Tìm phương án làm giấy khai sinh cho 4 trẻ bị bỏ rơi
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Trường Tuấn cho hay, ông có cháu gái làm việc tại một bệnh viện ở thị xã Điện Bàn. Người cháu kể, trong quá trình công tác chứng kiến nhiều đứa trẻ sau khi sinh ra bị mẹ ruột bỏ rơi rất đáng thương. Từ đó, ông Tuấn nảy sinh ý định nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi, nên dặn cháu khi nào có trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì thông tin để ông nhận về nuôi.
Theo đó, trong các năm 2020, 2021, 2022, ông Tuấn lần lượt nhận 4 trẻ sơ sinh gồm: 3 trai, 1 gái về nuôi. “Do không rõ các thủ tục pháp lý, nên khi tiếp nhận thông tin, tôi cử quản gia của mình đến bệnh viện viết giấy cho – nhận con nuôi từ mẹ ruột của trẻ. Sau đó đưa các cháu về ở xã Điện Trung với gia đình, thuê bảo mẫu nuôi dưỡng các cháu bé. Đến nay, các cháu đã lớn, tôi muốn đưa các cháu đến trường để thầy cô chăm sóc tốt hơn. Thế nhưng khi lên xã làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho các cháu thì gặp trở ngại”- ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, UBND xã Điện Trung hướng dẫn phải liên hệ với mẹ ruột của 4 đứa trẻ và chính người mẹ này phải đi làm giấy khai sinh hoặc ủy quyền làm giấy khai sinh cho con. Tiếp đó mới thực hiện thủ tục cho nhận con nuôi mới đúng quy định của pháp luật. Điều đáng nói, việc liên hệ với mẹ ruột của những đứa trẻ hết sức khó khăn, vì không biết hiện nay họ ở đâu, không có số điện thoại để liên lạc.
Hơn nữa, 4 người mẹ bỏ rơi con này đều có hoàn cảnh, lý do “nhạy cảm” khác nhau. Khi đã bỏ rơi con, chắc họ cũng không muốn nhắc lại quá khứ nên việc liên hệ để nhờ làm giấy khai sinh cho 4 đứa trẻ này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chưa nói đến những rắc rối phát sinh liên quan đến cuộc sống đời tư của họ nếu quá khứ bị “đào bới” lại. Vì vậy, việc liên hệ với mẹ ruột 4 đứa trẻ nhờ làm giấy khai sinh là không khả thi. “Bây giờ bảo tôi tìm cách liên hệ với mẹ các bé để làm giấy khai sinh thật sự khó như… lên trời. Tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện, có cách nào khác làm giấy khai sinh để đảm bảo quyền công dân cho 4 đứa trẻ tội nghiệp. Các cháu khi mới chào đời vốn đã thiệt thòi lắm rồi”- ông Tuấn trăn trở bày tỏ.
Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phú Long - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Điện Trung xác nhận, ông Tuấn có tiếp nhận và chăm sóc, nuôi dưỡng 4 đứa trẻ tại địa phương. “Cái khó là cả 4 đứa trẻ đều có giấy chứng sinh. Do đó, theo nguyên tắc để làm giấy khai sinh thì phải về xác minh người mẹ của 4 cháu bé. Trường hợp mẹ của các cháu bé không còn ở địa phương hoặc vì ngại thì có thể ủy quyền qua cho anh Tuấn làm giấy khai sinh. Trường hợp nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì sẽ tính tới phương án khác. Chúng tôi đang thực hiện phương án giải quyết thế nào ổn nhất, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho các cháu”- ông Long khẳng định.
Liên quan đến chuyện pháp lý để làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho các cháu, ngày 9-11, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, luật sư Lê Duy Tuấn – Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Thanh An tại Tam Kỳ cho hay, đối với trường hợp giấy cho – nhận con nuôi nhưng không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền như trên thì có thể tiến hành thủ tục pháp lý để được cấp giấy khai sinh qua 3 bước. Thứ nhất, người đang trực tiếp nuôi dưỡng các cháu gửi đơn đến UBND xã nơi đang cư trú (nơi cháu được nuôi dưỡng) để niêm yết từ 30-45 ngày về nội dung cho con nuôi theo thủ tục hành chính; đồng thời gửi thông báo và hồ sơ kèm theo đến địa chỉ nơi cư trú cuối cùng của người cho con. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có ai khiếu nại, tố cáo thì UBND xã kết thúc niêm yết. Sau khi kết thúc niêm yết ở xã, người đang trực tiếp nuôi dưỡng các cháu làm đơn đề nghị UBND xã nơi cư trú của các cháu thực hiện thủ tục giao chăm sóc thay thế theo Điều 66 Luật trẻ em năm 2016. Tiếp đến, UBND cấp xã ra quyết định giao các cháu cho người chăm sóc thay thế, giao con nuôi. Căn cứ quyết định này, người chăm sóc thay thế, giao con nuôi làm thủ tục khai sinh cho các cháu.
Bão Bình