Tìm giải pháp ngoại giao cho Azerbaijan-Armenia
(Cadn.com.vn) - Các cuộc thảo luận nhằm tìm cách chấm dứt bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh đã bắt đầu tại Vienna, Áo hôm 5-4. Đây là bước đi cấp thiết sau khi Armenia và Azerbaijan báo cáo tổng cộng 46 người đã thiệt mạng qua 3 ngày giao tranh đẫm máu.
Lực lượng quân đội tự vệ của Nagorno-Karabakh bắn đạn pháo về phía Azerbaijan. Ảnh: AFP |
Đại diện các nước dẫn đầu nhóm Minsk, gồm Nga, Mỹ và Pháp đã có mặt tại Vienna tham gia cuộc đàm phán khẩn cấp này, với nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đẫm máu Armenia-Azerbaijan, bùng phát hôm 2-4. Sau cuộc họp này, cả ba cường quốc này sẽ cử phái viên đến Armenia, Azerbaijan và khu vực Nagorny-Karabakh.
Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh cả hai đều báo cáo con số thương vong lớn. Số người chết hiện tăng lên 46 sau khi Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, 5 “tình nguyện viên” của nước này đã thiệt mạng khi chiếc xe chở họ bị bắn trúng. Chính quyền Cộng hòa Nagorny-Karabakh (NKR) tự xưng cho biết, 3 dân thường và 2 binh sĩ đã thiệt mạng trong các vụ pháo kích dữ dội từ Baku. Trong khi đó, Azerbaijan cũng mất 16 binh sĩ trong đó có 3 người thiệt mạng trong đêm xung đột 4-4.
Trong ngày 5-4, giao tranh tại Nagorny-Karabakh vẫn tiếp diễn bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi hai nước láng giềng này ngừng chiến. Trong đó, Armenia thậm chí cho biết, lần đầu tiên kể từ khi giao tranh bùng nổ, Azerbaijan sử dụng hệ thống rocket đa nòng Smerch. Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng NKR tự xưng cũng cho biết, Azerbaijan liên tục gia tăng cỡ nòng vũ khí sử dụng để tấn công.
Theo các nguồn tin, Bộ Quốc phòng NKR tuyên bố đang thực thi một lệnh ngừng bắn, nhưng chưa rõ hiện chiến sự như thế nào. Thực tế là chỉ mới trước đó vài giờ, Bộ Quốc phòng Azerbaijan ra lệnh cho quân đội chuẩn bị pháo kích thủ phủ Stepanakert của Nagorny-Karabakh nếu Armenia không ngừng các cuộc tấn công. Đáp trả, NKR thề sẽ “đáp trả tương xứng” nếu Azerbaijan tấn công Stepanakert.
Nagorny-Karabakh là khu vực của Azerbaijan nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng sắc tộc Armenia và quân đội Armenia. Cả hai quốc gia láng giềng này từng xảy ra chiến tranh đẫm máu trước khi đình chiến bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gia vào năm 1994. Giới phân tích cho rằng, đối với Moscow, xung đột ở Nagorny-Karabakh sẽ đe dọa sự ổn định của khu vực Caucasus chiến lược của Nga – nơi vốn là một tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt qua Caspian đến các thị trường Châu Âu.
Vì vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục kêu gọi Yerevan và Baku ngừng bắn. Vào ngày 7-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ đến Baku trong khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ có mặt tại Yerevan nhằm làm trung gian hòa giải cho hai bên. Mỹ cũng có động thái tương tự. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại khi đổ thêm dầu vào chảo lửa này. Trong tuyên bố đưa ra hôm 5-4, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu lên án cái mà ông gọi là “các cuộc tấn công của Armenia” đồng thời khẳng định Ankara sẽ tiếp tục đứng về phía Baku.
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan thậm chí còn dự đoán, đồng minh Azerbaijan “một ngày nào đó” sẽ giành lại quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh. “Chúng ta luôn kề vai sát cánh với những người anh em Azerbaijan... Một ngày nào đó, Nagorny-Karabakh sẽ trở về với chủ sở hữu ban đầu, đó là Azerbaijan”, ông Erdogan tuyên bố.
Sở dĩ Ankara có động thái này do họ có quan hệ mật thiết về văn hóa và ngôn ngữ với Baku trong khi không có quan hệ ngoại giao với Yerevan vì tranh cãi liên quan đến vụ thảm sát hàng loạt người Amernia thời Đế chế Ottoman mà Yerevan xem là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, quan điểm khá cực đoan của Ankara xem ra chỉ càng đẩy hai bên vào cuộc xung đột không lối thoát.
Khả Anh