Tìm hướng bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi
Dù đại biểu đến dự không đông, nhưng những gì mà các diễn giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà quản lý trình bày, đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi TP Đà Nẵng” do Sở VH&TT và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức sáng 21-11 cho thấy sự đau đáu, trăn trở đầy trách nhiệm, nhiệt huyết của những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đối với loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Các nghệ sĩ biểu diễn hô/hát bài chòi tại Lễ hội đình làng Túy Loan. |
Từ thực trạng
Với tư cách đồng chủ trì tọa đàm, theo bà Ngô Thị Bích Vân- Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, bài chòi là một loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, đầy ngẫu hứng, đầy trí tuệ của quần chúng nhân dân Trung Bộ nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Qua khảo sát, hiện trên địa bàn TP có 10 nhóm/đội, CLB bài chòi, chủ yếu tập trung ở Q.Sơn Trà, Liên Chiểu, H. Hòa Vang. Trong đó, có 7 nhóm thành lập tự phát, không có sự hỗ trợ của bất cứ đơn vị nào và 3 CLB có sự đỡ đầu, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Số người tham gia vào các CLB đội nhóm và biết hô/hát bài chòi trên địa bàn TP khoảng 200 người. Trong đó, có khoảng 36 nghệ nhân làm anh Hiệu trong các hội chơi bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 6 người biết đàn bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy...
Cũng theo bà Bích Vân, mặc dù khá phổ biến song trong đời sống hiện nay, loại hình nghệ thuật truyền thống này đang có nguy cơ bị lãng quên, mai một. Trước thực tế đó, nhiều năm gần đây, cùng với sự quan tâm của chính quyền TP, sự đồng lòng, chung sức, tận tâm yêu nghề của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật Bài Chòi tại TP mang một sức sống mới, có sức lan tỏa. Đồng quan điểm này, Ths Đặng Thị Kim Thoa (Khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng đã làm khá tốt việc đưa loại hình nghệ thuật này xuống phố, gây được sự chú ý đối với khách du lịch. Mặc khác, các học giả, nghệ nhân cũng đưa ra được nhiều công trình nghiên cứu nhằm phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật này.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và bùng nổ công nghệ thông tin, giới trẻ ngày nay có quá nhiều hình thức giải trí khác. Vì vậy, bài chòi cũng như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác đang đứng trước những thách thức lớn. Theo đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài Chòi hiện nay, theo bà Bích Vân, cái khó nhất là tìm ra được “giải pháp nhằm khơi dậy tình yêu, trách nhiệm của giới trẻ đối với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này”.
Đến giải pháp
Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Bài Chòi trong đời sống đương đại, Ths Kim Thoa đề xuất, cần gắn loại hình này với hoạt động du lịch. Đồng thời, đưa Bài Chòi gắn với hoạt động đào tạo nhân lực phục vụ cho Du lịch, lồng ghép vào các chương trình du lịch. Trong công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho du lịch, Ths Kim Thoa nhấn mạnh: “Điều cần thiết là làm sao để cho những người đã, đang và chuẩn bị làm việc trong lĩnh vực này hiểu rõ và phát huy vai trò của họ trong việc bảo tồn, phổ biến rộng rãi loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Để làm được điều đó, các nhà GD-ĐT cung ứng nguồn nhân lực cho du lịch nên lồng ghép nội dung loại hình nghệ thuật này vào trong nghiên cứu khoa học hoặc trong môn học có liên quan đến văn hóa, sản phẩm du lịch, phát triển du lịch bền vững…để giảng dạy cho SV, HS trong các trường”.
