Tình cảm gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tình cảm gia đình đã tạo dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (thứ năm từ trái qua) cùng cha mẹ và các anh chị em trong gia đình. |
Cuộc đời hạnh phúc nhất là ở bên mẹ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939 tại làng Lạc Giao, nay thuộc TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, nguyên quán của ông ở làng Minh Hương, nay thuộc P. Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào năm 1943, khi mới vừa tròn 4 tuổi, ông đã cùng gia đình trở về Huế sinh sống.
Thân mẫu của Trịnh Công Sơn là bà Lê Thị Quỳnh, cựu nữ sinh trường Đồng Khánh với tính cách Huế tiêu biểu. Năm 1955, khi Trịnh Công Sơn được 16 tuổi thì cha ông qua đời trong một tai nạn giao thông. Sinh thời, cha ông là một người yêu nước có tư tưởng chống Pháp và từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt bỏ tù. Do đó, mẹ ông lúc đó phải gồng mình gánh lên vai trách nhiệm nuôi một bầy con đông đúc.
Năm 1958, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi ông vào Sài Gòn (TPHCM ngày nay) để học lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 bây giờ) ban Triết tại Trường Jean Jacques Rousseau (Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay). Năm 1961, ông lại được gia đình cho theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn tỉnh Bình Định (1962-1964). Học chuyên về Triết rồi lại học chuyên về Tâm lý nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường suy tư về con người, về cuộc đời. Trong đó, hình ảnh người mẹ trong suy tư của nhạc sĩ họ Trịnh thật đầy cảm xúc!
Bởi vậy, trong nhiều ca khúc của mình, Trịnh Công Sơn dành tình cảm thân thương đối với người mẹ của mình. Trong bài hát “Mẹ đi vắng”, ông đã có những ca từ thật vui tươi nhưng cũng đầy nhung nhớ: “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn í a/ Con cầm cây đàn con hát/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con/ Hát cho mẹ về với con”.
Trịnh Công Sơn còn có rất nhiều sáng tác về mẹ. Trong đó bài hát “Huyền thoại Mẹ” là bài hát về người mẹ hay nhất của ông. Cảm hứng sáng tác bài hát này của ông đến từ một chuyến đi đến tỉnh Quảng Bình vào đầu năm 1984. Lúc đó, ông đến thăm một bảo tàng ở Quảng Bình và rất xúc động khi thấy tấm ảnh Mẹ Suốt (1908-1968), người đã kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông… Sau đó ông sáng tác nên ca khúc “Huyền thoại Mẹ” với những ca từ đầy xúc động: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa. Che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa… Mẹ lội qua con suối. Dưới mưa bom không ngại. Mẹ nhẹ nhàng đưa lối. Tiễn con qua núi đồi”.
Tháng 11-1991, Trịnh Công Sơn đã có những chia sẻ đầy xúc động khi người mẹ sinh thành ra mình qua đời. Ông đã xúc động viết: “Khi một người mồ côi mẹ ở tuổi năm mươi thì điều ấy có nghĩa là cái chỗ trống trên giường mẹ nằm sẽ mãi mãi là một khoảng không hiu quạnh những sáng, trưa, chiều, tối. Bạn sẽ đứng nhìn cái gối mẹ thường nằm mỗi ngày và bật khóc. Bạn ngồi lại bên mép giường của mẹ và hiểu rằng từ đây bạn sẽ không còn được mẹ trách móc một điều gì nữa”.
Nói về người mẹ của muôn kiếp người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đúc kết: Không có một bài hát nào có thể nói đủ về mẹ… Một người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm... Tình yêu của mẹ là không vụ lợi. Ở trái tim người mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa”.
Bởi vậy, khi mất mẹ thì người con nào cũng có một khoảng trống của cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: “Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người… Nếu thân xác mất đi mà linh hồn vẫn còn lại thì bạn hãy tin rằng mẹ sẽ là người đau khổ nhất chứ không phải là bạn. Ở nơi linh hồn đó, mẹ biết rằng từ nay không còn ai đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi bạn trong những phiền muộn trập trùng của cuộc đời”.
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. |
Tình cảm gia đình là trân quý
Tình cảm gia đình rất quan trọng trong việc hun đúc nên tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã nhận xét: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình”.
Bởi vậy, trong ca khúc “Em là hoa hồng nhỏ”, nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn đã viết rõ về tình cảm thiêng liêng này: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha... Cây có rừng bầy chim làm tổ/ Sông có nguồn từ suối chảy ra/ Tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ Tình hồng thắm như mặt trời xa”. Ca khúc này được đánh giá là một trong những ca khúc thiếu nhi nói về tình cảm gia đình hay nhất và được nhiều thế hệ thiếu nhi hát vang.
Khi Trịnh Công Sơn qua đời, ông đã an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa (TPHCM), bên cạnh ngôi mộ của người mẹ đã sinh ra ông và dành hết cả cuộc đời nuôi con cái lớn khôn. Đối với riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người mẹ của ông đã có sự ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời ông và những sáng tác của ông. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhớ lại: “Cho đến tuổi thiếu niên, gia đình mới mua cho Sơn một cây đàn ghi-ta, điều mà lâu nay anh vẫn hằng mơ ước”. Đặc biệt, sau này, Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn) đã trở thành một ca sĩ say mê dòng nhạc Trịnh, đã trở thành một trong những động lực để người nhạc sĩ tài danh này tiếp tục sáng tác những giai điệu hay và đẹp.
Về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những người hâm mộ đang mong đợi bộ phim “Em và Trịnh” do Galaxy sản xuất và phát hành dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 12-2021 để kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông (2001-2021). Hy vọng trong bộ phim này, tình mẫu tử và tình cảm gia đình của nhạc sĩ họ Trịnh sẽ được nhà sản xuất khắc họa rõ nét bên cạnh những chuyện tình đôi lứa của ông.
NGUYỄN VĂN TOÀN