Báo Công An Đà Nẵng

Tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức: Chỉ là con số dự báo!

Chủ nhật, 23/02/2014 23:37

(Cadn.com.vn) - Dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ, với mục tiêu giai đoạn 2014 – 2020 tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức, đi kèm với đó là số kinh phí lên tới 8.000 tỷ đồng.

CHƯA CÓ CON SỐ CỤ THỂ

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho biết dự thảo Nghị định đưa ra con số tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức chỉ là con số dự báo bước đầu của ban soạn thảo. Để con số dự báo này có tính khoa học và thực tiễn cao, cơ quan chức năng cần đánh giá được chính xác bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức hiện nay không có đủ năng lực, không làm được việc, làm việc không đúng ngành, nghề được đào tạo. Bên cạnh đó, cần bám sát các yêu cầu, mục tiêu của đổi mới hệ thống chính trị, cải cách hành chính để xây dựng một dự báo chính xác, khả thi về mục tiêu tinh giản biên chế đặt ra...

Về mặt nhận thức cũng phải thấy rằng, tinh giản biên chế là một quy luật trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Việc đầu tiên cần phải làm đó là tổ chức một cuộc rà soát tổng thể, đánh giá lại chất lượng, năng lực của tất cả các cán bộ, công chức đang làm việc. Việc rà soát, đánh giá này phải được thực hiện từ các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, tổ, nhóm trong cơ quan tự đánh giá, tuy nhiên phải có tiêu chí đánh giá cụ thể và phải dựa trên tổng khối lượng công việc đang làm cộng với nhu cầu phát triển sẽ cần bao nhiêu người gắn với cơ cấu ngành, nghề, vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, giới tính, độ tuổi... từ đó mới có thể dự báo, đưa ra con số cụ thể. Đây phải là khâu đầu tiên, làm cơ sở để xây dựng chính sách.

TS Bùi Sỹ Lợi

8.000 TỶ ĐỒNG LẤY Ở ĐÂU?

Nhìn nhận ở một góc độ khác, TS Bùi Sỹ Lợi thấy rằng cần phải xem xét, tính toán tuyển một số lượng người để thay thế vào vị trí của những người phải đưa ra khỏi vị trí công tác do không được đào tạo đúng chuyên môn, vì có những vị trí đòi hỏi người có chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, số kinh phí lên tới 8.000 tỷ đồng để thực hiện đề án tinh giản biên chế cân đối từ nguồn nào? Cần phải làm rõ vấn đề này. Nếu đưa ra chính sách mà không có nguồn ngân sách thì không thể thực hiện được vì đây là yếu tố vật chất cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện đề án và là nguồn lực, tạo cơ hội cho công chức ra khỏi bộ máy Nhà nước có điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp, đảm bảo cuộc sống ban đầu.

TS Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề: Cần tính toán chi tiết, định lượng, kỹ lưỡng bằng những tiêu chí và căn cứ khoa học, hợp lý để xác định “cái giá” cho cuộc "đại phẫu" này là 8.000 tỷ đồng hay là bao nhiêu? Cái khó hiện nay là việc đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, khi không có tiêu chí cụ thể mà phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người nhận xét, đặc biệt là ý chí của người đứng đầu. Bởi vậy, việc thực hiện Đề án cần phải có sự lãnh đạo thống nhất, quyết tâm chính trị cao của Đảng, sự công minh, khách quan của người đứng đầu, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của Đề án, phải làm thật tốt công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án và quá trình thực hiện phải đảm bảo sự công khai, minh bạch theo nguyên tắc tập trung, dân chủ.

NÊN GIẢM CẤP PHÓ?

Liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức, viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Đồng thời, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tại Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, góp ý cho Dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, tác giả Lê Hạnh Hoàng đưa ra nhiều kiến nghị đáng chú ý. Tác giả viết: Bản thân tôi có dịp làm ở Nhà nước, tôi thấy việc tinh giản biên chế không hề đơn giản, ở mỗi cơ quan, thủ trưởng không biết phải chọn ai để tinh giản vì nể nang. Thực tế là có những người làm việc rất nhiều, nhưng cũng có người không phải làm nhiều so với chức danh, chức vụ và lương của họ.

Do đó theo tôi, việc tinh giản có thể phương án khác: Từ nay đến năm 2020 sẽ có nhiều người về hưu, như vậy chúng ta không nên tuyển mới mà sẽ để cho những người còn lại kiêm thêm việc trong cơ quan hoặc luân chuyển cán bộ từ đơn vị khác sang để bổ sung kịp thời. Và như vậy sẽ tiết kiệm ngân sách đồng thời nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức. Mặt khác hiện nay ở nhiều cơ quan, việc bố trí nhiều lãnh đạo cấp phó cũng gây lãng phí vì lãnh đạo thường không phải làm việc chuyên môn mà chỉ để "lãnh đạo". Trong khi đó lãnh đạo thì đã có cấp trưởng. Như vậy giảm bớt cấp phó cũng là điều cần xem xét. Ngoài ra, cần xem xét sáp nhập một số bộ phận cơ quan Nhà nước vì có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý.

P.V – Q.H