Báo Công An Đà Nẵng

Tìm liệt sĩ từ cuốn nhật ký

Thứ năm, 06/07/2017 10:04

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 10-2010, trong lúc dọn dẹp đồ đạc để xây lại nhà mới, ông Vũ Đức Hưởng, cán bộ bưu điện tỉnh Hưng Yên, tìm thấy cuốn nhật ký của mình mà lâu nay ngỡ đã thất lạc. Từng kỷ niệm chiến trường hiện về mồn một ngỡ như mới hôm qua. Đặc biệt, trang viết ngày 14-8-1974 về trường hợp hy sinh của chiến sĩ Vũ Duy Hoạt làm ông giật mình và không cầm được nước mắt: "...Mộ Hoạt nằm cạnh một tảng đá rất to, đầu quay về hướng Bắc, khâm liệm bằng 3 lần tăng và võng, nhớ lấy sau này có khi cần đến". Không thể chậm trễ hơn nữa, ông Hưởng bắt đầu hành trình vào Nam tìm đồng đội.

Chiến sĩ Vũ Duy Hoạt quê Việt Cường (Yên Mỹ, Hưng Yên), bị thương và sốt rét hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin cho Sở chỉ huy phía trước Quân khu 5 đánh Nông Sơn, Trung Phước (Quảng Nam). Anh nằm lại chiến trường mà không kịp nhìn thấy Nông Sơn, Trung Phước hoàn toàn giải phóng 4 ngày sau đó. Đang chiến trận, không kịp đưa về hậu phương, đồng đội chôn anh ngay tại nơi đơn vị đóng quân dưới chân núi Chôm, nay thuộc xã Quế Lộc, H. Nông Sơn. Ông Hưởng cùng hai người em của liệt sĩ Hoạt vào Đà Nẵng được hai đồng chí của mình là Nguyễn Tiến Đãi và Nguyễn Văn Bão thuộc Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 575 đón tiếp chu đáo. Không chỉ cùng chiến đấu trước đây, họ còn là "đồng môn" lớp báo vụ do Đoàn 4 Bộ Tư lệnh Thông tin đào tạo tại Hà Bắc (cũ) nhằm bổ sung cho các chiến trường B, C, K. Làm việc với Trung đoàn Thông tin 575 (nay là Lữ đoàn), họ nhận được sự giúp đỡ tận tình. Đơn vị hỗ trợ kinh phí, ưu tiên phương tiện đi lại trong suốt cuộc hành trình. Không may là những ngày này mưa lớn, đường xấu, xe ô-tô không thể đi lên được núi Chôm. Mọi người dừng dưới chân đèo Le, rồi mượn xe máy đi tiếp 60 km đường rừng ngoằn ngoèo vòng qua H. Hiệp Đức. Rồi xe máy cũng không đi được khi gặp dốc cao. Các CCB tuổi xấp xỉ 70 bẻ cây làm gậy lội bộ hơn chục cây số nữa mới đến nơi đồng đội nằm lại.

Trang nhật ký của CCB Vũ Đức Hưởng về liệt sĩ Vũ Duy Hoạt.

