Báo Công An Đà Nẵng

Tìm giải pháp phục hồi kinh tế bền vững hơn

Thứ ba, 12/07/2022 11:19
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo thống nhất các nội dung trình kỳ họp thứ 7. Kinh tế Đà Nẵng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương mại, dịch vụ.

Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh và nhiều triển vọng với GRDP 6 tháng qua tăng 7,23% so với cùng kỳ. Đặc biệt, so với 6 tháng 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19) thì GRDP đã tăng với tỷ lệ 7,92% và với giá trị là 6.490 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 6 tháng qua đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 68% dự toán. Mặc dù vậy, theo Ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP, kinh tế Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, cần đánh giá, phân tích kỹ để có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, GRDP Đà Nẵng tuy đạt khá, nhưng xếp vị trí chưa cao, quy mô còn nhỏ, đứng thứ 28/63 địa phương. Trong mức tăng trưởng GRDP 7,23% khu vực dịch vụ có tỷ trọng đóng góp cao đến 90%. Công nghiệp - Xây dựng đóng góp không nhiều, chỉ 6,7% tăng trưởng. Nhờ khả năng phục hồi nhanh và những nền tảng hạ tầng sẵn có nên tỷ trọng ngành dịch vụ vượt lên chiếm 67,44% trong khi tỷ trọng công nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Mục tiêu hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững, giảm tính dễ bị tổn thương cho nền kinh tế, cơ cấu kinh tế TP đến năm 2030 đang được đề xuất chuyển dịch với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng khoảng 30%. Vì vậy TP cần triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp đặt ra cho phát triển ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hình thành các khu, cụm công nghiệp; khơi thông các dự án đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên tới hết tháng 6, Đà Nẵng mới giải ngân được 1.885 tỷ đồng, bằng gần 24% kế hoạch do HĐND TP giao. Hiện việc giải ngân vốn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt; xử lý các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu; sử dụng hiệu quả quỹ đất tái định cư hiện có. Bên cạnh đó, tình trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho thấy một số vấn đề còn tồn tại như chất lượng công tác tư vấn, thẩm định về nguồn vốn chưa sát thực tế; việc chậm trễ phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các công trình nhỏ về cho các quận, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình dân sinh tại các địa phương...

Ban Kinh tế -Ngân sách cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 còn chậm, đối tượng thụ hưởng chưa nhiều. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Khu vực kinh tế tập thể chưa nhận được sự quan tâm một cách đầy đủ về cơ chế, chính sách, hầu hết hợp tác xã nông nghiệp hoạt động cầm chừng, chưa phát triển theo đúng mô hình hợp tác xã kiểu mới, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Việc bổ sung, xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa còn chậm, chưa khơi thông được nguồn lực trong xã hội đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa..., nhất là trong thời điểm TP đang rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư công. Hiện doanh nghiệp vẫn khó khăn rất lớn về vấn đề chi phí đầu vào (xăng dầu, cước vận tải, logistics, giá nguyên phụ liệu...) do tác động của dịch COVID-19 và xung đột giữa các nước trên thế giới; ngành xây dựng tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, tạo áp lực cho các chủ đầu tư và nhà thầu.

Đà Nẵng xác định kinh tế số là một trong 3 trụ cột phát triển, tuy nhiên nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; nguồn lực triển khai chuyển đổi số còn hạn chế và lúng túng chưa có hướng dẫn thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng cơ sở dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số, tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn nằm rời rạc ở các sở ngành mà chưa có tính kết nối và chia sẻ. Chưa quan tâm đúng mức cho việc phát triển các dữ liệu nguồn.

Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, Ban Kinh tế- Ngân sách nhìn nhận, hiện nay việc sử dụng nhà, đất công sản tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp (tổng số các cơ sở nhà, đất công trên địa bàn là 1.644 cơ sở.); nhiều dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa chưa đưa đất vào sử dụng; nhiều dự án đầu tư nhiều năm nhưng chậm bàn giao cho địa phương quản lý, dẫn đến bất cập trong công tác duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh… Việc định giá đất tăng cao đột ngột trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của người dân khi tính thuế ở chu kỳ mới.

Có thể thấy, dù kinh tế TP có dấu hiệu phục hồi tốt sau đại dịch, tuy vậy vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Khắc phục những tồn tại thế nào để đưa kinh tế TP phát triển bền vững hơn trong thời gian tới sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra giải pháp trong kỳ họp này.

Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra từ ngày 12 đến 14-7, HĐND sẽ trình bày kết quả giám sát chuyên đề về công tác triển khai Đồ án qui hoạch chung TP đến năm 2030 tầm nhìn 2045; kết quả giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng; kết quả giám sát thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP Đà Nẵng. Kỳ họp cũng dành thời gian chất vấn, trả lời chất vấn các nội dung nổi cộm trên địa bàn được cử tri quan tâm; thông qua nhiều tờ trình, Nghị quyết quan trọng với sự phát triển TP.

HẢI QUỲNH