"Tín dụng đen" Đà Nẵng: Thảm họa từ dự án “Thành phố trên đồi”!
(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng, ngày 9-11, trên trang Thời sự - Chính trị, đăng bài viết “Đà Nẵng: Kinh hoàng “tín dụng đen”, hé lộ một vụ vỡ nợ lớn xảy ra trên địa bàn TP có liên quan đến ngân hàng, cán bộ, công chức..., nhiều luồng dư luận đặt ra nghi vấn về nhân vật chính của vụ này.
Với các tài liệu có được, chúng tôi công bố, đó là ông Võ Văn Vi, sinh năm 1981, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn VTI (VTI Group), có trụ sở trong tòa nhà Indochina Riverside – được cho là đã bỏ trốn, để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Đây là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn TP từ trước tới nay.
Từ dự án “Thành phố trên đồi”
Có trong tay 80,9ha đất rừng khu vực Phước Tường, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ mục đích trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp, Vi lập nên dự án “Thành phố trên đồi”. Dự án này Vi tự vẽ ra và cũng tự ý xây dựng nhiều hạng mục, công trình kiến trúc nhà rường trái phép nhằm tạo niềm tin cho nhiều người cũng như các ngân hàng để huy động vốn... Trong quá trình xây dựng trái phép đã bị UBND Q. Cẩm Lệ ra QUYếT định 2015 ngày 7-9-2010 đình chỉ thi công và phạt hành chính 30 triệu đồng. Thế nhưng, “không biết bằng cách nào”, Vi vẫn tiếp tục cho thực hiện dự án. Ngày 6-10-2010, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn số 6209 chỉ đạo UBND Q.Cẩm Lệ kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép nói trên và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình đã xây dựng.
Khu đất rừng Phước Tường mà Võ Văn Vi tự ý xây dựng trái phép
để tạo niềm tin cho nhiều người.
Trong quá trình xây dựng, Vi đã đưa nhiều người, nhiều ngân hàng lên đây giới thiệu dự án thành phố trên đồi của mình đang triển khai để mọi người yên tâm cho mình vay vốn.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu từ các ngân hàng, khi biết dự án của mình gặp khó khăn trong việc cấp phép, Vi tìm cách thế chấp một phần dự án để vay vốn một số ngân hàng. Trong số đó, Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Đà Nẵng cho Vi vay 15 tỷ đồng từ một số giấy chứng nhận sử dụng đất rừng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trùng Phương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đại Tín Đà Nẵng cho biết: Vi làm thủ tục vay 15 tỷ đồng, thế chấp một số giấy chứng nhận sử dụng đất rừng tại Phước Tường. Trong quá trình lập thủ tục hồ sơ, ngân hàng đã thẩm định dự án rất kỹ, có xác nhận của Sở TN-MT TP Đà Nẵng. Thế nhưng, đến thời điểm này, ngân hàng đã nhiều lần gọi điện thoại cho Vi vẫn không thể nào liên lạc được. Nếu tính lãi suất vay và thời hạn vay theo hợp đồng thì đến nay số tiền không phải là nhỏ.
Giấy chứng nhận QSD đất rừng, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất rừng và bản cam kết của Vi
dùng để chiếm đoạt vốn của nhiều người.
Không thu được vốn lẫn lãi, Ngân hàng Đại Tín đã phải làm đơn khởi kiện Võ Văn Vi ra TAND Q. Thanh Khê.
Không chỉ vậy, do hy vọng vào sự thành công của dự án “Thành phố trên đồi” nên ông T., kế toán trưởng của VTI Group cũng bị Vi mượn sổ đỏ của gia đình cho vay 1,7 tỷ đồng tại ngân hàng HDBank chi nhánh Đà Nẵng để Vi đáo hạn một khoản tiền khác; đổi lại Vi lấy sổ đỏ nhà khu vực An Cư 5 mở rộng đưa cho ông T. Khi Vi bỏ trốn, ông T. mới tá hỏa chạy khắp nơi. Điều đáng nói, ông T. là kế toán trưởng của VTI nên biết rõ năng lực tài chính của Cty và bản thân giám đốc Vi nhưng vẫn bị lừa gạt.
Cũng tương tự, Vi thế chấp chiếc xe Ford Focus BKS 34S-2622 vay chị V., trú trên đường Hoàng Diệu, số tiền 400 triệu đồng. Tuy nhiên, giấy tờ xe lại được Vi “cắm” vào một ngân hàng vay với số tiền 200 triệu đồng. Chị V. đành móc túi của mình trả cho ngân hàng 200 triệu đồng lấy giấy tờ xe về bán với giá 500 triệu đồng, chấp nhận mất 100 triệu đồng.
CATP Đà Nẵng vào cuộc điều tra
Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng số ra ngày 9-11-2011 đăng thông tin liên quan đến vụ việc “tín dụng đen” như đã nêu, lãnh đạo CATP Đà Nẵng đã chỉ đạo Phòng An ninh Kinh tế tiến hành thu thập thông tin điều tra hành vi vi phạm chiếm đoạt tài sản của ông Võ Văn Vi - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn VTI.
Theo nhiều nguồn tin, chị V. thường xuyên cho Vi vay với mức lãi suất cao đã nhiều lần và lần nào Vi cũng trả lãi và gốc đúng hẹn nên công việc làm ăn giữa hai bên rất thuận lợi. Tuy nhiên, đến lần này chị V. cũng không lường trước được sự việc.
Hầu như tất cả mọi người cho Vi vay tiền, ngay cả một số cán bộ ngân hàng, đều được Vi hứa sẽ... cấp cho 1.000m2 đất của dự án “Thành phố trên đồi” mà Vi “khoe” với nhiều người là gần được cấp phép xây dựng!
