Tìm giải pháp để biển Đông hòa bình, ổn định
Khoảng 220 đại biểu trong đó có gần 100 học giả đến từ nhiều quốc gia đã tham dự hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tại Đà Nẵng hôm 8-11. Đây là diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. |
* Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo vào tối 7-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Đây là trách nhiệm không chỉ của các quốc gia ven biển mà còn là của tất cả các quốc gia liên quan. Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn các học giả tham dự Hội thảo biển Đông lần thứ 10 cùng thảo luận, gợi ý các cơ chế phù hợp duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác ở biển Đông và cả khu vực rộng lớn hơn, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của tất cả các quốc gia, đề xuất các giải pháp công bằng, hợp lý, bền vững nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). |
Lần thứ 2 Đà Nẵng vinh dự được lựa chọn là nơi tổ chức hội thảo uy tín và quy mô này. Như phân tích của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thì việc này có những liên hệ nhất định. Ông Minh nói: Với vị trí và cảng vịnh nước sâu thuận lợi cho tàu thuyền tiến sát bờ đã biến Đà Nẵng thành mục tiêu của nhiều cuộc xâm lược trong quá khứ. Chúng tôi luôn ghi nhớ những sự kiện ấy để nhắc nhở mình về cái giá của xung đột, chiến tranh, về niềm khát khao đối với môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, cùng phát triển mà ở đó cựu thù sẽ trở thành bạn bè, lịch sử đau thương sẽ khép lại bởi những cái bắt tay hợp tác và những ngờ vực kéo theo bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ sẽ phải nhường chỗ cho các chuẩn mực, nguyên tắc chung mà cộng đồng quốc tế từ lâu đã cùng nhau xây dựng, giữ gìn. Theo ông Minh, niềm khao khát này càng trở nên mãnh liệt hơn trong bối cảnh quốc tế và khu vực nhiều biến động hiện nay. Đúng ra, Biển Đông với tài nguyên phong phú, tuyến đường giao thông quốc tế quan trọng, hệ sinh thái của hàng ngàn loài sinh vật biển, phải trở thành cầu nối hợp tác và cái nôi của thịnh vượng lại có nguy cơ trở thành điểm nóng nguy hiểm của khu vực. Ông Minh nhấn mạnh, mặc dù cộng đồng quốc tế cũng như các bên liên quan đã có những nỗ lực, song tiến trình giải quyết tranh chấp hướng tới một nền hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững chưa có bước tiến rõ rệt, khiến các địa phương, nhân dân ven biển hết sức lo lắng. Tranh chấp biển Đông nếu không được kiềm chế sẽ là thảm họa cho những người dân lương thiện đang sống dựa vào biển, cũng như hòa bình, ổn định của toàn khu vực.
Với chủ đề hội thảo lần này là Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực, quy tụ nhiều học giả uy tín, nhiều đại biểu đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, ông Minh tin tưởng sẽ tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề tưởng chừng đang bế tắc hiện nay. Bởi lẽ, tình hình trên biển Đông không chỉ là vấn đề hòa bình, ổn định của khu vực mà cả đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của hơn 300 triệu dân của các cộng đồng ven biển. Qua hội thảo, ông Minh cũng khẩn thiết đề nghị các vị đại biểu cùng nhau thẳng thắn nhìn nhận , phân tích thực trạng tình hình biển Đông, từ đó đề xuất các sáng kiến khả thi hướng đến kiểm soát tốt tình hình và từng bước xây dựng một biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác bền vững. Ngoài ra, vị lãnh đạo Đà Nẵng này cũng mong các đại biểu dành thêm thời gian thảo luận các nội dung mang tính kiến tạo trong vấn đề biển Đông như phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học biển hay việc xây dựng các kênh kết nối phi chính thức như địa phương, ngư dân...
Trong 2 ngày hội thảo tại Đà Nẵng sẽ có 32 tham luận được trình bày. Theo đó, tình hình biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện. Những phiên họp và chủ đề quan trọng của hội thảo có thể kể đến như “Biển Đông, tiêu điểm 10 năm nhìn lại” do bà Cleo Paskal, Nhà Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoàng gia Anh, Chatham House, Vương quốc Anh làm chủ tọa. Tại phiên này, các đại biểu sẽ đánh giá tình hình biển Đông hiện nay trong tương quan với 10 năm trước, qua đó phác họa những nguyên trạng cũng như những thay đổi trên thực địa, trong đánh giá của các chính phủ và trong quan hệ giữa các bên có liên quan. Phiên này cũng xem xét các cách ghi chép lịch sử và câu chuyện khác nhau từ cùng một sự việc để xác định những điểm tương đồng và khác biệt về mặt tư duy, nhận thức và diễn giải, những yếu tố làm sai lệch thực tế và gây phức tạp thêm cho vòng luẩn quẩn hành động và phản ứng qua lại. Theo sát những thăng trầm của mức độ căng thẳng, các diễn giả sẽ tìm cách nhận diện những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi cả về thực tiễn và tư duy. Trong phiên này, có những tham luận như “Chặng đường dài trên Biển của Trung Quốc: Diễn giải Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc từ 2009 đến 2016 của TS. Feng Zhang, Nghiên cứu Viên, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Nghiên cứu Các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương Coral Bell, Đại học Châu Á – Thái Bình Dương ANU, Đại học Quốc gia Úc; Chính quyền Obama, Trump và Biển Đông: Quản lý những khác biệt trong 10 năm qua của ông Conor Cronin, Nhà Nghiên cứu Cao cấp, Chương trình Sáng kiến Minh bạch biển châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Mỹ…
GS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Chính sách và Luật biển, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore sẽ chủ tọa phiên họp về Lập trường và Yêu sách của các bên. Trong phiên này sẽ đưa ra tổng kết về quan điểm và yêu sách của các bên tranh chấp trong một thập kỷ qua.Các diễn giả phân tích các tuyên bố chính thức và văn bản lập pháp của từng bên để xác định những điểm có tính tiếp nối cũng như thay đổi trong cách áp dụng và diễn giải luật biển. Các tham luận tại phiên này gồm có: Lập trường và Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông của GS. Nông Hồng (Nong Hong), Giám đốc & amp, Nghiên cứu viên Cao cấp, Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung (ICAS), Trung Quốc; Đứng trước ngã rẽ: Những tiếp nối và thay đổi trong Luật pháp và Chính sách Biển Đông của Philippines của GS. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật pháp và Các Vấn đề biển, Đại học Philippines, Philippines; Lập trường và Yêu sách của Malaysia đối với các Thực thể ở Biển Đông của bà Jalila bt. Abdul Jalil, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Eo biển Malacca, Viện Biển Malaysia, Malaysia; Những Tiếp nối và Diễn tiến trong Chính sách Biển Đông của Đài Loan của PGS. Chi-ting Tsai, Khoa Chính trị Khoa học, Đại học Quốc gia Đài Loan, Trung Quốc…
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả. PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật biển quốc tế ITLOS thì đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo quốc tế về Biển Đông, cho rằng trong 10 năm qua, chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông. Vị thẩm phán này cho rằng, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố gồm: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát. Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee đưa ra giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.
Ngày 9-11, các đại biểu sẽ tham dự các phiên họp về Xây dựng Lực lượng trên Biển Đông do GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc làm chủ tọa; phiên họp về Xây dựng lòng tin, Ngoại giao Phòng ngừa và Giải quyết tranh chấp do ông Robert Harris, Trợ lý Cố vấn Pháp lý về Các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ làm chủ tọa; phiên họp về Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông do TS. Stein Tonnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), Thụy Điển làm chủ tọa.
HẢI QUỲNH