Báo Công An Đà Nẵng

Tìm nhau vạn dặm sơn khê

Thứ hai, 30/11/2015 09:09

(Cadn.com.vn) - 1. Cho tới bây giờ, tôi và Ngạt (nhà thơ Thái Bảo-Dương Đỳnh) vẫn cứ nghĩ mình vừa có một giấc mơ đẹp về chuyến đi tham gia trại sáng tác VHNT Quảng Nam tại Vũng Tàu do Bộ VH-TT&DL tài trợ từ ngày 1 đến 15-10 vừa qua với sự tham gia của 15 trại viên là hội viên Hội VHNT thuộc các chuyên ngành văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ dân gian và VHNT các dân tộc thiểu số-miền núi. Sau lần dự trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức vào năm 2003, đây là lần thứ hai tôi trở lại Vũng Tàu. 12 năm qua, ký ức về Vũng Tàu trong tôi còn nguyên vẹn. Dọc theo con đường xinh đẹp nhất Việt Nam-đường Trần Phú ở bãi trước, chúng tôi đến Bạch Dinh đắm mình vào màu xanh của một hệ sinh thái được bảo tồn cả trăm năm.

Dinh thự có kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ XIX, nằm bên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử. Nơi đây từng là nơi nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp giam lỏng vua Thành Thái, vị vua thứ 10 triều Nguyễn tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954). Ngày 3-11-1916 Pháp đày ông sang đảo Larenion-Châu Phi. Nỗi đau này còn đó trong bài thơ "Sầu Tây Bể Cấp": Sống thừa nào có biết hôm nay/ Nhìn thấy non sông đất nước này/ Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/ Ruột tằm đòi đoạn mối sầu Tây/ Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt/ Bể Cấp tứ bề sóng bủa vây/ Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc/ Dẫu cho sắt đá cũng chau mày...

Chúng tôi có mặt ở Côn Đảo sau 13 giờ vượt sóng. Đêm ấy cứ tưởng khó mà chịu đựng nổi sự giận dữ của sóng và gió vì trước đó tiết trời đã động. Nhưng may biển vẫn bình yên. Con tàu thong dong đi trong êm ả và thơ mộng của đêm. Hình dáng Côn Đảo dần hiện lên trong sương sớm pha chút bình minh của trùng khơi. Đến với Côn Đảo ai cũng muốn trải lòng mình với quá khứ và hiện tại và cả tương lai. Một góc nhà tù, một khoảng trời đầy thép gai, một cánh cửa sắt, một bức tường cao, dài hàng trăm mét... khiến chúng tôi nao lòng. Hệ thống nhà tù của Pháp, của Mỹ-ngụy hiện diện trên Côn Đảo suốt 113 năm là nỗi đau khó có thể lãng quên. Côn Đảo hôm nay hồi sinh mang dáng hình của đô thị. Đường phố giao nhau mang tên của các anh hùng liệt sĩ đã từng chiến đấu hy sinh trong nhà tù Côn Đảo. Côn Đảo trở thành khu du lịch đặc biệt với một quần đảo rộng 7.678 ha, đang từng ngày khẳng định mình theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt về phát triển kinh tế - xã hội H. Côn Đảo đến năm 2030.

Đêm, chúng tôi theo dòng người vào nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có nhiều ngôi mộ anh hùng liệt sĩ là người Quảng Nam. Hàng vạn ngọn nến lung linh được thắp lên trong sương sưởi ấm hàng vạn linh hồn liệt sĩ có tên và không tên trong không gian mênh mông. Đặc biệt là ngôi mộ anh hùng liệt sĩ  Võ Thị Sáu, gương lược, hoa quả, áo giấy xếp đầy. Khói hương nghi ngút, muôn ngọn nến ấm áp vẽ vào đêm một tình yêu trong trắng của tuổi đôi mươi giàu lòng yêu nước.

Con tàu đến, con tàu đi- những cuộc hành trình của bao thế hệ luôn mang theo hình bóng của Vũng Tàu-Côn Đảo, của một miền ký ức hào hùng không được lãng quên.

Viếng mộ AHLS Võ Thị Sáu.

