Báo Công An Đà Nẵng

Tìm tương lai cho Syria

Thứ ba, 31/10/2017 09:58

Vòng đàm phán mới nhất về Syria diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan IS bị đẩy đuổi hoàn toàn ra khỏi thành phố Raqqa – nơi từng là thành trì vững chắc của nhóm khủng bố này.

Vòng đàm phán mới nhất về Syria diễn ra chỉ vài ngày sau khi IS mất thành trì Raqqa.   Ảnh: AFP

Ngày 30-10, vòng đàm phán thứ 7 về việc tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria đã bắt đầu với sự tham gia của đại diện các nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Cuộc đàm phán theo thể thức họp kín này diễn ra trong 2 ngày tại thủ đô Astana của Kazakhstan và kết thúc bằng việc các bên ra một tuyên bố chung. Vòng đàm phán mới nhất này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan IS bị đẩy đuổi hoàn toàn ra khỏi thành phố Raqqa – nơi từng là thành trì vững chắc của nhóm khủng bố này, đánh dấu chiến thắng lớn của quân đội Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan, A.Zhainakov xác nhận, phái đoàn của chính phủ Syria và các nhóm đối lập vũ trang cũng đã có mặt tại Astana để tham gia đàm phán.

Mặc dù Moscow và Ankara ủng hộ các phe phái khác nhau trong cuộc xung đột tại Syria, nhưng hai nước này đã hợp tác chặt chẽ về vấn đề Syria kể từ năm 2016. Cú bắt tay này càng chặt chẽ hơn sau thành công trong việc bình thường hóa quan hệ sau sự cố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga ở khu vực biên giới Syria hồi cuối năm 2015. Nga hiện cũng hy vọng rất nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giúp ổn định tình hình ở Idlib, Syria. Trưởng phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán Astana về khủng hoảng Syria, ông Alexander Lavrentyev cho biết, Moscow vọng Ankara có thể giúp ổn định tình hình ở tỉnh Idlib của Syria, nơi Điện Kremln tin là có nguy cơ cao bị phiến quân tấn công.

Trước đó, hôm 28-10, truyền thông địa phương cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lập chốt giám sát thứ 2 ở tỉnh Idlib, theo các thỏa thuận Astana. Tổng cộng sẽ có 14 chốt như vậy được lập ra. Tại vòng đàm phán Astana hồi tháng 9, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập 4 vùng “giảm leo thang” ở Syria, đồng thời đạt được thỏa thuận về các quy tắc hoạt động ở những vùng đệm này, các trạm kiểm soát và các chốt giám sát cũng như các quy tắc can dự của các đơn vị thuộc lực lượng kiểm soát giảm leo thang.

Giới quan sát cho rằng, việc Nga lên tiếng nhờ cậy sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ do Moscow có thể đang cân nhắc khả năng giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Syria, trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria giành được những thắng lợi quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo tờ Kommersant của Nga, kế hoạch này yêu cầu quân đội Nga chỉ duy trì các đơn vị quân cảnh, các cố vấn quân sự và một lực lượng cần thiết cho việc bảo vệ các cơ sở ở Hmeimim và Tartus, Syria. Moscow cũng có thể giảm số lượng máy bay chiến đấu, nhưng vẫn duy trì các hệ thống phòng không bảo vệ các mục tiêu Nga.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hiện Nga vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc rút quân khỏi Syria. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, “những quyết định như vậy vẫn chưa được công bố”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin này và cho biết không có bất cứ kế hoạch nào về việc giảm sự hiện diện quân đội Nga ở Syria. Thật sự, Nga đóng vai trò rất quan trọng cho tiến trình hòa bình Syria. Các cuộc đàm phán gần đây về Syria tại quốc gia Trung Á này chủ yếu tập trung việc đề ra các chi tiết kế hoạch do Nga đưa ra về 4 khu vực “giảm leo thang” tại Syria.

Các vòng đàm phán trước đây ở Astana đều không có những đột phá lớn, nhưng các bên đạt được nhiều tiến bộ so rất nhiều so với các cuộc đàm phán song song của LHQ về Syria tại Genève.

Sau Astana, một vòng đàm phán mới do LHQ đứng đầu nhằm mục đích chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm tại Syria sẽ diễn ra tại Genève từ ngày 28-11. Có nhiều hy vọng cho vòng đám phán này. Phái viên De Mistura phát biểu trước HĐBA LHQ rằng, với việc IS đánh mất các thành trì Raqqa và Deir Ezzor, tiến trình hòa bình tại Syria đã đạt đến “giờ phút quyết định”.

KHẢ ANH