Tính "đường dài" với tài nguyên nước
(Cadn.com.vn) - Là một đô thị lớn, đông dân, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước. Trong các thập kỷ tới, do sự phát triển về kinh tế, sự gia tăng về dân số, do nhu cầu sử dụng nước ở thượng nguồn và do các hiểm họa về khí hậu, áp lực này sẽ càng tăng nặng. Để ứng phố với mối lo ngại này, được sự tài trợ của Quỹ Rockefeller iset-Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai Dự án đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tài nguyên nước, trên địa bàn thành phố. Dự án được triển khai từ năm 2013, nhằm đánh giá những kết quả của dự án, ngày 29-12, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo tổng kết, chủ trì buổi hội thảo do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh.
Theo kết quả nghiên cứu, hiện tại nguồn nước cấp dân sinh cho thành phố chủ yếu dựa vào nhà máy nước Cầu Đỏ. Nếu nhà máy bị sự cố thì sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của toàn Đà Nẵng, cần sớm thực hiện các giải pháp đa dạng hóa các công trình cấp nước để giảm rủi ro này. Một trong những rủi ro cao nhất là sự cố xảy ra đối với đường ống dẫn nước từ đập An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ. Đây là hệ thống đơn nên rủi ro rất lớn, thành phố cần phải có giải pháp để giảm rủi ro này, trong đó cần có lộ trình triển khai các công trình cấp nước tương ứng. Tại điểm thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ, tần suất và độ mặn gia tăng, làm gia tăng các chi phí xử lý. Trong tương lai, dự báo độ mặn sẽ còn tăng, bởi sự suy giảm dòng chảy và mực nước biển dâng. Đây cũng là vấn đề cần sớm có giải pháp…
Đập An Trạch, nơi cung cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ, nguồn nước chủ yếu cung cấp cho thành phố Đà Nẵng hiện nay. |
Hoạt động thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia cũng góp phần làm giảm dòng chảy trên sông Cầu Đỏ, làm tăng độ mặn tại điểm lấy nước của nhà máy nước Cầu Đỏ. Dẫn đến tăng chi phí sản xuất nước sạch. Cần có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, để giám sát quy trình vận hành liên hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó, cần xem xét sớm thiết lập và điều hành Tổ chức lưu vực sông để nghiên cứu và đề xuất các hoạt động quản lý trong khu vực. Qua thực tế cho thấy, chức năng và vai trò của các hồ chứa chưa được xem xét hỗ trợ trong các giải pháp cấp nước cho đô thị. Thành phố cần sớm thực hiện rà soát và thiết lập quy hoạch lâu dài các tiềm năng cấp nước, trong đó chú trọng xem xét để điều chỉnh chức năng tham gia cấp nước của các hồ chứa một cách phù hợp.
Việc khai thác nước trên sông Cu Đê để cung cấp cho nhà máy nước Hòa Liên là một giải pháp đa dạng hóa các nguồn cung cấp nước Đà Nẵng. Việc xây dựng nhà máy là rất cần thiết. Tuy nhiên, dòng chảy sông Cu Đê tương đối nhỏ, nhất là vào mùa khô, để khai thác nguồn nước này hiệu quả, cần xem xét các giải pháp thiết kế phù hợp việc kiểm soát và tăng thêm lưu lượng. Nhà máy nước Hòa Liên dự kiến đầu tư với công suất 135.000 m3/ ngày-đêm. Tuy nhiên, do gần với cửa biển tại Nam Ô nên nguồn nước sông Cu Đê cũng thường xuyên bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho nông nghiệp phía hạ lưu. Tại vị trí cầu Phò Nam (xã Hòa Bắc) cũng đã xuất hiện những thời điểm nguồn nước nhiễm mặn. Vì vậy, khi xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, cần thiết phải có giải pháp về mặt công trình để ngăn mặn và điều tiết dòng chảy. Hơn nữa, về lâu dài, cần xem xét đến các giải pháp công trình (hồ chứa, kênh) để tạo ra nguồn về điều tiết dòng chảy, đảm bảo nguồn nước cấp an toàn trong mùa khô. Trong lưu vực sông Cu Đê còn có hồ chứa Hòa Trung, Hòa Liên với dung tích trên 11 triệu m3. Theo thiết kế thì hồ chứa này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 650 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, chỉ còn khoảng 300 ha đất nông nghiệp, vì vậy trong tương lai khi khai thác nguồn nước sông Cu Đê, cần xem xét đến nguồn nước bổ sung cho sinh hoạt, công nghiệp từ hồ chứa này.
Dự án cũng chỉ ra, giá nước của thành phố hiện nay là thấp so với mặt bằng chung cả nước, thành phố cần nghiên cứu cơ chế giá nước phù hợp vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa là giải pháp khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Đối với các công trình cấp nước, cần xem xét các hình thức thu hút các nhà đầu tư tư nhân để giảm nguồn vốn của thành phố. Bên cạnh đó, liên kết vùng của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng là giải pháp cần thiết đối với quản lý tài nguyên nước, cần nghiên cứu các mô hình hỗ trợ để bảo tồn tài nguyên nước, tài nguyên rừng ở khu vực thượng lưu các hệ thống sông.
Hồng Thanh