Tìm hướng đi mới cho làng nghề đúc đồng Phước Kiều
(Cadn.com.vn) - Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, H.Điện Bàn, Quảng Nam) vốn nổi tiếng với lịch sử tồn tại và phát triển gần 400 năm. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy làng nghề này đang có dấu hiệu mai một dần và làm thế nào để khôi phục đó vẫn là câu hỏi còn nhiều bỏ ngỏ.
Quá khứ một làng nghề
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Dương Ngọc Sang, người đã gắn bó với nghề này hơn 60 năm. Ông Sang cho biết nghề đúc đồng ở đây đã có lịch sử tồn tại gần 400 năm, sơ khai từ thời ông tổ di cư từ Thanh Hóa vào, một nghề truyền thống theo kiểu “cha truyền con nối” đến đời của ông đã là thứ 22. Với những sản phẩm đặc trưng và truyền thống là Cồng và Chiêng, Phước Kiều là địa điểm tìm về quen thuộc của đồng bào dân tộc từ khắp các khu vực miền Trung, Tây Nguyên... Ở Phước Kiều có một đặc điểm nổi bậc mà các làng nghề đúc đồng khác không có đó là khả năng đúc ra những chiếc Cồng và Chiêng với độ tinh xảo và chính xác về âm thanh chất lượng bậc nhất.
Ông Sang chia sẻ: “Trên thực tế làng Phước Kiều hiện nay không còn giữ được bản sắc như xưa nữa, sản phẩm đặc trưng của Phước Kiều là cồng và chiêng đang ngày càng mai một dần, sản phẩm mang lại thương hiệu cho làng nghề này hiện nay không còn giữ được vị trí của mình. Trước đây làng có từ 25 đến 30 hộ làm hai sản phẩm này nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 4 đến 5 nhà làm được”. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường tiêu thụ hai mặt hàng cồng, chiêng đang ngày càng ít dần, những sản phẩm từ đồng hiện nay đang chạy theo những giá trị về kinh tế, nhiều người vì những lý do khác nhau đã không còn giữ được niềm đam mê với nghề truyền thống này.
Một cửa hàng kinh doanh đồ đồng. |
Theo quan sát, đồ đồng được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng trong khu vực xã Điện Phương cũng như những xã lân cận. Trong đó không chỉ có cồng, chiêng mà còn có rất nhiều những mặt hàng khác. Nhưng hầu hết những cửa hàng này chỉ hoạt động theo hướng kinh doanh chứ không có hiểu biết nhiều về những giá trị cũng như xuất xứ của sản phẩm mình đang bán. Cái khó của làng đúc đồng Phước Kiều đã và đang gặp phải là thực trạng không có đầu ra cho những sản phẩm chủ đạo như cồng, chiêng. Vì vậy những sản phẩm này chỉ được đem đối lưu với những sản phẩm khác có khả năng tiêu thụ cao trên các địa bàn khác để thuận tiện cho việc buôn bán và cũng là để duy trì kinh tế cho những cơ sở sản xuất tại địa phương.
Ông Trần Văn Thạnh, một người cũng gắn bó khá lâu với nghề đúc đồng không giấu được nỗi niềm: “So với trước đây, nghề đúc đồng Phước Kiều đang đối diện với nhiều khó khăn mà rõ nhất là về đầu ra cũng như nhân công biết làm nghề này”. Vậy, điểm chung của sự khó khăn là nguồn tiêu thụ, vốn đầu tư và nhân công chất lượng cao.
Nghệ nhân Dương Ngọc Sang trăn trở với sự xuống cấp của làng nghề. |
Hướng đi nào cho làng nghề ?
Để có cái nhìn cụ thể và khách quan hơn, chúng tôi tìm đến nghệ nhân Dương Ngọc Thắng–Bàn Tay Vàng Việt Nam 2012, Ủy viên BCH Hội Làng nghề VN. Ông Thắng cho biết: “Nhìn chung, làng đúc đồng Phước Kiều cũng có rất nhiều mặt thuận lợi so với trước đây, ví dụ như công nghệ, sản phẩm đa dạng... Nhưng cùng với đó là chi phí để làm ra sản phẩm cao hơn trong khi nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm lại hạn chế rất nhiều”. Trao đổi với ông Phạm Đức Nhẹ-Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao H. Điện Bàn, được biết, cấp chính quyền đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng nhà thờ để trưng bày các sản phẩm đúc đồng đặc trưng nhằm phục vụ khách tham quan. Địa phương cũng đang chú trọng việc kéo con em đi làm xa về nhằm phục vụ cho nguồn nhân lực trong tương lai. Và bước đầu đã đạt được những dấu hiệu tích cực, so với các năm trước có đến khoảng 70% đi làm xa còn bây giờ ước chừng còn 30%.
Đề cập đến chuyện vốn và đầu ra, ông Nhẹ cũng khẳng định: “Huyện Điện Bàn cũng đã triển khai rất nhiều đề án cụ thể và chi tiết rất rõ ràng ở từng giai đoạn, cụ thể như Đề án phát triển du lịch H. Điện Bàn từ năm 2005-2011, 2011-2015... đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt để triển khai trong thời gian tới. Trong các đề án này, huyện đặc biệt chú trọng đến làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Đồng thời chú trọng việc phát huy nhà trưng bày sản phẩm làng đúc Phước Kiều với nhiều hoạt động nhằm thu hút khách tham quan và mua sắm hàng lưu niệm, tổ chức xây dựng đội múa cồng chiêng để phục vụ tại chỗ.
Nhưng cũng theo ông Nhẹ, làng Phước Kiều vẫn còn phải đối mặt rất nhiều khó khăn mà chính quyền đang cố gắng khắc phục. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Sang “Cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án càng sớm càng tốt đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì sẽ không kịp. Với đặc trưng “cha truyền con nối” qua nhiều đời kế tiếp nên đòi hỏi phải khuyến khích con em của các gia đình gắn bó với nghề lâu năm ở lại làng để truyền nghề nhằm tiện phát triển”. Và để có được điều đó cần phải có sự phối hợp giữa cấp chính quyền, nghệ nhân lâu năm và người dân lại với nhau để có được sự thống nhất, đồng lòng cao nhất. Từ đó, đưa làng nghề Phước Kiều trở lại đúng với thương hiệu nổi tiếng vốn có của nó.
Tấn Việt