Báo Công An Đà Nẵng

Tìm kiếm nạn nhân các vụ sạt lở núi tại Quảng Nam: Quyết tâm lớn nhất, trách nhiệm cao nhất

Thứ bảy, 31/10/2020 07:05

* Trà Leng: Nhiều đồng bào vẫn còn nằm trong lòng đất lạnh

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở núi vùi lấp nhiều hộ dân tại nóc Ông Đề (xã Trà Leng, H. Nam Trà My) và xã Phước Lộc, H. Phước Sơn (Quảng Nam), vượt qua điều kiện thời tiết khó khăn, lực lượng cứu nạn luôn thể kiện quyết tâm lớn nhất, trách nhiệm cao nhất để đưa thi thể những người bị nạn về với xóm làng, người thân...

Lực lượng cứu hộ cứu nạn nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân khu vực lở núi ở Trà Leng.

Xé lòng người đợi tin người…

Sáng 30-10, cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Nỗ lực tìm kiếm, khoảng 9 giờ cùng ngày thi thể một bé gái được tìm thấy, chưa thể xác định danh tính do thân thể đã bị biến dạng. Lát sau, thi thể của anh Hồ Văn Hùng (1996) được tìm thấy cách thi thể bé gái vài bước chân nhờ ông Hồ Văn Đề (65 tuổi) nhận ra đó là con trai qua bộ quần áo con hay mặc. Trong vụ sạt lở này, ông Đề mất con trai, con dâu và cháu.

Hàng chục người ngồi trên đồi ngóng trông tin tức người thân, gương mặt ai cũng hiện rõ sự mệt mỏi, tiếng khóc tỉ tê làm rừng mưa thêm ảm đạm. Chị Hồ Thị Hoa (20 tuổi) gào khóc khản cả tiếng, gọi cha, mẹ, con trai, 3 đứa em, cô, cậu…. Đứa em trai Hồ Văn Hải học lớp 11/2 Trường THPT Bán Trú Nam Trà My sáng 30-10 cũng đã trở về ngóng tin người thân. Hoa tâm sự, do cuộc sống vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” nên đã ly hôn. một mình nuôi con trai nhỏ đã 4 năm qua. Hoa xuống TP Tam Kỳ học làm tóc được 4 tháng nay, cứ cách 1 tuần về nhà thăm con. Hôm bão đổ bộ, điện thoại hết pin, cúp điện không thể liên lạc về nhà được. Đến sáng ngày 28- 10, sạc pin điện thoại xong đọc tin tức thấy ngôi làng của mình bị đất đá vùi mất, Hoa gọi điện nhưng không ai bắt máy liền chạy về. Đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, cả làng đã bị vùi lấp. Hoa gọi cha, mẹ, con trai, các em… nhưng không ai trả lời…

Em Lê Thanh Tú (17 tuổi) cũng vừa được các giáo viên Trường THPT nội trú Nam Trà My đưa về nhà đợi tin tức của cha mẹ. Tú là con của Bí Thư xã Trà Leng Lê Hoàng Việt bị vùi lấp trong vụ sạt lở. Thầy giáo Hồ Văn Việt ôm chặt cậu học trò động viên, cố gắng vượt qua nỗi đau thương. Anh Việt nói, biết tin dữ, Tú đòi về nhà nhưng nhà trường không cho, sợ đường về còn bị sạt lở nguy hiểm. Sáng nắng ráo, các giáo viên của trường mới đưa 4 em học sinh về nhà. Tú còn người anh trai Lê Quang Nhã (21 tuổi) đang học Đại học ở TPHCM cũng đang trên đường về nhà.

Lê Thanh Tú được động viên, an ủi.

Dốc toàn lực tìm kiếm

Tại hiện trường, hàng trăm CBCS Quân đội, Công an, dân quân và người dân vẫn đang nỗ lực đào từng tấc đất, dỡ từng thanh gỗ, tảng đá để tìm kiếm 14 thi thể nạn nhân xấu số vẫn còn bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Thượng tá Hồ Song Ân- Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cho hay, lãnh đạo CA tỉnh đã huy động gần 200 lượt CBCS CA 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Quân đội tổ chức tìm kiếm các nạn nhân còn lại trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, lực lượng CA cũng đã huy động được nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm. “Các đơn vị CA cần khẩn trương tăng cường thêm lực lượng phối hợp với các lực lượng Quân đội tổ chức tìm kiếm. Phải cố gắng hết mình, sớm tìm được thi thể các nạn nhân vẫn còn đang bị vùi lấp”, Thượng tá Hồ Song Ân chỉ đạo.