2. Chúng tôi chọn phương tiện là chiếc xe ga của Tâm, bạn gái thời phổ thông với Ngạt, người cùng quê Quế Sơn- Quảng Nam tha hương mấy chục năm ở Vũng Tàu để về Long Khánh với lộ trình gần 70 cây số qua những rừng cao su ngút ngàn và vườn cây trái trĩu quả. Gặp những địa danh oai hùng một thời như Xuân Lộc, Long Khánh, Dầu Giây và một địa danh ngồ ngộ ít nhiều vướng víu quê nhà Quảng Nam.  Đó là ngã ba Cua Heo- nơi đổ heo cho các chợ đầu mối Bà Rén, chợ Cồn trên những chuyến xe xuôi ngược Nam Bắc. Loan đón chúng tôi ở ngã ba Cua Heo. Con đường mới chạy về Bình Lộc thênh thang. Người Quảng ở đây gắn bó với nhau, vượt qua khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Loan là một trong nhiều bạn học của Ngạt mồ côi cha, theo mẹ vào Nam từ sau ngày giải phóng. Trang nhật ký học trò đã hoen màu thời gian nhưng ký ức đẹp của thời niên thiếu Loan đem từ quê nhà vào, còn cất giữ nguyên vẹn suốt mấy chục năm nay, chừ gặp bạn cũ lại nhớ trường xưa, cùng nhau đọc những dòng lưu bút ngây ngô, hồn nhiên mà lòng rưng rưng bao kỷ niệm.

Gia đình Loan là một trong hàng triệu gia đình người Quảng ly hương nhưng không ly quê. Múi bưởi thơm trong vườn đêm cây trái sum suê của vợ chồng Hảo, cũng là bạn học của Ngạt, hàng xóm của Loan, là sự chắt lọc từ trong lòng đất hứa sau bao nhiêu năm vun xới, đợi chờ. Từ ngã ba Cua Heo chạy về Trị An, nơi có dòng thủy điện làm nên giai điệu "Trị An âm vang mùa xuân", rồi từ ngã ba Trị An rẽ lên phía Tây khoảng 60 cây số là gặp một làng có thể gọi là làng Đại Lộc, nơi đây phần lớn là người Đại Lộc di cư vào qua nhiều thời kỳ làm nên các vườn cây ăn trái bạt ngàn.

3. Chia tay Long Khánh một buổi sáng đầy sương, chúng tôi ngược về Bảo Lộc với lộ trình gần 150 cây số. Con đường Dầu Giây lên Bảo Lộc vừa mới khánh thành và làm lễ thông xe vào ngày 28-4-2015, bốn làn xe chạy êm ru... Nghỉ chân ở H. Bảo Lâm chúng tôi tìm thăm bè bạn người Quảng ở xã Lộc Nam.Vợ chồng bạn Phạm Đình Sáu đón chúng tôi bằng một bữa trái cây đặc sản từ rẫy vườn nhà. Thu-vợ của Sáu đãi bạn bằng món mì Quảng. Những cú điện thoại dồn dập cho những người bà con xứ Quảng tại Lộc Nam. Một cuộc hội ngộ bất ngờ, ấn tượng, tràn ngập yêu thương, lời thơ tiếng hát,  tình cảm quê nhà Quảng Nam trong ngùi ngùi những câu chuyện kể.

Cuộc rượu ở Lộc Nam bùi ngùi tiếc nuối giữa kẻ ở người đi, chúng tôi thẳng tiến quốc lộ 20 về Đà Lạt. Buổi chiều trời cao nguyên xuống thấp, sương mờ, gió lạnh. Những đồi chè và cà-phê của cao nguyên Lâm Viên, Di Linh hai bên đường như vẫy chào lữ khách. Đoạn đường từ Di Linh, Đức Trọng lên Đà Lạt đang trong giai đoạn duy tu sửa chữa, xe cộ cuối ngày vội vã nên không thể đi nhanh. Hết đèo Prenn đến đèo Mimosa, Đà Lạt hiện ra trong sương mờ, trong ánh đèn lung linh huyền ảo, đẹp mê hồn. Ghé vào quán ăn ven đường Bùi Thị Xuân, chị chủ quán nói giọng miền Nam mang đến hai tô phở "ngút ngàn". Mở điện thoại điện cho vợ chồng Trang - Tuấn thì mới hay bạn ở Lâm Hà chứ không phải ở Đà Lạt. Mà Lâm Hà cách Đà Lạt những 40 cây số với hành trình ngược lại. Ui cha, một bất ngờ đầy lý thú. Chúng tôi nghĩ tuy có nhầm lẫn tới 40 cây số nhưng không sao vì nhờ cái sự nhầm lẫn ấy mà mình đến được với Đà Lạt.

