Báo Công An Đà Nẵng

Tín hiệu tích cực từ cai nghiện và giải quyết vấn đề sau cai tại Đà Nẵng

Thứ hai, 23/12/2019 20:00

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố", Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là vấn đề giải quyết người nghiện trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu "không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng"...

Hội viên các CLB "Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy" tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Hiệu quả từ tổ chức cai nghiện 

Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được triển khai đồng bộ, đã có 56/56 xã, phường thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy; ban hành Quyết định, Quy chế hoạt động; hằng năm có Kế hoạch cụ thể để thực hiện. "Việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc được tiến hành theo quy trình, có sự phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ; kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ vốn, giới thiệu tạo việc làm, nhằm giúp họ hoàn thành tốt chương trình cai nghiện", ông  Nguyên nói. Đồng thời cho biết, qua 5 năm, các địa phương đã lập hồ sơ đưa vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được 744 trường hợp; trong đó có 573 người tiến bộ được chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện, chưa tái nghiện chiếm tỷ lệ 77%; hiện nay có 35 người đang cai.

Trong số các trường hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có 15 trường hợp được hỗ trợ học nghề; 31 trường hợp hỗ trợ tạo việc làm; 10 trường hợp hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, với số tiền 62 triệu đồng. Một số địa phương đã tổ chức tốt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như xã Hòa Tiến (Hoà Vang), P.Tam Thuận, Vĩnh Trung (Q. Thanh Khê), P. Hòa Thọ Đông, Thanh Bình, Hải Châu 2 (Q. Hải Châu), P. Hòa Minh, Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu)...

Liên quan đến công tác tổ chức cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, ông Nguyên khẳng định được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ, từ quy trình tiếp nhận, phân loại, cắt cơn giải độc đến công tác giáo dục hành vi, nhân cách, dạy văn hóa, dạy nghề, kỹ năng từ chối ma túy, lao động sản xuất, rèn luyện thể chất đến công tác bảo vệ an ninh trật tự, áp dụng quy chế quản lý học viên và phòng, chống thẩm lậu các chất kích thích vào Cơ sở luôn được coi trọng. Học viên khi vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng đều được tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc theo đúng phác đồ điều trị của cơ quan y tế có thẩm quyền, điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam, biện pháp vật lý trị liệu, xông hơi, xoa bóp; phân loại, bố trí vào từng khu ở phù hợp; được tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, xem ti vi, đọc sách báo, gọi điện thoại cho gia đình hàng ngày, thăm gặp gia đình; nhận quà của gia đình theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Cơ sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề cho 250 học viên, xóa mù và phổ cập tiểu học cho 52 học viên, dạy bổ túc văn hóa cho 43 học viên.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 đến nay, các ngành chức năng và các địa phương đã lập hồ sơ đưa vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng cắt cơn, cai nghiện ma túy cho 2.908 lượt người nghiện (trong đó có 428 lượt người cai nghiện tự nguyện, tăng 403 lượt người so với giai đoạn 2009-2014). Kết quả đã có 2.215 người hoàn thành chương trình cai nghiện được đưa về cộng đồng, 79 trường hợp công an di lý. Hiện nay, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 540 học viên (có 70 người cai nghiện tự nguyện), trong đó có 54 người không có nơi cư trú ổn định đang hoàn chỉnh hồ sơ chuyển sang Tòa án.

Giải quyết tốt các vấn đề sau cai

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH) thành phố, sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung, học viên được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể quan tâm, chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. "Trong thời gian quản lý sau cai nghiện, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình như gặp mặt, đối thoại, thăm hỏi, động viên, giao lưu văn hóa, thể thao... qua đó nắm bắt tình hình cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, từ đó đề xuất hỗ trợ khó khăn đột xuất; hỗ trợ học nghề, giới thiệu tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế và vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm"..., ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH cho biết. Theo đó, hỗ trợ học nghề 31 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm 92 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm 103 trường hợp với tổng số tiền 103 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm 59 trường hợp, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; trợ cấp xã hội thường xuyên cho 1 trường hợp và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 956 trường hợp, với tổng số tiền hơn 531 triệu đồng.

Tính đến ngày 15-6-2019, toàn thành phố có 713 người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, trong đó có việc làm 425 người, chiếm tỷ lệ 60%, tuy nhiên, theo Chi cục Phòng, chống TNXH, hầu hết là lao động phổ thông, việc làm không ổn định. Trong 713 người đang quản lý sau cai, có 674 người đủ điều kiện phân loại và 39 người mới về chưa đủ điều kiện phân loại.

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy và Quy chế phối hợp lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đã được thành phố chỉ đạo, các ngành hướng dẫn kịp thời, vì vậy, số người nghiện đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện; việc triển khai thí điểm mô hình cảm hóa, giáo dục và dự phòng nghiện đã mang lại những kết quả khả quan; công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mặc dù mới triển khai nhưng đã có kết quả đáng khích lệ; công tác quản lý sau cai nghiện được duy trì tốt đã giúp cho nhiều người sau cai ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng... "Có thể nói công tác cai nghiện thời gian qua đã góp phần hạn chế sử dụng, nghiện ma túy và làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo", ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH nói.

D.H