Thượng úy Lê Minh Phương, trợ lý chính sách Ban CHQS H. Nông Sơn, Quảng Nam kể: "Với người trẻ thì không sao, nhưng với các bác tuổi đã cao mà vẫn lội rừng cả ngày khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Có những đoạn đường bị xói lở, dù các bác không đồng ý, hai dân quân của xã Quế Lộc đi cùng đã tình nguyện cõng hoặc dìu đi để tránh nguy hiểm. Chính tâm huyết của các bác đã động viên chúng tôi rất nhiều". Từng chiến đấu nơi đây, liệt sĩ khi chôn cất được làm dấu kỹ lưỡng, mọi việc tưởng chừng dễ dàng, nhưng hóa ra không phải vậy. Thời gian trôi qua hơn 40 năm, địa bàn thay đổi, dấu tích xưa không còn nữa, cuộc tìm kiếm vô cùng gian nan. May mắn hơn khi họ được trú tạm một lán trại trên núi Chôm. Đây là nơi ở để đốt than của gia đình người cháu CCB Lại Văn Nhiên, hiện ở Nông Sơn, thành viên trong đoàn. Nhiều hôm mưa như trút nước, quật tung lán trại sơ sài, những người lính già phải né chỗ này, tránh chỗ kia cho khỏi ướt. Có người bị vắt cắn toàn thân, phải sơ cứu như thời chiến tranh. Không nghĩ đường sá trắc trở, nên thực phẩm chỉ có mì tôm, lương khô, rau rừng. Vợ CCB Nguyễn Tiến Đãi, từ Đà Nẵng lặn lội mang lên cho đoàn 60 ổ bánh mì, được cho là "quý hơn vàng". Sau đó, một dân quân của xã cấp tốc chạy về nhà mang thêm gạo rồi kho thịt với mắm, làm thức ăn lâu dài cho gần 10 người. Nơi đây không có điện, chiếc đèn pin nạp nhiên liệu của Ban CHQS H. Nông Sơn là nguồn sáng duy nhất cho cả đoàn. Khó khăn là vậy nhưng không ai nản lòng. Sáng đi, tối về, 8 ngày băng bộ lùng sục khắp chiến trường xưa vẫn không tìm thấy nơi của đồng đội được chôn cất. Tảng đá to trong nhật ký nay đã bị cây rừng che phủ, không còn đâu vật chuẩn và là ẩn số phải đi tìm. Có bản đồ mang theo nhưng vẫn không xác định được phương hướng trước núi rừng mênh mông. Đến ngày thứ 8, trước tình huống bế tắc, CCB Đãi băng bộ về lại Đà Nẵng lấy bản đồ quân sự từ trước năm 1975 để tìm tọa độ cho chính xác hơn. Quả đúng như vậy, sân bóng dã chiến của đơn vị trong những ngày đóng quân hiện lên rõ ràng. Từ đây, việc tìm kiếm dễ dàng, thông suốt. Cuối cùng mọi người vỡ òa trong niềm vui khi mộ liệt sĩ Vũ Duy Hoạt được tìm thấy với dấu tích như trong nhật ký của CCB Vũ Đức Hưởng.

Lễ an táng hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hoạt ở quê hương (ảnh gia đình cung cấp).

Việc đưa hài cốt liệt sĩ về quê gặp nhiều trở ngại khi phải ba lần sang xe do các chủ phương tiện xe khách nặng mê tín. Tuy nhiên đến nơi, đoàn gặp ngay tình cảm ấm áp của đồng đội một thuở. Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (hiện nay đã về hưu), bạn cùng lớp thông tin của Vũ Duy Hoạt đón sẵn và cho xe chở về Yên Mỹ, Hưng Yên. Cảm động nhất là tại đây, Đại tá Nguyễn Đình Hùng đã tập hợp và "điểm danh" quân số lớp báo vụ của Bộ Tư lệnh Thông tin năm trước. Trong số 32 chiến sĩ năm ấy qua các chiến trường nay chỉ còn 22 người. Họ có mặt trong lễ an táng hài cốt liệt sĩ với niềm xúc động sâu xa. "...Thương bạn, mình khóc như một đứa trẻ. Mà không thương sao được. Một thằng bạn tốt còn quá trẻ, tuổi đôi mươi đẹp nhất của cuộc đời đã hiến dâng cuộc sống cho quê hương. Bạn đã làm tròn bổn phận của mình với Tổ quốc. Noi gương bạn, mình và những thằng còn sống sẽ cố gắng để xứng đáng với sự hy sinh này...". Trang nhật ký về Vũ Duy Hoạt làm những lính cựu thông tin đẫm nước mắt. Đây cũng là giọt nước mắt rạng ngời hạnh phúc khi liệt sĩ đã về với đất mẹ Hưng Yên trong lễ đón tiếp vô cùng trang trọng của cả quê hương và đồng đội.

HỒNG VÂN