Báo Công An Đà Nẵng

Tìm giải pháp khắc phục “lỗi kỹ thuật” tàu cá vỏ thép

Thứ sáu, 08/04/2016 10:35

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, với hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, chủ trương đóng tàu cá vỏ thép vươn khơi được nhiều ngư dân đồng tình hưởng ứng và mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, trước tình trạng một số tàu cá vỏ thép (đóng đợt đầu tiên) mắc phải một số lỗi kỹ thuật khiến việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, thậm chí gây thua lỗ, tạo tâm lý lo lắng, e ngại cho ngư dân. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên đang là vấn đề được các ngành chức năng, chuyên gia, nhà sản xuất và cả ngư dân quan tâm, tìm giải pháp.

Ngư dân gặp khó vì “lỗi kỹ thuật”

Ngư dân Lê Văn Sang (1985, trú P.Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng), là một trong những người tiên phong đóng tàu cá vỏ thép tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Chính vì vậy chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên tại Đà Nẵng mang tên Sang Fish 01 được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang (Cty đóng tàu Nha Trang, thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy) đóng theo hình thức thuê mua do anh làm chủ hứa hẹn sẽ cho nhiều vụ cá bội thu. Tuy nhiên, bắt đầu ra khơi từ tháng 7-2014 đến nay, được 10 chuyến thì hết 4 chuyến tàu gặp sự cố, phải vào bờ sửa chữa.

Theo anh Sang, lý do chiếc tàu Sang Fish 01 gặp sự cố khi khai thác đó là mỗi lần gặp gió (khoảng cấp 5) thì bị rung lắc mạnh, hệ thống tời cẩu cũng gặp vấn đề và một số lỗi kỹ thuật khác gây hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt. Và 5 tháng nay, tàu Sang Fish 01 đành phải nằm bờ sửa chữa.                        

Cùng “ra lò” với tàu Sang Fish 01, tàu Hoàng Anh 01 của ngư dân Mai Thành Văn (Quảng Ngãi) cũng bị mắc một số lỗi kỹ thuật tương tự. Hiện hai con tàu này đã được Cty đóng tàu Nha Trang thu hồi về vì chưa trả nợ theo đúng cam kết, đồng thời để nhà máy này khắc phục những lỗi kỹ thuật nói trên...

Còn tàu cá vỏ thép Qna 95997-TS của ngư dân Phan Thu (đóng theo Nghị định 67-CP) cũng mắc không ít lỗi khi ra khơi. Tàu này do Cty TNHH MTV Hải Sơn (thuộc Tổng công ty Sông Thu) đóng. Hai chuyến đầu (chạy thử nghiệm) khi thả lưới thì chì không đủ nặng, phía Cty đã khắc phục. Đi chuyến thứ 3 thì lãi được khoảng 50 triệu đồng nhưng cũng xuất hiện một số hỏng hóc nhỏ nên chủ tàu tự khắc phục. Đến chuyến thứ tư thì phải quay vào bờ vì hệ thống tời cẩu gặp vấn đề, khi chưa đủ với công suất của tàu nên kéo lưới bị kẹt, rách lưới. “Tời cẩu này trước của tàu cá nhỏ hơn, lắp vào không phù hợp, thị trường cũng không có nên bị trục trặc khi đánh bắt”, anh Thu nói.

Anh Thu chia sẻ thêm: “Tàu tôi đóng theo Nghị định 67-CP và nhờ đơn vị khác chọn mẫu thiết kế. Đúng ra tôi đóng tàu lưới rê công suất chỉ 650CV nhưng không được hỗ trợ nhiều, nên tôi đã đề nghị chỉnh lên 800 CV, từ 2 lên 3 khoang chứa cá. Mẫu tôn thép tôi chọn cũng là loại của Trung Quốc, vài chuyến đầu chưa biết sao, còn sau này không biết có ảnh hưởng gì không”. “Mặc dù vậy, tôi thấy thiết kế có một số bất cập, cụ thể là trong khoang cá có ứ nước nhất định, thỉnh thoảng phải cho máy nghỉ để hạn chế tình trạng trên”, anh Thu nêu.

