Báo Công An Đà Nẵng

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rohingya

Thứ hai, 30/04/2018 12:20

Hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya ngày 29-4 tập trung tại trại tị nạn Kutupalong ở thị trấn ven biển Cox's Bazar của Bangladesh chào đón các phái viên của HĐBA LHQ đến đây để trực tiếp xem xét hoàn cảnh của 700.000 người Hồi giáo Rohingya di cư từ Myanmar.

Đoàn phái viên của HĐBA LHQ đến sân bay Cox's Bazar ở Bangladesh.    Ảnh: Reuter

Bạo lực bùng phát tại Myanmar khi những người nổi dậy Rohingya mở hàng loạt các cuộc tấn công vào ngày 25-8-2017 vào khoảng 30 tiền đồn an ninh và các mục tiêu khác. Lực lượng an ninh Myanmar mở chiến dịch quân sự đáp trả khiến hàng ngàn người Rohingya tháo chạy sang Bangladesh.

Một cuộc khủng hoảng người Rohingya bùng nổ, gây tranh cãi trên khắp thế giới.

Đại diện HĐBA LHQ thăm người Rohingya

Ngày 29-4, một nhóm đại diện của HĐBA LHQ đến thăm người tị nạn Rohingya bị mắc kẹt ở một vùng đất không người dọc biên giới giữa Bangladesh và Myanmar, trong bối cảnh tổ chức quyền lực này đang cân nhắc cách thức giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới.

Theo lịch trình, phái đoàn LHQ do đại diện Kuwait dẫn đầu phỏng vấn một số người tị nạn ở các trại Bangladesh trước khi đến Myanmar và gặp Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, nhân vật trên thực tế là lãnh đạo cao nhất của Myanmar. Ủy viên Hội đồng tị nạn Bangladesh Mohammad Abul Kalam cho biết nhóm của LHQ, gồm 26 quan chức ngoại giao từ 15 quốc gia, lần đầu tiên thăm trại Konarpara, nơi có khoảng 6.000 người Rohingya bị mắc kẹt.

Sau đó, nhóm đến trại Kutupalong, nơi hàng trăm người Rohingya đã biểu tình trước thềm chuyến thăm, dương biểu ngữ đòi khôi phục quyền của họ tại Myanmar. Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 4 ngày này, phái đoàn này cũng gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour al-Otaibi cho biết, mục đích của chuyến thăm là để "phát đi thông điệp rằng: cộng đồng quốc tế đang theo sát tình hình và mong muốn giải quyết vấn đề này".

Chuyến thăm lần này được thực hiện trong bối cảnh LHQ, các nhóm viện trợ và các cố vấn quốc tế của Myanmar về vấn đề Rohingya cảnh báo, mùa gió mùa sắp tới có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo. "Chúng tôi phải xem xét làm thế nào để có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện thỏa thuận song phương giữa Bangladesh và Myanmar", Đại sứ của Kuwait, ông Mansour Ayyad Al-Otaibi, nói.

Vấn đề hồi hương

Lâu nay, HĐBA hối thúc Myanmar tạo điều kiện cho phép người Rohingya trở về an toàn và mở các biện pháp nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ phân biệt đối xử mà cộng đồng Hồi giáo thiểu số không có tư cách công dân này phải hứng chịu. Vào tháng 12-2017, Bangladesh và Myanmar đồng ý cho hồi hương người tị nạn. Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo vẫn lo ngại, người Rohingya có thể bị buộc phải quay về, và có thể phải đối mặt với tình trạng không an toàn tại Myanmar. Cơ quan tị nạn LHQ và Bangladesh gần đây đã đạt được một thỏa thuận, bảo đảm rằng việc hồi hương phải được thực hiện "một cách an toàn, tự nguyện, và nghiêm túc, theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế".

Đón đoàn phái viên của HĐBA LHQ, những người tị nạn mang theo nhiều biển báo, một số trong đó viết "Chúng tôi muốn đòi công lý".

Những người tị nạn Rohingya nói rằng, họ muốn được xác minh quốc tịch - điều bị chính quyền nước này từ chối. Myanmar nhiều năm nay đã phủ nhận quyền tự do di chuyển và tiếp cận nhiều dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục của người Rohingya. Chính quyền Myanmar coi người Rohingya là người nhập cư Bengali đến từ Bangladesh. Tuy nhiên, những người tị nạn khẳng định, họ thuộc về Myanmar, nơi họ đã sinh sống trong nhiều thế kỷ qua. "Chúng tôi không phải là người Bengali, chúng tôi là người Rohingya", Mohammed Tayab, người đứng trước một căn lều, nơi ông mong đợi để gặp phái viên của HĐBA LHQ, cho biết.

AN BÌNH