Quân khu 5 đã thành lập khu vực chỉ huy, thông tin liên lạc tại hiện trường do Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến- Phó Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy. Thiếu tướng Tiến cho biết, lực lượng vũ trang của Quân khu 5, Ban chỉ huy Quân sự 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My được huy động hơn 500 CBCS tham gia tìm kiếm. Ngoài ra, Quân khu 5 cũng huy động 2 xe cứu thương, 1 xe trực chiến tại hiện trường, xe còn lại trực ngoài sở chỉ huy. Do địa hình không có sóng điện thoại nên đơn vị đã lập 2 trạm phát sóng để truyền thông tin hiện trường về Sở chỉ huy cứu nạn cứu hộ về tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng. Nỗ lực tìm kiếm, đến trưa nay các lực lượng chức năng đã tìm thấy được thêm 2 thi thể nạn nhân. “Quân khu 5 đã tăng cường thêm 4 chó nghiệp vụ. Với lực lượng chiến sĩ dày dạn kinh nhiệm tác chiến, kết hợp sự quyết tâm sớm hoàn thành nhiệm vụ, hy vọng chậm nhất đến ngày mai sẽ tìm thấy được tất cả các thi thể còn lại”, Thiếu tướng Tiến thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, tại điểm sạt lở ở xã Trà Leng đến chiều nay đã tìm thấy 8 thi thể, vẫn còn 14 người dân còn mất tích gồm: Lê Hoàng Việt, Arất Hà, Hồ Arất Thái Hữu, Hồ Thị Thắm, Hồ Quang Tuyền, Hồ thị Ân, Trần Cao Nam, Trần Văn Tăng, Võ Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Lệ Xoan, Nguyễn Thị Mai Khiếu, Nguyễn Văn Khuê, Hồ Thị Mai Ly, Hồ Thị Then. Thời tiết ở Bắc Trà My chiều 30-10 mưa rất to khiến công tác tìm kiếm đang gặp rất nhiều khó khăn. 

LÊ VƯƠNG – TRẦN TÂN

----------------------

* PHƯỚC LỘC: SẼ MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TÌM KIẾM NHỮNG NGƯỜI CÒN LẠI

Đánh giá thực tế hiện trường và nắm thông tin từ cơ sở, Sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở tại thôn 6, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn kết luận: tìm kiếm bằng phương pháp thủ công như 5 nạn nhân đầu tiên sẽ không còn hiệu quả. Trong khi đó, đường DH3 từ thị trấn Khâm Đức lên xã Phước Lộc đang gần như bị tê liệt, chưa thể huy động xe cơ giới trong ngày một ngày hai.

Việc tìm kiếm bằng phương pháp thủ công rất khó khăn.

Tìm kiếm thủ công không khả thi

Sáng 30-10, sau khi quyết định đóng Sở Chỉ huy tiền phương tại xã Phước Công, đoàn công tác do ông Nguyễn Mạnh Hà- Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam trực tiếp chỉ huy cùng lực lượng chức năng của Quân khu 5, BCH Quân sự, BCH BĐBP Quảng Nam và lãnh đạo H. Phước Sơn đã tiếp tục kiểm tra thực tế, trinh sát địa hình đường vào khu vực 11 người dân và 2 cán bộ xã Phước Lộc bị vùi lấp. Đường HD3 từ thị trấn Khâm Đức chỉ đi xe cơ giới được đến xã Phước Công buộc phải dừng. Khoảng 30km từ đây vào hiện trường bị sạt lở nghiêm trọng, đứt gãy hàng trăm điểm nên chỉ còn cách đi bộ. Có đoạn dốc cao dựng đứng, phải “bò” theo sườn đồi, có đoạn đất đá ngập sâu tới đầu gối, có đoạn cả núi đá chắn ngang đường. 

Đi bộ khoảng 2 giờ thì đoàn công tác phải dừng lại khu vực nhà điều hành của dự án thủy điện Đắk Mi 2 vì đường bị nước lũ “bứng” một đoạn dài. Đây là ngã ba hợp lưu của một dòng chảy từ xã Phước Lộc xuống và từ Đắc Glây (Kon Tum) về đã tạo thành dòng xoáy suýt cuốn phăng nhà điều hành thủy điện trong chiều 28-10 vừa qua. Ngoài 217 công nhân bị cô lập ở phía đập thủy điện, có gần 50 người khác tại đây cũng đã thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần khi cơn lũ đánh gãy chiếc cầu bê-tông và cuốn đi nhiều hạng mục công trình đang xây dựng. May mắn là không ai bảo ai, mọi người đã thoát ra và theo hướng núi trèo lên khi nước mỗi lúc một dâng cao. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, qua trao đổi bằng điện thoại, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắk Mi 2 thông báo đã lần lượt đưa công nhân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện chỉ còn gần 100 người trong khu vực thân đập, sức khỏe bình thường, lương thực đủ sử dụng khoảng 5 ngày.

