọi người cảm động".

Bước sang tuổi 75, bà Nguyễn Thị Thuyền ở thôn 4 vẫn đêm đêm chống gậy, soi đèn pin để đến lớp học xóa mù chữ mức 1. Để đến được lớp học, bà Thuyền phải vượt qua 3 ngọn đồi và mất hơn 30 phút. Ấy vậy mà chẳng bao giờ bà nghỉ học. Vào những đêm trời mưa to, đường sá lầy lội; bà Thuyền lại nhờ mấy đứa cháu "tháp tùng" đến lớp. "Ngày trước nhà quá nghèo, anh chị em đông, tui không được đi học. Sau này, tui có đến các lớp bình dân học vụ, biết đánh vần, biết viết nguệch ngoạc vài ba chữ nhưng không ôn luyện nên cứ rơi rụng dần. Thế nên, hôm cô giáo Mến đến nhà vận động, tui đồng ý đến lớp".

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chuối và Nguyễn Thị Tho đều xấp xỉ tuổi 80 cũng đã có gần chục đứa cháu nội, ngoại nhưng đêm đêm cũng lặn lội vượt đồi đến lớp. "Tui có đứa cháu đi may công nghiệp trong Sài Gòn gửi tặng cho cái điện thoại di động nhưng mình có biết chữ, biết số mô mà dùng. Rứa là, khi nghe chị em trong làng rủ nhau đến lớp học xóa mù, mình cũng bắt chước đi theo. Không ngờ, bây chừ mình đã lưu được số điện thoại, lưu được tên con cháu vào danh bạ điện thoại rồi"- bà Tho vui mừng.

Ông Dương Văn Vinh- Trưởng thôn 4, X. Phú Sơn cho biết, đa phần người dân đến với các lớp học xóa mù chữ mức độ 1 và mức độ 2 trên địa bàn xã đều làm nghề bóc vỏ cây tràm thuê nên đời sống khá bấp bênh. Họ sống rải rác trên các ngọn đồi của xã. Và muốn đến nhà văn hóa thôn để học lớp xóa mù, có người phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, bao năm qua, đêm đêm họ vẫn khao khát đi tìm con chữ. Mỗi người đến với lớp học đều có những mong muốn khác nhau. Người muốn viết được tên mình, không còn lăn tay, điểm chỉ khi ra chính quyền làm thủ tục, giấy tờ liên quan. Có người muốn tìm đúng số giường, số phòng khi vào bệnh viện thăm người bệnh, không phải đi vòng vèo như trước…

H.LAN