Báo Công An Đà Nẵng

Tin đồn đảo chính phủ bóng Thái Lan

Thứ ba, 12/02/2019 13:12

Tin đồn đảo chính xuất phát từ một đoạn băng được đưa lên mạng xã hội sáng 10-2, trong đó ghi lại cảnh đoàn xe thiết giáp xuất hiện trên đoạn đường liên tỉnh và hướng về tỉnh Lopburi, phía bắc thủ đô Bangkok.

Nhóm vận động kêu gọi lãnh đạo Thai Raksa Chart sau vụ đề cử công chúa Mahidol làm ứng viên thủ tướng.  Ảnh: AFP

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-ocha ngày 11-2 bác bỏ những tin đồn về cuộc đảo chính sắp xảy ra là “tin giả” trong bối cảnh những đồn đoán này bùng lên mạnh mẽ sau việc một công chúa Hoàng gia bất ngờ được một đảng liên minh với gia tộc Shinawatra hùng mạnh đề cử là ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới.

“Chúng tôi đang điều tra. Đó chỉ là tin tức giả mạo”, ông nói với các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ. Trước đó, phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, bà Taksada Sangkachan cho biết, Ban thư ký Nội các nước này dự kiến sẽ khởi kiện các cá nhân giả mạo một sắc lệnh của chính quyền quân sự được phát tán trên mạng xã hội, theo đó bãi chức các tư lệnh hải, lục, không quân. Bà này cũng kêu gọi người dân không tin vào “sắc lệnh giả mạo trên” và cho biết cảnh sát đã bắt đầu điều tra và xử lý về pháp luật với những người đứng sau âm mưu tạo ra thông tin sai sự thật này. 

Tin đồn đảo chính

Tin đồn đảo chính xuất phát từ một đoạn băng được đưa lên mạng xã hội sáng 10-2, trong đó ghi lại cảnh đoàn xe thiết giáp xuất hiện trên đoạn đường liên tỉnh và hướng về tỉnh Lopburi, phía bắc Bangkok.

Quân đội Thái Lan xác nhận, đoàn xe thiết giáp này di chuyển để tham gia cuộc tập trận Hổ Mang Vàng vào giữa tháng 2. Cùng ngày, theo một lệnh đóng dấu “Mật” được tiết lộ từ văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Phichit ở miền Trung Thái Lan, cảnh sát chống bạo động đã được lệnh tập hợp từ hôm 9-2 để bảo vệ các mục tiêu quan trọng vì “một số vấn đề khẩn cấp của chính phủ”. Cảnh sát trưởng Phichit, tướng Thawatchai Muannara xác nhận thông tin liên quan đến quyết định này nhưng khẳng định việc điều động lực lượng chỉ nhằm giữ gìn an ninh, trật tự trước thềm cuộc bầu cử ngày 24-3. Chưa rõ nội dung triển khai cụ thể của lệnh này cũng như việc ở các tỉnh khác có lệnh tương tự hay không.

Sau đó, nhiều trang mạng xã hội tại Thái Lan lan truyền chóng mặt tin đồn về “biến động bất thường” và quân đội “chuẩn bị đảo chính”, khiến nhiều người dân hoang mang. “Đảo chính” cũng đang nằm trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.

Quyết định gây sóng gió

Thật ra, theo giới quan sát, những đồn đoán đảo chính phủ bóng nền chính trị Thái Lan kể từ hôm 9-2 khi đảng Thai Raksa Chart đề cử công chúa Ubolratana Mahidol - chị gái Nhà vua Maha Vajiralongkorn - làm ứng viên thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24-3 tới.

Đảng Thai Raksa Chart thật sự tạo nên cú sốc lớn trên chính trường Thái Lan với quyết định này. Đảng Thai Raksa Chart được cho là một trong những nhánh quan trọng của đảng Peau Thai. Vì vậy, động thái này ngay lập tức làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt vì phá vỡ truyền thống cấm các thành viên Hoàng gia tham gia chính trị. Và chỉ vài giờ sau, một mệnh lệnh hoàng gia từ Nhà vua Vajiralongkorn đã đặt dấu chấm hết cho khát vọng chính trị chưa từng có của công chúa Mahidol. Tuyên bố nói rõ, chế độ quân chủ đã vượt quyền khi tham gia chính trị và mô tả việc đề cử chị gái ông là “rất không thích hợp” và “vi hiến”.

Tuyên bố mạnh mẽ của nhà vua Vajiralongkorn - người chưa bao giờ nói với dân chúng bằng những từ ngữ mạnh mẽ như vậy, đã làm bùng nổ phản ứng dây chuyền. Thái Lan là một trong những quốc gia có luật lệ bảo vệ Hoàng gia chặt chẽ nhất khi lời nói của nhà vua thường được xem là quyết định cuối cùng. Và tất nhiên, đảng Thai Raksa Chart, trụ cột quan trọng trong chiến lược bầu cử của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhanh chóng tuân thủ mệnh lệnh với lòng trung thành trước nhà vua và tất cả các thành viên của hoàng tộc.

Tiền lệ đảo chính

Quốc gia Đông Nam Á này trải qua hàng chục cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1932. Sau một thời gian ngắn của nền dân chủ tương đối tự do bắt đầu từ những năm 1990, quân đội đã lên nắm quyền 2 lần, vào năm 2006 và 2014. Lần gần nhất xảy ra đảo chính ở Thái Lan là vào tháng 5-2014 do tướng Prayuth Chan-o-cha đứng đầu và ông Prayuth hiện giữ chức Thủ tướng Thái Lan.

Thủ tướng Prayut đang phải đối mặt với làn sóng phản đối và kêu gọi từ chức, trong khi ông được đảng Palang Pracharath (Quyền lực Nhà nước nhân dân) chọn là người đứng đầu danh sách ứng cử viên tranh cử. Đây là đảng mới thành lập với chủ trương ủng hộ quân đội cũng như chính quyền quân sự. Lời kêu gọi từ chức xuất phát từ lo ngại Thủ tướng Prayuth sẽ sử dụng quyền hành để tạo lợi thế cho đảng thân hữu trong cuộc bầu cử.

KHẢ ANH