Do thông tin liên lạc bình thường bị cắt đứt, trưởng đoàn phải trao đổi với Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Lưu Huyền Thoại bằng điện thoại vệ tinh để nắm tình hình. Ông Thoại cho biết, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức mai táng 5 người dân sau khi tìm kiếm được thi thể, hiện còn 6 người cùng 2 cán bộ xã vẫn chưa tìm thấy. “Dù đã huy động thanh niên, dân quân và người dân địa phương khoanh vùng đào bới, tìm kiếm nhưng chưa có tín hiệu gì. Mọi người cũng đã rất mệt vì chủ yếu sử dụng sức người. Hiện nay tìm kiếm thủ công không còn khả thi nữa, mong cấp trên có phương án mới để tìm kiếm bà con”, ông Thoại trao đổi.

Tiếp lương thực, nhu yếu phẩm cho công nhân thủy điện bị chia cắt bằng ròng rọc.

Sớm ổn định đời sống nhân dân

Tại buổi làm việc với H. Phước Sơn vào sáng 30-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu chính quyền huyện và các xã nhanh chóng phối hợp thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn song song với ổn định đời sống của các hộ gia đình có người chết, mất nhà ở, đất ở, thiếu lương thực, thuốc men. Ông Thanh cũng lưu ý các lực lượng cứu hộ cứu nạn phải thể hiện quyết tâm lớn nhất, trách nhiệm cao nhất song tuyệt đối đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai nhiệm vụ; chính quyền địa phương ưu tiên sơ tán cục bộ, có chỗ tránh trú tại chỗ đối với các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa trong những ngày tới. “Ngay trong tuần, Sở LĐ-TB&XH nhanh chóng hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho dân từ nguồn của Chính phủ cấp để Phước Sơn phân phối về các xã, nhất là các địa bàn đang bị cô lập. Khi xe cơ giới chưa thể tiếp cận thì cần huy động thanh niên, dân quân địa phương gùi lương thực, nhu yếu phẩm đến tận nhà cho bà con, không được để ai đói, rét trong những ngày tới còn phức tạp”, ông Thanh yêu cầu.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế kết hợp trinh sát địa hình để đề xuất phương án cứu hộ cứu nạn.

Chỉ đạo các điều kiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn và ổn định cuộc sống người dân, ông Phan Việt Cường- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu H. Phước Sơn phối hợp lực lượng chức năng trước mắt phải tập trung phương án khảo sát, khôi phục đường bộ, ít nhất có thể cho xe máy lưu thông được đến các xã này trước khi thực hiện các biện pháp khắc phục bài bản, lâu dài. Để điều hành hiệu quả, hệ thống thông tin liên lạc phải được khôi phục nhanh. “Bằng mọi cách, chính quyền địa phương phải liên lạc, động viên người dân kèm theo cơ số lương thực, thực phẩm cấp thiết để khẳng định các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng luôn nỗ lực hết sức lo cho dân, không để người dân phải hoang mang, lo lắng”, ông Cường nhấn mạnh.

Một đoạn sạt lở trên đường lên xã Phước Lộc. 

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng vào cuối ngày 30-10, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, điều may mắn đến thời điểm hiện tại là người dân tại các thôn của xã Phước Lộc và Phước Thanh cũng đang đủ lương thực dùng trong thời gian các lực lượng mở hướng tiếp cận, gùi nhu yếu phẩm vào cung cấp. Quan tâm lớn nhất của Sở chỉ huy tiền phương bây giờ là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm 8 người đang mất tích tại 2 địa điểm xa cách nhau của xã Phước Lộc. “Lũ qua thì đất đá, cành cây dồn nén xuống nên lực lượng tại chỗ không thể tìm kiếm bằng phương pháp thủ công nữa. Bây giờ rất cần các phương tiện cơ giới nhưng đường sá còn bị chia cắt. Chúng tôi điều động 2 xe ủi từ Tam Kỳ lên để ủi đường vào thôn 6 nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian. Sở chỉ huy tiền phương đang phối hợp với tỉnh và lực lượng chức năng tìm phương án hiệu quả nhất, nhưng đường chưa thông thì rất khó khăn”, ông Hà cho biết.

CÔNG KHANH