Tín dụng đen "bắt chẹt" tiểu thương
(Cadn.com.vn) - “Bốc nóng", tiếng lóng mà nhiều người làm ăn, buôn bán dùng để chỉ việc vay tiền trả góp của những đối tượng cho vay với lãi suất cắt cổ. Hoạt động cho vay trả góp này chính là hình thức "tín dụng đen" đang tồn tại hầu như ở tất cả các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác. Những người cần đến loại hình "tín dụng đen" này đa phần là các tiểu thương; cần trả tiền hàng- bốc nóng, cần tiền lo việc gia đình- bốc nóng, kể cả cần tiền để "đỏ-đen" cũng bốc nóng... dù biết phải đóng lãi suất từ 10-15%/tháng. Song, điều đáng nói là với thu nhập bấp bênh, nhiều người không thể trả được nợ nên cuộc sống cứ lao đao theo vòng xoáy vay- trả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần như những tiểu thương buôn bán nhỏ tại các chợ đều "vướng" vào tình trạng bốc nóng, cho vay nặng lãi. Lý giải về vấn đề này, nhiều người cho biết: Dù biết lãi suất cao, khó lòng trả hết nợ song mọi người đều chấp nhận vì một lý do là việc vay vốn này không có bất cứ một thủ tục nào cả, nhanh gọn, tất cả chỉ dựa trên hình thức tín chấp và ngay cả việc trả nợ cũng đơn giản, không tốn thời gian như việc vay tiền tại các tổ chức tín dụng. Với trường hợp chị Hường, chị Hòa... vẫn còn nhiều may mắn bởi thu nhập vừa đủ trang trải nợ nần nhưng vẫn có nhiều trường hợp không may khác ở rải rác các chợ.
Nhiều tiểu thương ở các chợ đã trở thành nạn nhân của cho vay nặng lãi. Ảnh minh họa |
Điển hình như trường hợp chị H., tiểu thương ở chợ Hàn (Đà Nẵng), sau khi vay một khoản tiền cho con nhập học lại gặp lúc chồng ngã bệnh, thế là đành nhắm mắt làm liều vay thêm một khoản khác. Trong lúc ngặt nghèo chẳng biết xoay đâu ra tiền trả nợ, chị đành chịu đựng những lời xỉ vả của chủ nợ, thậm chí còn bị những đối tượng đi đòi nợ dằn mặt. Gia cảnh đi vào đường cùng, chị đành bỏ việc buôn bán để... trốn nợ.
Hoặc nhiều trường hợp bị tan cửa, nát nhà vì trót "dây vào "tín dụng đen". Năm 2014, chị C., trú P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ) đứng ra vay 100 triệu đồng sang lại hàng tạp hóa tại chợ. Không như suy nghĩ, việc mua bán bị ế ẩm nên không có tiền trả gốc và lãi. Chỉ hơn 1 năm sau, khi tính sổ mới biết số tiền nợ của mình đã hơn con số đã vay. Không còn đường thối lui, gia đình chị C. đành gán nợ căn nhà đang ở và chấp nhận cảnh... không nhà. Tâm sự cùng chúng tôi, nhiều tiểu thương là nạn nhân của tín dụng đen cho biết: Không ngờ, chúng tôi lâm vào cảnh bần hàn như hôm nay. Dù cố hết sức vẫn không chịu nổi lãi suất 10% đến 15% của tín dụng đen. Mất hết rồi mới... tỉnh ngộ.
Thực tế cho thấy, hoạt động "tín dụng đen" như mạch nước ngầm, len lỏi trong giới tiểu thương từ nhiều năm qua và đây là một nghề hái ra tiền nên không ít người tham gia. Mặc dù hoạt động chui nhưng thế giới tín dụng đen tại các chợ có những quy luật riêng. Mỗi cá nhân chỉ được hoạt động ở một khu vực hoặc một nhóm tiểu thương nhất định và lãi suất cũng phải tuân theo quy luật chung. Chính vì vậy, mạng lưới ngầm cho vay nặng lãi đã trở thành nỗi lo đáng báo động hiện nay, đã và đang khiến nhiều tiểu thương lâm vào cảnh bần cùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý các đối tượng cho vay nóng, cho vay trả góp tại các chợ. Vì thế, các đối tượng này càng có điều kiện mở rộng mạng lưới kinh doanh, tự áp đặt lãi suất vay để bắt chẹt các tiểu thương. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn hoạt động tín dụng đen tại các chợ như đã nêu trên.
M.T