Báo Công An Đà Nẵng

Tìm hướng đột phá cho Khu CNC Đà Nẵng

Thứ sáu, 04/08/2017 09:28

Sau 7 năm thành lập, Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng vẫn chưa được định hình rõ nét chiến lược, lộ trình phát triển hiệu quả. Nói như Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để phát triển Khu CNC Đà Nẵng theo đúng định hướng Khu CNC đa chức năng thì ngoài việc tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở đồng bộ, cần phải xây dựng luận cứ khoa học làm nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

Trên cơ sở đó, ngày 3-8, TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc gia về định hướng phát triển Khu CNC Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng trong nước.

Một góc Khu CNC Đà Nẵng. 

Mở nhưng chưa rộng

Năm 2010 Khu CNC Đà Nẵng được thành lập,  là Khu CNC đa chức năng cấp quốc gia thứ 3 của cả nước và đầu tiên ở miền Trung, xây dựng trên diện tích hơn 1,1 ngàn ha, tổng vốn dự kiến 419 triệu USD, hoàn thành vào năm 2020. Qua 7 năm, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút được 7 dự án với tổng vốn hơn 157 triệu USD, trong đó có 2 dự án FDI sản xuất công nghệ cao 100% vốn Nhật Bản. Hiện nay Khu CNC Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình tiếp tục đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, quan điểm phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn... Theo các chuyên gia, phát triển Khu CNC Đà Nẵng phải dựa trên sự liên kết của 3 cột trụ là nghiên cứu và triển khai CNC, đào tạo nhân lực CNC, doanh nghiệp CNC. Nếu không tạo ra được sự liên kết đó thì Khu CNC Đà Nẵng thực chất chỉ là một KCN thông thường, cho thuê đất và thu thuế.

Tuy nhiên, thực trạng khó khăn hiện nay của khu CNC Đà Nẵng không chỉ là nguồn lực đầu tư, thu hút nhà đầu tư mà ngay cả mô hình, lộ trình cũng chưa rõ ràng. Thời gian qua nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng Khu CNC Đà Nẵng phân bổ thấp hơn kế hoạch đề ra. Vì thế, theo ThS Nguyễn Phương Hoa - Đại học Văn hóa Hà Nội, thì khu CNC Đà Nẵng cần khuyến khích các nguồn tài chính ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng. Cụ thể  xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng như khu nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp; công trình dịch vụ, tiện ích công cộng; các cơ sở giáo dục- đào tạo, dạy nghề... Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, theo TS Phạm Xuân Đại - Tổng giám đốc Cty CP tập đoàn Minh Dương, trước hết cần phải  thu hút các Tổ chức nghiên cứu, Trường đại học tham gia vào Khu CNC nhằm tạo ra sức hấp dẫn về công nghệ cho các DN. Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách khuyến khích tài chính (thuế, trợ cấp, hỗ trợ ban đầu) cho các doanh nghiệp. Áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp CNC lớn, có nhiều danh tiếng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng. Đặc biệt, phải có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu, tính chất hoạt động và năng lực tài chính khác nhau của các DN.

Được hình thành sau hai Khu CNC quốc gia còn lại, vì thế khu CNC Đà Nẵng cần một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội hơn để đẩy mạnh sự phát triển, theo kịp các Khu CNC đi trước. Bởi thực tế hiện nay, các cơ chế chính sách với Khu CNC Đà Nẵng chủ yếu là các quy định thuộc thẩm quyền TP, về miễn giảm tiền thuê hạ tầng. Trong thực tế, chính sách về tiền thuê hạ tầng cao hơn so với Khu CNC Hòa Lạc, còn chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực lại thấp hơn Khu CNC TPHCM. Để tìm ra hướng mở đột phá cho Khu CNC Đà Nẵng, TS Nguyễn Minh Ngọc – quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, Chính phủ và Đà Nẵng cần có chính sách hấp dẫn hơn để thu hút các viện, trường, nhà nghiên cứu giỏi về Khu CNC Đà Nẵng. Cụ thể như vận động thành lập hoặc di chuyển các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hàng đầu vào Khu CNC Đà Nẵng. Khuyến khích và hỗ trợ các Trường đại học ở Vùng thiết lập các cơ sở nghiên cứu, ươm tạo tại Khu CNC Đà Nẵng. 

Nhà máy Tokyo Keiki trong Khu CNC Đà Nẵng.

Tầm nhìn 2030

Đề xuất quan điểm phát triển Khu CNC Đà Nẵng tầm nhìn đến năm 2030, TS Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng, phải phát triển Khu CNC Đà Nẵng thành khu đô thị phức hợp, không chỉ bao gồm các hoạt động sản xuất mà phải bao gồm các hoạt động nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp, đào tạo thậm chí trở thành khu đô thị sinh thái kết hợp phát triển du lịch. Không gian Khu CNC Đà Nẵng phải gắn với việc trở thành một không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà khoa học công nghệ, các chuyên gia về quản lý, đầu tư tại miền Trung và cả những người nhập cư đến từ Hà Nội, TPHCM, nước ngoài. Trong điều kiện như vậy, Đà Nẵng sẽ có cơ hội để hợp tác, liên kết tốt hơn với các khu CNC khác trong và ngoài khu vực  theo hướng trao đổi chuyên gia, chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật dùng chung.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng, phải xác định được nhà đầu tư chiến lược cho Khu CNC Đà Nẵng làm đầu tàu cho sự phát triển và lôi kéo các DN khác. Nếu có nhà đầu tư chiến lược họ sẽ kéo theo hàng loạt các kết quả tích cực khác đặc biệt là nhiều nhân tài sẽ xuất hiện và các nhà đầu tư khác sẽ tiếp tục đến và đầu tư tại Đà Nẵng. Vì thế, TP cần lựa chọn một số hãng công nghệ cao quốc tế lớn hoặc một khu CNC đã thành công ở nước ngoài làm đối tác chiến lược ngay từ khi thiết kế, quy hoạch và xây dựng không gian công nghệ, để họ có thể tham gia ý kiến vào toàn bộ quá trình phát triển của khu, thỏa mãn những nguyện vọng của họ.

Ở một khía cạnh khác, theo TS Phạm Văn Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng, cần xây dựng lộ trình phát triển cụ thể đối với Khu CNC Đà Nẵng. Theo đó, giai đoạn đầu tập trung sản xuất và thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp CNC, còn ươm tạo, nghiên cứu và phát triển cũng cần giữ ở một mức độ vừa phải để tạo gia tốc cho quá trình phát triển tiếp theo. Tỷ trọng nghiên cứu và phát triển sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng dần trong những giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, đến năm 2020, cần tập trung phát triển năng lực nghiên cứu và đào tạo trên nền tảng hiện có của một số cơ sở đang tồn tại, với nòng cốt là Đại học Đà Nẵng. Bên cạnh đó có thể bắt đầu việc thu hút, xây dựng một số cơ sở hạ tầng và nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới trong mức độ khả thi, như Đại học Quốc tế mới đang được quy hoạch tại khuôn viên của Khu CNC Đà Nẵng. Đến năm 2025, có thể bắt đầu triển khai việc xây dựng các cơ sở ươm tạo CNC, và doanh nghiệp CNC. Đến năm 2030, có thể mở rộng và hoàn chỉnh các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo CNC và doanh nghiệp CNC.

HẢI QUỲNH