Tìm về di tích và truyền thuyết (1)
* Kỳ 2: Miếu xà và giai thoại về mối tình với nàng Yă Dố
(Cadn.com.vn) - Trong dân gian của vùng đất Tây Sơn Thượng vẫn còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về “Tây Sơn tam kiệt”, góp phần làm nên huyền thoại về 3 anh em nhà Tây Sơn.
Từ trung tâm TX An Khê (Gia Lai), chạy theo QL19 hướng xuống H. Tây Sơn (Bình Định) khoảng 7km, đến thôn Thượng An, xã Song An, TX An Khê, chúng tôi tìm đến Miếu Xà nằm dưới một gốc cây đa to ở ven QL19. Theo ghi chú tại Nhà truyền thống ở An Khê Đình, Miếu Xà là do vua Quang Trung lập để thờ thần rắn. Miếu Xà trông còn mới mẻ vì nằm ngay con đường độc đạo nối liền vùng đồng bằng Bình Định lên Gia Lai. Câu chuyện Miếu Xà có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh địa điểm tại nghẹo Cây Khế, đèo An Khê.
Miếu Xà.
Có tương truyền rằng, khi đại binh của nghĩa quân Tây Sơn kéo đến đèo An Khê, xuống vừa khỏi nghẹo Cây Khế, một con rắn thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền từ trên cây ké bò xuống, nằm chắn ngang đường đi. Binh mã sợ không dám đến. Nguyễn Nhạc liền xuống ngựa, tuốt gươm đến chém, lấy máu đề cờ để xuất binh đánh chúa Nguyễn.
Còn người dân ở vùng An Khê lại kể: một hôm, Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc chỉ huy một đạo tân binh từ Mộ Điểu xuống An Bình. Gần đến chân phía tây đèo An Khê (tại nghẹo Cây Khế), bỗng đạo binh thối lui. Một cặp rắn mun to lớn nằm chặn giữa đường, cổ cất cao như cột nhà cháy và miệng hả to như hai chậu máu tươi. Mọi người đều hoảng hốt và cho đó là điềm xấu. Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chấp tay khấn: nếu anh em chúng tôi có thể dựng được nghiệp lớn thì xin Xà Thần tránh đường cho quân đi.
Còn nếu mạng số chúng tôi không ra gì thì chỉ xin cắn chết tôi mà tha cho quân lính được sống về cùng vợ con. Nguyễn Huệ vừa khấn xong thì cặp rắn quay đầu xuống, song song đi trước dẫn đường cho đạo binh. Tới thôn Thượng An, rắn dừng lại. Một con vào bụi rậm ngậm ra một thanh long đao, cán đen như mun, lưỡi bén như nước. Rồi cả hai ngậm ngang thanh đao, song song bò đến dâng cho Nguyễn Huệ và sau đó biến mất. Thanh đao Nguyễn Huệ dùng đánh giặc là thanh đao của thần rắn dâng.
Để tỏ lòng tri ân, Nguyễn Huệ lập miếu thờ thần rắn tại nơi dâng đao. Miếu ấy hiện nay vẫn còn và tục gọi là Miếu Xà. Nhưng Miếu Xà lúc đó nằm ngay gần nghẹo Cây Khế. Còn Miếu Xà nơi chúng tôi vừa tìm đến hiện thời không phải là miếu ngày trước vì miếu xưa đã lâu đời bị sập đổ. Trong một khoảng thời gian khá lâu, dấu tích đã bị mất hẳn. Miếu mới sau này do người địa phương lập để mong thần rắn phù hộ.
Chuyện Nguyễn Nhạc chém rắn lấy máu đề cờ thường nghe các phụ lão ở miệt dưới đèo An Khê kể. Chuyện rắn mun dâng long đao cho Nguyễn Huệ thường nghe các phụ lão ở vùng phía tây đèo An Khê và những người buôn Thượng kể. Một bên thì lấy cây cầy cây ké ở đèo An Khê, là nơi Nguyễn Nhạc tế cờ trước khi xuất binh, và câu “Cây ké phất cờ, cây cầy đánh trống” của địa phương làm bằng chứng. Một bên thì chỉ có Miếu Xà làm chứng.
Mối tình với nàng Ya Dố kết chặt tình anh em kinh-thượng
Cánh đồng Cô Hầu là địa danh minh chứng cho cuộc tình giữa Nguyễn Nhạc và nàng Yă Dố thiết lập tình anh em Kinh-Thượng trên đất Tây Nguyên. Ngay từ những ngày đầu lên ấp Tây Sơn Thượng, Nguyễn Nhạc đã biết dựa vào nhân dân các dân tộc miền núi Tây Nguyên, xây dựng tình đoàn kết khắng khít giữa người Kinh và người Thượng, đồng thời huy động được nhân tài và vật lực cho công cuộc khởi nghĩa.
Nữ chúa Chàm Thị Hỏa (ở Phú Yên) đã đem toàn bộ lực lượng của bộ tộc mình nhập vào đội ngũ nghĩa quân. Các tộc trưởng người Ba Na đều coi Nguyễn Nhạc là “người trời”, “Vua trời” và gọi ông là Bok Nhạc một cách tôn kính. Có tộc trưởng còn gả con gái cho Bok Nhạc và người vợ Ba Na này đã đóng góp công sức không nhỏ cho nghĩa quân thuở ban đầu. Đó là bà Yă Dố, người ở Plei Đê Hmâu (nay thuộc xã Đông, H. Kbang, Gia Lai). Bà là một phụ nữ xinh đẹp, thạo việc làm ruộng rẫy và có uy tín với dân làng, có tài tổ chức.
Để có đủ lương thực cho đội ngũ nghĩa quân phát triển ngày càng đông, bà Yă Dố đã tổ chức một lực lượng lao động sang làng Tú Thủy (nay thuộc xã Nghĩa An, H.Kbang) khai hoang, tạo một cánh đồng rộng hơn 20 mẫu trồng lúa, bắp mà ngày nay vẫn còn dấu vết của bờ ruộng. Đây là một thung lũng bằng phẳng, cây cối tốt tươi, chim chóc bay về đậu đầy trên một hòn núi nhỏ mà dân gian gọi là hòn Mộ Điểu. Cánh đồng bà Yă Dố khai hoang là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho nghĩa quân khi chưa mở rộng địa bàn hoạt động trong những năm tháng ở thượng đạo, đáp ứng nhu cầu cấp bách của buổi đầu dựng nghiệp. Nơi sản xuất ấy được nhân dân gọi là “Cánh đồng Cô Hầu” để ghi nhớ đóng góp to lớn của bà Yă Dố và đồng bào Ba Na đối với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Bà Yă Dố không chỉ khai hoang làm ra lúa gạo mà còn trồng những rừng cam, rừng mít ở các plei vùng Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh, Bình Định), Kông Hà Nừng. Ở Kông Hà Nừng (Gia Lai) cũng như ở Vĩnh Sơn (Bình Định) còn nhiều vườn cam rộng từ 100-1.500m, chạy dài 15-20km. Những nhánh cam con cháu cũng cao đến 5m, đường kính gốc 2 gang tay, trái to bằng chén cơm, cùi mỏng, nước ngọt. Già làng ở Kon Trút đều công nhận đây là cam trồng và theo người xưa truyền lại đều do bà Yă Dố mua giống từ dưới xuôi mang lên trồng, lấy trái bồi dưỡng cho nghĩa quân. Những vườn cam ấy vẫn được gọi là “vườn cam Tây Sơn”.
Lê Duy
Kỳ cuối: Một tiềm năng du lịch “ngủ quên”