Báo Công An Đà Nẵng

Tìm lời giải bài toán sinh viên thất nghiệp sau ra trường

Thứ sáu, 08/12/2017 10:40

Thực trạng đáng buồn là nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) rất cao, thậm chí nhiều DN "đỏ mắt" tìm nhưng vẫn không đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, trong khi rất nhiều sinh viên (SV), học viên lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau ra trường. Vấn đề này cho thấy sự phối hợp, liên kết giữa nhà trường và DN trong công tác giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này là nội dung chính được quan tâm, trao đổi tại hội thảo khoa học "Tăng cường trách nhiệm của DN trong công tác giáo dục nghề nghiệp" do Sở LĐ-TB&XH TP Đà nẵng tổ chức ngày 7-12.

Sinh viên chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp đang là bất cập cần khắc phục.

Nhà trường và doanh nghiệp đang "lạc nhịp"

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô đăng ký đào tạo 69.896 học viên ở 298 ngành nghề đào tạo. Quy mô đào tạo trình độ cao đẳng là: 18.245 SV của 93 ngành/nghề. Quy mô đào tạo trình độ trung cấp là 11.810 học viên của 116 ngành/nghề. Quy mô đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 39.804 học viên của 156 ngành/nghề… "Tất cả những ngành nghề đào tạo đều được định hướng theo nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội. SV sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp, theo đúng khả năng, ngành nghề đào tạo nếu có đủ năng lực chuyên môn", Thạc sĩ Kiều Thị Thanh Trang - Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH cho hay.

Thế nhưng, theo bà Trang, số SV, học viên nằm trong nhóm có việc làm còn rất thấp bởi có rất nhiều lao động được đào tạo vẫn loay hoay tìm việc làm, thậm chí bỏ phí cả quá trình học để đi theo một ngành khác. Điều đó được lý giải do nguồn lao động đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Thực tế, nhiều trường đã quan tâm đến vấn đề kết nối với DN, đưa SV tham quan, thực tập, học hỏi kinh ngiệm nhưng con số đó chưa nhiều. Cụ thể, theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện TP chỉ có 35 cơ sở đã phối hợp với 596 lượt DN tham gia tiếp nhận 8.538 học sinh, SV vào thực tập tại DN và tiếp nhận 4.530 học sinh, SV vào làm việc. "Điều cốt lõi trong giáo dục nghề nghiệp là SV phải được thực hành, trải nghiệm, thử sức tại các DN thì tay nghề mới được nâng cao, nhưng điều đó còn quá hạn chế là một thực trạng đáng buồn. DN và nhà trường cần phải sớm tìm được lời giải cho bài toán này", bà Trang nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, DN luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để SV có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc cũng như thử sức tại DN. Tuy nhiên, có một bất cập là nhà trường chưa thật sự nắm bắt được thời điểm. "Khi DN cần thì SV lại không đến vì không phải kỳ thực tập, nhưng khi DN không cần thì SV lại đến. Điều đó là không hợp lý, làm khó DN, hiểu một cách nôm na là sự "lạc nhịp" giữa hai bên nhưng lại là thực trạng đang rất phổ biến", ông Tùng trao đổi.

 Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần "bắt tay" hợp tác đào tạo.

Cần cái "bắt tay" bền chặt

Trước vấn đề SV không có việc làm sau khi ra trường tăng cao đã đặt ra nhiều thách thức cho những đơn vị làm công tác giáo dục nghề nghiệp cũng như các ban, ngành liên quan. Thạc sĩ Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, đã đến lúc nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp cần phải "bắt tay", hợp tác, có những điều chỉnh căn cơ, hướng đến hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cũng như môi trường tốt nhất cho SV học tập, nâng cao tay nghề.

Theo Thạc sĩ Võ Tâm - Giám đốc Trung tâm Đối ngoại, Trường CĐ GTVT Trung ương V, ngoài việc DN tạo điều kiện cho SV trải nghiệm thực tế, có thời gian dài thực tập tại DN thì một trong những điều cần thay đổi nữa là phải đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. Điều này sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế, hạn chế tình trạng thất nghiệp. "Thuận lợi cho SV khi học tập tại DN là "1 không, 2 có". SV không phải đóng học phí nhưng lại có học bổng khuyến khích hỗ trợ học tập, được trả tiền công khi thực tập và có việc làm tại DN đặt hàng ngay khi tốt nghiệp ra trường", ông Tâm nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các DN cần có một "tầm nhìn" xa, phải định hướng cũng như đưa ra được con số cụ thể cần bao nhiêu lao động trong vòng từ 5 -10 năm tới để tránh tình trạng một số ngành nghề bị "đào thải" nhưng các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục đào tạo. Hơn thế, theo Tiến sĩ Đinh Văn Tuyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại, hiện vẫn chưa có cơ sở gì để ràng buộc giữa nhà trường và DN, DN có quyền nhận hoặc không nhận SV đến thực tập. "Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhưng nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của nhà trường. Quan trọng là cần phải có một chính sách ràng buộc giữa nhà trường và DN để hai bên cùng hợp tác, phát triển, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực. Bởi, giáo dục nghề nghiệp cho học viên, SV là trách nhiệm của nhà trường, DN và cả cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải riêng của một tổ chức, cá nhân. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức đầy đủ vấn đề đó thì công tác giáo dục, đào tạo, định hướng nghề nghiệp mới thật sự phát huy hiệu quả", ông Tuyên chia sẻ.

PHI NÔNG