Tìm thấy mảnh vỡ MH370?
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, việc phát hiện mảnh vỡ máy bay và cả khi nghi là của MH370 bị mất tích bí ẩn là “bước tiến rất quan trọng” trong công cuộc tìm kiếm máy bay này.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 30-7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Abdul Aziz Kaprawi cho biết, “gần như chắc chắn” mảnh vỡ ngoài khơi đảo La Reunion ở phía nam Ấn Độ Dương là của một máy bay Boeing 777, động thái làm dấy lên niềm hy vọng, đây có thể là mảnh vỡ máy bay MH370 đã mất tích từ ngày 7-3-2014.
Mảnh vỡ được tìm thấy nghi là của máy bay MH370. Ảnh: AFP |
Bí ẩn sắp có lời giải?
“Gần như chắc chắn mảnh vỡ đó là từ một máy bay Boeing 777. Trưởng nhóm điều tra đã khẳng định với tôi điều này”, Reuters dẫn lời ông Kaprawi nói.
Giới phân tích cho rằng, việc phát hiện mảnh vỡ ngoài khơi đảo La Reunion là “bước tiến rất quan trọng” trong việc tìm kiếm một trong những máy bay mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không – chiếc MH370 của hãng Malaysia Airline. “Đây rõ ràng là tiến triển quan trọng và nếu đó thực sự là mảnh vỡ của MH370, nó sẽ là niềm an ủi cho gia đình các nạn nhân đi trên máy bay này”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông và Hạ tầng Australia Warren Truss nhận định.
Canberra đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm MH370 ở dưới nước thuộc phía nam Ấn Độ Dương, cách xa đảo La Reunion hàng ngàn ki-lô-mét. Tuy nhiên, theo ông Warren Truss, vẫn còn quá sớm để nói liệu đây có phải là một phần của chiếc máy bay MH370 mất tích hay không.
Nỗ lực điều tra
Mảnh vỡ này dài 2m, được người dân phát hiện khi đang dọn rác tại bãi biển thuộc đảo La Reunion. Nhiều người cho rằng, đây dường như là một phần của một bên cánh máy bay Boeing 777.
Malaysia hiện đã cử một nhóm đi xác minh xem liệu mảnh vỡ trên có phải là một phần của máy bay mang số hiệu MH370 hay không. Giới chức vận tải hàng không Pháp cũng đã mở cuộc điều tra để truy tìm nguồn gốc mảnh vỡ này. Nhưng Malaysia cũng tỏ ra thận trọng khi tuyên bố, bất cứ mảnh vỡ nào được tìm thấy đều cần phải thẩm tra thêm trước khi có thể xác nhận liệu đó có phải là của MH370 hay không. Trong khi đó, Australia đã lên tiếng đề nghị giúp đỡ, bao gồm yêu cầu các chuyên gia hàng hải soi kỹ vào hình ảnh của mảnh vỡ để xác định xem nó có “phù hợp với cái gì đó đang trôi nổi trên đại dương trong vòng 16 tháng hoặc nhiều hơn” hay không. Bộ trưởng Truss cho biết, có một con số - BB670 - trên mảnh vỡ có thể giúp các nhà điều tra xác định xuất xứ của nó. Theo ông, đây không phải là số seri hay số đăng ký nhưng có thể là số bảo trì.
Niềm hy vọng của các thân nhân
Ngày 7-3-2014, máy bay MH370, trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc), đã mất tích bí ẩn cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn trên khoang.
Cho đến nay, dù các nước mở cuộc tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém, không có bất kỳ dấu vết nào cho biết, chuyện gì đã xảy ra với MH370, biến nó trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất ngành hàng không. Vụ việc còn khiến nhiều người thân của hành khách và thành viên phi hành đoàn cảm thấy bị mắc kẹt trong sự không chắc chắn về số phận của những người thân yêu của họ.
Hôm 30-7, khi có thông tin về việc tìm thấy mảnh vỡ nghi của máy bay này, nhiều thân nhân các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh đã bày tỏ hy vọng số phận của MH370 sẽ được làm sáng tỏ. Một số người thân cho biết họ có cảm xúc lẫn lộn khi họ vật lộn với mong muốn khép lại cuộc tìm kiếm và hy vọng những người trên máy bay có thể vẫn còn sống. Sara Weeks, em gái một hành khách trên máy bay MH370, cho biết: cô “cảm thấy nghẹ thở” khi biết thông tin về việc tìm thấy mảnh vỡ trên. “Không có ngày nào tôi không nghĩ về những gì đã xảy ra. Tôi vẫn hy vọng, dù hy vọng rất mong manh”, cô nói với tờ Fairfax New Zealand. Theo cô, “chúng tôi cần phải biết những gì đã xảy ra... cho dù đó là kết cục tồi tệ nhất”.
Khả Anh
Mỹ tiết lộ nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hàng không Nhật năm 1985 Kyodo ngày 30-7 dẫn lời một cựu quan chức Mỹ cho biết, Nhà Trắng từng tiết lộ thông tin quan trọng cho tờ New York Times về nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hàng không của Hãng Japan Airlines ở Nhật năm 1985 vốn khiến 520 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Theo đó, tất cả là do việc sửa chữa máy bay Boeing 747 không đúng cách của Tập đoàn Boeing. Lúc đó, đối với Mỹ, thông tin trên là cực kỳ quan trọng vì từ đó họ có thể công bố với thế giới rằng, hơn 600 chiếc Boeing 747 khác đang được sử dụng trên thế giới, vẫn an toàn. Ngày 12-8-1985, máy bay Boeing 747 mang số hiệu 123 đâm sầm vào dãy núi thuộc tỉnh Gunma chỉ khoảng 40 phút sau khi cất cánh từ sân bay Tokyo (để đến Osaka). Vụ tai nạn - được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không thế giới, gây chấn động toàn nước Nhật và làm dấy lên nhiều đồn đoán và giả thiết về một âm mưu đằng sau. |