Là một trong những nhạc sĩ luôn đau đáu với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, theo nhạc sĩ Trần Hồng, quá trình gìn giữ, bảo tồn, cần chú trọng đến việc truyền dạy, nhân rộng và phổ cập nghệ thuật bài chòi trong cộng đồng. “Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao nên tổ chức liên hoan nghệ thuật hô/ hát bài chòi ở các cấp phổ thông và tổ chức Liên hoan riêng các trường CĐ, ĐH ở Đà Nẵng. Riêng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng phải dành riêng một khoa học dân ca và bài chòi, có tiết học chính thức trong thời khóa biểu từng niên học, có thi cộng điểm từng SV”- nhạc sĩ Trần Hồng bày tỏ quan điểm. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh TP Cao Tấn Ngọc có ý kiến, nên “mở lớp bồi dưỡng dành cho các giáo viên mầm non và tiểu học để họ truyền dạy lại cho các em HS, tạo nguồn cho tương lai. Tổ chức liên hoan hoặc hội thi chúng em hát hô bài chòi hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy không gian diễn xướng ở diện rộng”. Còn theo ông Trần Nhật Bằng, để hô/hát đúng, hay Bài chòi không hề đơn giản. Vì thế, gìn giữ và bảo tồn cần phải đào tạo đội ngũ kế cận. Muốn vậy, phải “quanh năm tập huấn, bốn mùa dự thi”. Việc xã hội hóa để gìn giữ, phát triển loại hình này là hướng đi tất yếu trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, ông Nhật Bằng lưu tâm cần tính toán thế nào đó để đừng thương mại hóa loại hình nghệ thuật dân gian quý báu này.
Nhiều diễn giả và các đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách đãi ngộ với đội ngũ nghệ nhân hô/hát bài chòi cũng như đội ngũ tác giả sáng tác lời mới cho bài chòi. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Mai cho hay, số lượng người sáng tác lời cho bài chòi hiện rất ít, những người am hiểu về nghệ thuật bài chòi trên địa bàn TP tuổi đều đã cao. “Vì vậy để làm phong phú thêm cho lời hô/hát bài chòi phục vụ các CLB, đội/nhóm thực hành việc hô/hát bài chòi trên địa bàn TP, ngành Văn hóa cần có kế hoạch Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho bài chòi và các vở kịch bài chòi theo có chủ đề gắn với các Chủ trương, chương trình của TP... nhằm góp phần thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, vừa thực hiện tốt công tác cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Nhà nước cũng như của TP, vừa đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”- Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Mai chia sẻ. NSƯT Nguyễn Thanh Tùng đề nghị, phải tôn vinh các nghệ nhân và trong đào tạo cần chú ý đào tạo đội ngũ nhạc công bởi hiện nay nhạc công ở loại hình nghệ thuật này rất ít nếu không muốn nói là hiếm. Đặc biệt là cần phải có kinh phí trong tổ chức hoạt động cũng như trong công tác bảo tồn, gìn giữ. Ông Thi Phước Lý cho rằng, cần thành lập Ban chuyên trách để có trách nhiệm sưu tầm, ghi lại những lời hô/hát bài chòi cũ, phục dựng và xây dựng lời mới hay thu hút, lôi cuốn được quần chúng...
Với tư cách đồng chủ trì tọa đàm, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng-Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP, đánh giá cao tham luận của các diễn giả cũng như các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm. Theo ông Bùi Văn Tiếng, 5 diễn giả trình bày tham luận đều đề cập vấn đề bảo tồn di sản bài chòi thông qua hoạt động truyền dạy, với nhiều ý tưởng rất mới mẻ. Đặc biệt, ở phần thảo luận, bên cạnh các ý kiến đồng thuận, một số ý kiến cũng đã phản biện hoặc bổ sung cho các nội dung nêu trong từng tham luận. Ông đồng tình với ý kiến của tác giả Cao Tấn Ngọc khi cho rằng, bảo tồn không gian diễn xướng ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp mà còn hiểu theo nghĩa rộng, tức phải làm sao cho làn điệu bài chòi thực sự ngân vang trong không gian tâm thức của người Đà Nẵng chứ không chỉ ngân vang tại địa điểm diễn xướng cụ thể của không gian sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời đề nghị ngành văn hóa TP nghiêm túc tiếp thu, nỗ lực tham mưu để những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị đầy tâm huyết và chuyên nghiệp tại buổi tọa đàm này sớm thành hiện thực; để Đà Nẵng có thể tự hào đã cùng với các tỉnh Trung Bộ tích cực góp phần vào công cuộc bảo tồn một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
P.THỦY (ghi)