Nghi vấn lớn
Sau khi biết Vi bỏ trốn, một số bị hại đã làm đơn kiện ra tòa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn có nhiều người bị hại chưa lộ diện vì sợ ảnh hưởng uy tín cũng như công việc của mình. Chẳng hạn, ông T. (trú P.Xuân Hà, Q. Thanh Khê) đầu năm 2010 cho Vi vay 1,5 tỷ đồng, đổi lại Vi thế chấp 2 bìa đỏ đất rừng có diện tích 10,3 ha tại thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang đứng tên 2 chủ đất là ông Lê Văn Chín và bà Nguyễn Thị Hoa. Theo hợp đồng vay vốn, thì Vi đứng tên “Cty CP bất động sản VTI” ký hợp đồng và cam kết với ông T. đến hạn là ngày 31-10-2010 sẽ trả gốc và lãi, nếu không phải phát mại tài sản và bồi thường thêm 50% giá trị số tiền vay trong hợp đồng. Mặc dù, đến nay đã quá hạn hơn 1 năm nhưng ông T. vẫn chưa nhận được đồng nào.
Chiêu cũ vẫn hiệu quả
Theo điều tra riêng của chúng tôi, trong một thời gian rất ngắn, Võ Văn Vi lập nên hàng chục Cty con (khoảng 37 Cty) của VTI Group. Nhiều nhân viên chỉ sau một ngày được Vi bổ nhiệm lên làm giám đốc các Cty thành viên, bằng cách để nhân viên ký chứng nhận “khống” với Võ Văn Vi hợp đồng góp vốn hàng tỷ đồng. Có được các giấy tờ góp vốn của các cá nhân trong Cty, Vi khoe với nhiều người nguồn vốn của VTI Group hàng chục tỷ đồng để “tạo dáng” vay tiền và kêu gọi các đối tác đầu tư vốn vào cho mình. Mặc dù chiêu lừa của Võ Văn Vi đã rất cũ, thế nhưng, nhiều nạn nhân mới vẫn vào tròng.
Tương tự bà L. (trú P.Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) cũng cho Vi vay 1 tỷ đồng, thế chấp bìa đất rừng có diện tích 6,2 ha tại thôn Nam Mỹ, Hòa Bắc đến hạn ngày 1-6-2010 nhưng đến nay bà L. vẫn không nhận được đồng nào. Ông M. (trú Q. Sơn Trà) cho Vi vay 3 tỷ đồng, thế chấp bằng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đến nay vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Điều mà rất nhiều người bức xúc và đặt nhiều nghi ngờ là làm sao trên hợp đồng công chứng sang tên Vi mua lại đất rừng của các cá nhân trên lại có mức giá cao hơn nhiều so với mức giá thị trường cùng thời điểm. Chúng tôi xin nêu ra một số dẫn chứng cụ thể: Theo hợp đồng công chứng số 1396 ngày 23-12-2009, tại Phòng công chứng số 2, Vi mua lại của ông Chín và bà Hoa với diện tích 7,4ha được công chứng với số tiền 8,986 tỷ đồng; 6,27ha với giá 7,529 tỷ đồng và 2,97ha với giá 3,569 tỷ đồng. Tổng cộng 3 hợp đồng ủy quyền đất rừng ra công chứng đã lên đến 20,084 tỷ đồng cho 16,4ha. Theo giới kinh doanh bất động sản thì thời điểm đó, giá rao bán 1ha đất rừng khu vực này dao động từ 70 - 100 triệu đồng tùy theo vị trí. Vậy, vì sao Vi lại công chứng được hợp đồng có giá trị lên tới hàng tỷ đồng cho 1ha để lừa người khác vay với số tiền lớn?... Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra nghi vấn lớn này để có thông tin cung cấp cho bạn đọc.
Điều tra: Xuân Đương
Nhiều người nước ngoài tham gia VTI Group? Trên trang chủ của mình, VTI Group được giới thiệu rất hoành tráng, thành phần lãnh đạo ngoài Võ Văn Vi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành, còn lại toàn là người mang tên nước ngoài, cụ thể: Hamilton James - Thành viên và Giám đốc điều hành; Hill Tomilson - Phó Chủ tịch Tập đoàn, Giám đốc điều hành quản lý tài sản; David Blitzer - Giám đốc cấp cao; Timothy Coleman - Giám đốc cấp cao và Trưởng Cơ cấu & Tổ chức lại; John Finley - Giám đốc cấp cao và pháp lý; Bennett Goodman - thành viên và Giám đốc cấp cao; Jonathan Gray - Giám đốc cao cấp và quản trị bất động sản; Antony Leung - thành viên và Giám đốc cấp cao VTI Shanghai; Chad Pike - Thành viên Giám đốc cao cấp Vti Newyork; Joan Solotar - Giám đốc cấp cao VTI London; Kenneth Whithney - Giám đốc Quan hệ đầu tư & Phát triển Kinh doanh. Ngoài ra còn có “Hội đồng quản trị và điều hành”, “Hội đồng tư vấn quốc tế”, “Ban tư vấn cao cấp”, “Cố vấn cao cấp và Tư vấn”... gồm hàng chục tên người nước ngoài phiên âm theo các loại tiếng Âu, Á, Mỹ, Phi... Ngoài văn phòng tại lầu 5 - Cao ốc Indochina Riverside Towers - 74 Bạch Đằng, Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng), VTI Group còn nêu tên rất nhiều văn phòng khác đặt tại các trung tâm giao dịch toàn cầu, như New York (Mỹ), London (Anh), Singapore, Sydney (Australia), Toronto (Canada), Frankfurt (Đức), Rome (Italia), Tokyo (Nhật), Zurich (Thụy Sĩ), Brussels (Bỉ), Dubai (Ấn Độ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Thượng Hải (Trung Quốc)... B.T