Đà Lạt có nhiều cung bậc. Núi non, nhà cửa, ao hồ, sông suối, phố xá, làng quê, công viên, chợ búa, đường sá, bến bãi... cao cao, thấp thấp, bồng bềnh trong mây, đi dăm ba phút lại trở về chốn cũ. Hồ Xuân Hương giữa lòng thung lũng, màu tím thủy chung của những mái dù xinh xinh dựng quanh quán cà-phê, ngả bóng, làm tím cả một góc hồ như là họa tiết của bức tranh cao nguyên. Đứng bên Hồ Than Thở mà chẳng biết thở than với ai về nước trong hồ đỏ ngầu một màu ẩn dụ. Có lẽ là hậu quả của thực trạng xói lở đầu nguồn; Vào cung triều vua Bảo Đại - hoàng hậu Nam Phương, tôi và Ngạt thử một lần làm vua, mời một nữ du khách nước ngoài làm hoàng hậu với giá thuê trang phục 80.000 đồng một bộ. Chợ đêm Đà Lạt dành cho sinh viên và lữ khách. Vó ngựa về khuya cũng vừa thấm lạnh, lộc cộc thân mình thổ mộ đã bao năm, gõ vào đêm xao động ánh trăng rằm.





Những cuộc hội ngộ với bạn bè ở Long Khánh, Bảo Lộc...

4. Đêm Lâm Hà để lại trong chúng tôi nhiều ý vị. Cái tình, cái nghĩa Quảng Nam đã ủ thành men. Thêm một cuộc hội ngộ quê nhà trên cao nguyên. Người Quảng quê mình sao mà thương như rứa. Nghe tin là vội vàng tìm đến nhận diện đồng hương. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi hỏi thăm ngoài mình mưa gió ra răng, làm ăn có được không. Vì cuộc sống mà phải tha hương cầu thực nơi đất khách quê người mấy chục năm rồi, bạn cũ trường xưa làm răng mà quên được. Bữa mô về cho tụi mình gửi lời thăm quê.

Đêm ở Vũng Tàu, Ngạt cứ thắc thỏm, điện thoại hết người này đến người khác, trông gặp cho được bạn bè chứ biết khi mô mới có chuyến đi như ri. Tất cả ngồi bên nhau đọc cho nhau nghe những vần thơ xứ Quảng, hát lên giai điệu của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu-Quảng Nam yêu thương... Chưa tạm biệt Lâm Hà, chúng tôi đã nhận được tin sẽ có một người Quảng Nam đón chúng tôi ngay dưới chân đèo Bảo Lộc. Quý nhau như rứa làm sao mà từ chối cho được. Đó là anh Vũ Trường Sa - Đinh Quế, quê Chợ Nón, Quế Sơn. Nói là gặp nhau một chút thôi vì đường về còn xa, rứa mà mất cả giờ đồng hồ. Anh gửi cho chúng tôi nỗi nhớ trĩu lòng: Bên song lặng đứng nhìn trời/ Trông về cố quận nhớ người rưng rưng.        

Có rất nhiều người để cho chúng tôi nói lời biết ơn chân thành đã tạo điều kiện thuận lợi trong chuyến đi vừa qua với những trải nghiệm lý thú. Một cuộc hành trình thú vị, mở ra những biên độ không cùng về những gặp gỡ thân thương với những người con xứ Quảng nơi mình đến.

Ghi chép của Huỳnh Trương Phát - Dương Đỳnh Ngạt