Báo Công An Đà Nẵng

Tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng

Thứ năm, 10/10/2019 16:17

Ngày 9-10, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn. Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Đắk Nông cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 255.000 ha rừng, tỉ lệ che phủ đạt hơn 39%. Tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng gần đây có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2017 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, Đắk Nông xảy ra hơn 2.700 vụ vi phạm liên quan quản lý, bảo vệ rừng, trong đó gần 1.400 vụ phá rừng. Tổng diện tích rừng thiệt hại gần 550 ha. Đắk G’Long, Đắk Song là 2 huyện xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng nhiều nhất. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Đắk Nông là địa phương dẫn đầu cả nước về số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng với 265 vụ vi phạm, thiệt hại 66 ha.

Hiện nay, các điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Đắk Nông gồm: Rừng thông phòng hộ cảnh quan dọc Quốc lộ 28, đoạn qua 2 xã Đắk Ha, Quảng Sơn (H. Đắk G’Long), nhất là lâm phần được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nguyên Vũ quản lý; rừng thông phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua 2 xã Nâm N’Jang, Trường Xuân (H. Đắk Song); lâm phần được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đắk N’Tao (xã Nâm N’Jang, H. Đắk Song) và xã Quảng Sơn (H. Đắk G’Long); lâm phần được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đức Hòa (H. Đắk Song); một số diện tích rừng tại các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức được giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý…

Tại hội nghị, các đại biểu nhìn nhận, chỉ ra nhiều vấn đề mang tính chủ quan dẫn tới tình trạng mất rừng. Chẳng hạn như việc bàn giao rừng không tiến hành trên thực địa, dẫn tới nhiều đơn vị chủ rừng không xác định được chính xác ranh giới, diện tích để quản lý, bảo vệ; nhiều chủ rừng không đủ năng lực để triển khai dự án nông lâm nghiệp, vẫn được giao rừng với diện tích lớn nên không thể đủ lực lượng, kinh nghiệm, năng lực để quản lý; diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý rất lớn (gần 45.000 ha) nhưng chưa được bàn giao cụ thể, UBND xã vừa thiếu kinh phí, lực lượng nên quản lý kém hiệu quả; nhiều diện tích rừng nhỏ lẻ, manh mún trong đất đai, nương rẫy của dân nên khó quản lý, bảo vệ…

Các đại biểu cũng chỉ rõ một số nguyên nhân khách quan, như một số đối tượng phá rừng lợi dụng các “kẽ hở” của luật pháp về diện tích, chủng loại rừng để phá rừng, lấn đất rừng, ngành chức năng không xử lý hình sự được; quy hoạch ba loại rừng của tỉnh chưa “sát” thực tế; khó khăn trong việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội…

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Từ tháng 9-2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã khởi tố 138 vụ với 250 bị can vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Việc xử lý hình sự các hành vi hủy hoại rừng, chống người thi hành công vụ liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng đã có tác dụng răn đe, giáo dục và nâng cao rõ rệt hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cũng theo Công an tỉnh Đắk Nông, việc xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng cần được thực hiện trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm minh.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh, quy hoạch rừng phù hợp hơn với thực tế địa phương. Việc bàn giao rừng cần được thực hiện cụ thể, chi tiết về diện tích, chủng loại, thực trạng… để có căn cứ rõ ràng, đủ cơ sở pháp lý khi xảy ra tình trạng tàn phá, lấn chiếm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo chỉ đạo. UBND tỉnh cũng sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết một số khó khăn mang tính chất vĩ mô hiện nay. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, trước mắt, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân; đồng thời tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng; giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các ngành chức năng liên quan rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng; giao các ngành chức năng thu hồi diện tích đất rừng của các doanh nghiệp đã giải thể, bàn giao cho chủ rừng mới hoặc cắm mốc giới, ranh giới rõ ràng để quản lý, bảo vệ.

HƯNG THỊNH