Báo Công An Đà Nẵng

Tìm giải pháp hoàn thiện chức năng giám sát của HĐND

Thứ hai, 29/09/2014 10:48

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu "Góp phần tăng cường chất lượng lập pháp và năng lực giám sát của cơ quan dân cử với sự tham gia của người dân", trong 2 ngày (27, 28-9), tại Đà Nẵng, Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện giám sát của HĐND". Đây là cái nhìn toàn cảnh về quá trình HĐND thực hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Ông Huỳnh Nghĩa-Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nêu nhiều giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng giám sát của HĐND.

Giám sát còn thiếu trọng tâm

GS.TS Nguyễn Đăng Dung-Viện trưởng Viện PLD cho rằng, sự quy định quá nhiều chủ thể bị HĐND giám sát làm cho công việc giám sát của HĐND ở Việt Nam thiếu đi một trọng tâm cần phải giám sát là hoạt động của các cơ quan hành pháp- chính phủ và UBND các cấp. "Chức năng giám sát của Quốc hội và HĐND còn quá dàn trải, cho tất cả các chủ thể thực hiện pháp luật từ các cơ quan trực thuộc bên trong của Quốc hội, HĐND, qua các cơ quan hành pháp, tư pháp trực thuộc, cho đến cả mọi hoạt động thực hiện pháp luật của người dân mà không thấy trọng tâm đối tượng giám sát của các cơ quan đại diện dân cử là các cơ quan hành pháp trung ương và địa phương. Việc quá nhiều đại biểu không chuyên nghiệp, thiếu các lực lượng thu hút các ý kiến phản biện khác nhau, làm cho hoạt động không đi đến kết quả cuối cùng một cách mỹ mãn..."- GS.TS Nguyễn Đăng Dung đánh giá.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội (VPQH) Trần Văn Tám cho biết, một khảo sát của ông về mức độ quan trọng thực hiện chức năng giám sát của HĐND thì có đến 81,1% người được khảo sát cho rằng rất quan trọng và 18,9% số còn lại cho rằng quan trọng. Trong khi đó, HĐND tập trung giám sát vào một số lĩnh vực chính như: đất đai (91,9%), y tế (86,3%), cơ sở hạ tầng (81,1%)...  trong khi đó chỉ có 36,7% người dân thường xuyên theo dõi các phiên chất vấn của HĐND; 56,7% người dân thi thoảng mới theo dõi và 6,7% người dân còn lại chưa bao giờ theo dõi phiên chất vấn. Điều này khiến cho chất lượng giám sát của HĐND và việc trả lời chất vấn chưa đạt được hiệu quả cao.

Cùng ý kiến này, ông Huỳnh Nghĩa-Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, qua thực tế chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP cho thấy, vẫn còn một số vị đại biểu HĐND chưa thực hiện quyền chất vấn của mình, một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm hoặc ít thông tin do không nắm được tình hình thực tế. Đa số đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian để tập trung nghiên cứu tài liệu nên thiếu sự chuẩn bị cho kỳ họp. Nhiều nội dung chất vấn còn mang tính vụn vặt, đi vào những vụ việc cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, ít tập trung và hướng đến những đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển KT-XH của TP.

Nâng cao chất lượng giám sát, chất vấn

Thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND trong những năm qua cho thấy, trên cơ sở quy định của pháp luật, HĐND đã có nhiều cố gắng, cải tiến, đổi mới nội dung và phương thức giám sát nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực đáp ứng yêu cầu đổi mới. Kết quả giám sát của HĐND đã có những tác động tích cực tới việc đảm bảo thực thi pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, góp phần vào việc xây dựng và phát triển KT-XH, ổn định chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giám sát, để các đại biểu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của cơ quan dân cử thì cần có những giải pháp đổi mới.

TS Nguyễn Sĩ Dũng- Phó Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh, giám sát hội đồng là một phần của quá trình quản trị ở địa phương, rất quan trọng và nổi trội. Nếu một thể chế có quyền ban hành quyết định, có quyền phân bổ ngân sách mà không có cơ quan giám sát thì thực chất là sự chuẩn bị hình thành sự lạm quyền. Còn nếu không muốn là nơi ban hành các quyết định chính trị thì có thể bỏ HĐND và thành lập văn phòng dịch vụ công để chuyên cung cấp các quyết định. Còn nếu đã ban hành quyết định mà thiếu cơ quan giám sát thì giống người đi "một chân" vậy. Đó là tất cả tầm quan trọng của chức năng giám sát của HĐND mà thực chất nó là một thiết chế sinh ra để giám sát.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung kiến nghị, HĐND ở Việt Nam muốn tăng cường quyền lực thực sự của mình thì cũng phải tăng cường và biết cách thực hiện chức năng giám sát. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Mặt khác, giám sát của HĐND cũng như của Quốc hội phải tập trung vào việc giám sát bộ máy hành pháp ở địa phương mà không dàn trải sang các lĩnh vực khác như là tư pháp xét xử. Và muốn thực hiện tốt chức năng này người đại biểu cần có kinh nghiệm, phải biết thu hút lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình và nhất là phải có chỗ đứng tách riêng khỏi cơ quan hành chính.

Qua thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng, để tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND cùng cấp. Tiếp đến là bám sát Nghị quyết của HĐND để xây dựng chương trình giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Lựa chọn các vấn đề mang tính bức xúc nhất được cử tri quan tâm để triển khai trong hàng tháng, quý. Đồng thời căn cứ vào việc thực hiện lời hứa trước cử tri tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các nội dung phát sinh qua giám sát để kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai Nghị quyết của HĐND thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng của Thường trực HĐND, các ban của HĐND với UBND, UBMTTQVN và các Hội nghị giám sát được tổ chức giữa 2 kỳ họp HĐND.

Nguyễn Tuấn