Tìm giải pháp để đối tượng nữ thôi “chơi vơi” tìm nơi cai nghiện ma túy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) Tổng hợp 1 thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), không có cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập; không có tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong khi đó, trước tệ nạn ma túy xảy ra tại 97/125 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, 106 người nghiện và 467 người sử dụng trái phép chất ma túy (trong diện quản lý) tính đến cuối tháng 12-2023, đòi hỏi áp dụng nhiều biện pháp cai nghiện đối với người nghiện. Chưa tính người sử dụng ma túy “trôi nổi” ngoài xã hội vẫn là ẩn số. Đặc biệt, trong số đó có đối tượng nữ và trẻ vị thành niên.
Năm 2023, có 14 trường hợp người nghiện đăng ký cai nguyện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đăng ký điều trị Methadone. TTBTXH Tổng hợp 1 cũng đã tiếp nhận mới 43 học viên. Cũng trong năm 2023, Trung tâm này đã phối hợp với Tòa án ban hành 21 quyết định giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính cho 21 học viên đủ điều kiện xét giảm, tái hòa nhập cộng đồng trước thời hạn.
Chia sẻ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy bắt buộc và cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội diễn ra mới đây, Sở LĐ-TB-XH cho biết: tình trạng sử dụng trái phép chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng trong khi năng lực TTBTXH Tổng hợp 1 chưa đảm bảo cơ sở vật chất, thiếu nhân lực trang thiết bị, chưa đáp ứng đủ điều kiện tiếp nhận các nhóm đối tượng vào Trung tâm như cai nghiện bắt buộc dành cho nữ giới, cai nghiện tự nguyện dành cho nam và nữ, cai nghiện dành cho người đủ từ 12 đến 18 tuổi và quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, toàn tỉnh không có cá nhân, tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; không có đơn vị sự nghiệp nào được chỉ định, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện. Cùng với đó, thực trạng công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn chưa cao. Các trường hợp đang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chỉ được áp dụng các biện pháp quản lý cư trú, kiểm danh, kiểm diện giáo dục, tư vấn, cảm hóa, răn đe, còn số lượng lớn người nghiện ngoài xã hội chưa được áp dụng biện pháp cai nghiện trong thời gian dài. Năm 2024, cơ sở cai nghiện ma túy duy nhất tỉnh dự kiến tiếp nhận từ 40 đến 45 người cai nghiện bắt buộc vào Trung tâm để điều trị, cắt cơn, giải độc.
Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB-XH đề xuất nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn, cho biết thời gian tới sẽ xây dựng đề án trình các cấp phê duyệt nâng cấp, mở rộng tăng sức chứa từ 250-300 học viên. Bên cạnh đó, cần xây mới các khu cai nghiện riêng biệt cho các đối tượng: cai nghiện bắt buộc dành cho nữ giới quy mô khoảng 50 đến 70 người; cần ưu tiên xây dựng khu cai nghiện cho người nghiện ma túy là trẻ vị thành niên. Đối với cai nghiện tự nguyện, đề xuất xây dựng 1 khu cắt cơn, giải độc riêng dành cho người cai nghiện tự nguyện, trong đó có 2 khu nam, nữ riêng biệt để tiếp nhận số lượng lớn người nghiện vào cai nghiện tự nguyện. Hỗ trợ kinh phí chuyên biệt dạy, học nghề cho đối tượng cai nghiện tại Trung tâm…
Những đề xuất trên của cơ quan chức năng là cả sự trăn trở và thấu hiểu, bám sát tình hình. Và chắc chắn cũng là nỗi khắc khoải của nhiều gia đình khi có con em, người thân sa vào “cái chết trắng” đang khát khao tìm lối thoát, giải cứu cuộc đời bị đánh cắp bởi ma túy. Chạm đến tâm tư này, lại nhớ đến câu chuyện Thúy H., đầu năm 2024, cô cùng đồng bọn sa lưới với số ma túy tổng hợp hơn 2kg khi đang vận chuyển từ địa bàn miền núi về Đông Hà. Việc phải trả giá đắt là không thể tránh khỏi, nhưng nhìn sự hối hận trong tâm tư cô gái, còn thấy cả sự tuyệt vọng, bất giác bất lực mà thốt lên “giá như” đầy tiếc nuối…
Bảo Hà