Đại tá Trần Hữu Xiết, Phó Giám đốc Cty Hải Sơn cho biết, tàu cá anh Thu là tàu vỏ thép đầu tiên Cty đóng. Tuy đã đóng theo đúng thiết kế, nhưng phía Cty cũng nhận thấy một số lỗi và đã khắc phục. Tuy nhiên, do hệ thống tời cẩu (anh Thu mua) không đáp ứng công suất của tàu nên chúng tôi tạm thời khắc phục bằng cách bơm hệ thống thủy lực để ra khơi. “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để tham vấn cho anh Thu mua loại tời cẩu tốt hơn, tương đồng với công suất của tàu. Từ thực tế đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đã cho ra đời một số tàu cá vỏ thép ổn định, hoạt động tốt hơn”, Đại tá Xiết nói.

Tàu Sang Fish 01 mắc lỗi kỹ thuật, hư hỏng nhiều nên đã nằm bờ hơn 5 tháng.

Giải pháp “3 bên”…

Ngư dân Lê Văn Sang cho rằng, tuy tàu vỏ thép Sang Fish 01 chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng qua đó tôi cũng rút ra nhiều bài học, thậm chí nhiều công ty đóng tàu và đồng nghiệp khác cũng đến liên hệ với tôi để cùng “tìm giải pháp, rút kinh nghiệm”. Theo anh Sang, để hạn chế tàu rung lắc thì cần điều chỉnh một số hạng mục trên thân tàu, thiết kế mặt boong phù hợp với nghề khai thác, lắp máy chính phải là máy mới, bố trí hệ thống tời cẩu phù hợp với ngư lưới cụ...

Còn ông Lý Tiết Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty đóng tàu Bảo Duy (đóng tại Đà Nẵng) thì cho rằng, để đóng được tàu cá vỏ thép không mắc lỗi thì trước hết, thiết kế phải chuẩn và phải phù hợp với tập quán, thói quen và kinh nghiệm của ngư dân.

Ông Dũng cho rằng, tàu cá vỏ thép quan trọng nhất là vỏ tàu nên phải là loại tôn thép tốt nhất, đủ tiêu chuẩn quốc tế (tâm lý một số ngư dân tiết kiệm chọn tôn thép loại vừa phải nên hiệu quả không cao - PV). Khi đặt hàng phải giám sát chặt chẽ, lấy tôn thép về nghi ngờ thì cần phải giám định thông số kỹ thuật. Bên cạnh đó nên mua máy mới đúng công suất thiết kế, nếu mua máy cũ thì phải trên 80% nhưng phải có nghề để kiểm chứng chất lượng máy; trang thiết bị hỗ trợ việc đánh bắt như tời cẩu, lưới, máy dò cá... phải hiện đại, tương đồng thì việc đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Hồ Văn Tý, Giám đốc Cty Cổ phần Kỹ thuật biển S-Tech chia sẻ: “Để giảm lắc thì phải dựa vào tính năng hoạt động của tàu. Ngoài ra, hệ thống tời cẩu phải xác định đúng công suất, tải trọng của tàu, kết cấu phải vững, độ bền đảm bảo. Tời cẩu phải mua mới, còn cũ thì cũng phải trên 80% nhưng phải có kinh nghiệm để xác định mức độ. Hiện tời cẩu cho tàu cá vỏ thép phải nhập từ nước ngoài về, như Hàn Quốc, Đức, Ý...”.

Ngoài ra, theo quan điểm của các nhà sản xuất, khi đóng tàu cá vỏ thép thì các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để triển khai. Theo đó, sau khi chọn được mẫu tàu, thì ngư dân sẽ cùng tham gia để trao đổi, thống nhất việc lắp đặt những thiết bị phù hợp với thiết kế, với kinh nghiệm thực tiễn của họ; đồng thời cơ quan chức năng cũng cần giám sát, kiểm định chặt chẽ để cho ra những con tàu tốt nhất.

D.N.Hưng